Một cuộc khảo sát 34 triệu người ở 125 quốc gia được thực hiện bởi Peakon – một diễn đàn tập trung vào sự tương tác giữa người quản lý với nhân viên.
Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy người quản lý hoàn toàn có thể biết được nhân viên nào sẽ xin nghỉ việc trong thời gian chín tháng sắp tới, qua một số dấu hiệu nhất định.
Một nhân viên đột ngột xin nghỉ việc có thể gây ra nhiều phiền phức cho các nhà tuyển dụng. Hậu quả thường thấy là công ty tốn chi phí tuyển dụng và huấn luyện người mới, chưa kể tinh thần đồng đội sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi những người còn lại sẽ phải gấp rút bù đắp phần việc của người đã ra đi. Chưa kể sự tự tin của người quản lý cũng xuống thấp: Vì sao lại không lường trước được điều này?
Sẽ luôn có xáo trộn khi một nhân viên rời khỏi công ty, nhưng nếu biết trước ai đang có ý định đó, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Vì bạn có thể làm gì đó để giữ họ ở lại. Và nếu bạn thất bại, hãy lên kế hoạch để giảm bớt những hậu quả khi nhân viên đó ra đi. Song để làm được điều đó bạn phải biết rõ ai trong số nhân viên đang có suy nghĩ xin nghỉ việc.
Nếu thấy được dấu hiệu nhất định, các nhà quản lý thậm chí có thể biết trước chín tháng khi có một ai đó đang cân nhắc sẽ nghỉ việc.
Dữ liệu các nhà nghiên cứu đã dùng để phân tích có thể là vô cùng lớn, nhưng kết luận của họ lại rõ như ban ngày. Khi muốn biết ai đang có ý định nghỉ việc, bạn chỉ cần quan sát kỹ một chi tiết duy nhất: độ gắn kết của nhân viên.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng độ gắn kết nhân viên và chỉ số trung thành của nhân viên là những yếu tố khẳng định khả năng nghỉ việc của một nhân viên. Độ gắn kết của một nhân viên sẽ bắt đầu giảm một cách đáng kể chín tháng trước khi họ xin nghỉ việc” – đó là kết luận của bản báo cáo.
Khái niệm về độ gắn kết của nhân viên – tức là mức đầu tư vào công việc của họ – có thể không được rõ ràng, nhưng theo bản báo cáo thì có thể được đo lường độ tương tác của nhân viên bằng một câu hỏi đơn giản – hay còn được biết là chỉ số thiện cảm của nhân viên: “Liệu bạn sẽ đề cử [tên công ty của bạn] như một nơi phù hợp để làm việc?”.
Bản báo cáo đã giải thích “Điều khiến cho câu hỏi này có hiệu quả là do nó khuyến khích người được hỏi suy nghĩ về công việc của mình – từ văn hóa của công ty đến môi trường làm việc và khả năng thăng tiến. Tương tự như khi một người đề xuất tên thương hiệu hay sản phẩm nào đó cho bạn bè, sự sẵn lòng đề cử công ty của một nhân viên thể hiện sự kết nối chặt chẽ và thân tình của họ với công việc”.
Nếu việc gửi một bảng khảo sát ẩn danh đến các nhân viên để giám sát độ gắn kết của họ là một ý hay, thì việc trực tiếp hỏi lại là một chuyện vô cùng khó khăn (đa số sẽ nói dối và trả lời rằng “Đương nhiên rồi sếp. Em rất sẵn lòng giới thiệu công ty mình cho người khác”). Song bạn cũng có thể tìm ra những dấu hiệu tích cực cho độ gắn kết của nhân viên với công việc.
Theo một nghiên cứu được viết trên HBR.org, có 13 hành vi ám chỉ ý định nghỉ việc của một nhân viên.
- Năng suất làm việc không cao như trước.
- Nhân viên không có tinh thần làm việc nhóm như trước.
- Nhân viên thường xuyên làm việc chỉ ở mức tối thiểu.
- Nhân viên không còn mong muốn làm cho cấp trên hài lòng như trước.
- Nhân viên không sẵn lòng chấp nhận những công việc dài hạn như trước.
- Thái độ của nhân viên có sự thay đổi theo hướng tiêu cực.
- Nhân viên không còn cố gắng hay có động lực làm việc như trước.
- Nhân viên không tập trung vào những vấn đề trong công việc như trước.
- Nhân viên thể hiện sự bất mãn với công việc thường xuyên hơn trước.
- Nhân viên thể hiện sự bất mãn của họ với cấp trên thường xuyên hơn trước.
- Nhân viên xin về sớm thường xuyên hơn trước.
- Nhân viên mất đi sự nhiệt tình đối với nhiệm vụ của công ty.
- Nhân viên không còn thể hiện sự hăng hái làm việc với khách hàng như trước.
Danh sách này có thể chỉ liệt kê những dạng mất gắn kết khác nhau, nhưng bằng cách phân tích và phân loại hiện tượng này thành các nhóm nhỏ, các quản lý sẽ có trong tay một loạt hành vi họ nên để mắt trông chừng.
Hãy phát hiện những thay đổi này ở nhân viên của bạn. Trừ phi bạn can thiệp, nếu không họ sẽ rời khỏi công ty bạn trong chín tháng sắp tới.