Để kiếm thức ăn, hải âu mày đen lang thang trên mặt biển hàng chục năm trước khi trở về đất liền. Limosa lapponica bay một mạch từ Alaska tới New Zealand suốt 9 ngày không ngừng nghỉ, không săn mồi. Chim ruồi họng đỏ đốt cháy 1/3 trọng lượng cơ thể để vượt Vịnh Mexico.
Đường bay một đời của dẽ lưng nâu còn dài hơn khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng (384.403km) vài dặm. Biến đổi khí hậu và hoạt động của con người đang khiến cho cuộc sống vốn không dễ dàng của loài lông vũ lại càng trở nên khắc nghiệt hơn.
Nguyên nhân di trú
Lúc mặt trời lặn trên vịnh Firth of Thames, New Zealand (quốc gia ở châu Đại Dương) cũng là lúc hàng tá Limosa lapponica, loài chim có chuyến di cư không dừng lại săn mồi dài nhất (11.690km/9 ngày) nối đuôi nhau đáp xuống bờ vịnh. Thủy triều tràn lên, dâng ngập bãi bồi, nơi đất mềm lỗ chỗ tổ giun, hang cua. Những đôi chân ngắn ngủn chăm chỉ lội nước. Chẳng bao lâu sau 9 ngày bay mòn mỏi, đốt cháy gần như toàn bộ lượng mỡ trong người, đám Limosa lapponica gầy nhom lại mập ù.
Hoàng hôn dần tắt, những bộ lông màu nâu ngừng di chuyển. Hành trình dài đằng đẵng từ Alaska (Hoa Kỳ) tới New Zealand tạm khép lại. Limosa lapponica sẽ sớm hồi hương, nhưng trong lần trở về này, chúng sẽ nghỉ một lần giữa chặng tại Hoàng Hải, biển nhỏ nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc.
Trong suốt 8-9 ngày bay liên tục từ Alaska tới New Zealand, Limosa lapponica đập cánh không ngừng nghỉ trên con đường dài hơn ¼ chu vi trái đất. Ngay khi vỗ béo xong, chúng lại bay khoảng 6.000 dặm để tới Hoàng Hải, ở lại chừng 6 tuần trước khi bay nốt hơn 4.000 dặm để về Alaska. Hành trình di cư này đã tái diễn hàng ngàn năm. Nó lý giải sự biến mất và xuất hiện đột ngột của Limosa lapponica tại New Zealand, điều khiến cư dân phải đặt cho chúng cái tên Kuaka, tức những con chim bí ẩn. Trước thập niên 1970, ngay cả các nhà sinh vật học ở New Zealand và Alaska còn cho rằng thần linh đã giấu hết trứng của loài chim này. Phải đến năm 2007, người ta mới xác định được tuyến đường di cư của chúng.
Cho đến đầu thế kỷ XIX, các nhà nghiên cứu vẫn có xu hướng lý giải sự biến mất của một số quần thể chim bằng nguyên nhân huyền ảo. Aristoteles (384-322 trước Công nguyên) cho rằng chúng ngủ đông hoặc biến thành loài khác. Thời Trung cổ tại châu Âu, người ta tin rằng ngỗng Branta leucopsis được đẻ ra từ ngọn cây. Vào thế kỷ XVII, một mục sư Anh bảo rằng chúng biến mất vì đã bay về trời, cụ thể là lên mặt trăng. Bằng chứng về chim di trú chỉ xuất hiện lần đầu vào năm 1822, khi một thợ săn Đức bắn chết một con cò trắng. Ở cổ con cò này còn dính mũi tên có xuất xứ từ Trung Phi. Năm 1906, các nhà quan sát chim mới bắt đầu đeo vòng vào chân một số cò trắng ở vài nơi thuộc Đông Nam châu Phi, Cận Sahara.
Hai thế kỷ sau, rất nhiều sự biến mất của các quần thể chim đã được lý giải. Gần một nửa số chúng bất chợt vắng bóng tại nơi sinh sống là do di cư, di chuyển từ môi trường sống này sang môi trường sống khác theo mùa. Hải âu Laysan thường làm tổ trên các đảo nhiệt đới ở Thái Bình Dương, dành gần ½ năm để bay xa hàng ngàn dặm tới các bờ biển của Nhật Bản hoặc California (Mỹ) kiếm ăn. Ngỗng Ấn Độ vùng cao nguyên Trung Á bay qua dãy Himalaya để tới phương Nam, nghỉ chân tại các hồ lớn và cửa sông.
Không chỉ các loài lông vũ sải cánh lớn mới di cư. Ngay chim ruồi họng đỏ tí hon, sải cánh chỉ 8-11cm, cũng bay từ Canada, Mỹ, Nam Mexico (các quốc gia ở Bắc Mỹ) đến Panama (quốc gia ở Trung Mỹ) để trú đông. Tất nhiên, loài chim chỉ nặng từ 2-6g này không di cư vì chúng thích thế. Khi mùa đông tới tại Bắc Mỹ, những loài hoa quen thuộc để hút mật không còn nở, chim ruồi họng đỏ buộc phải di chuyển đến nơi khác để sinh tồn. Khi tiết trời Bắc Mỹ ấm áp trở lại, chúng lại bay về chốn cũ.
Ngoài nguyên nhân thời tiết nóng lạnh, một số loài chim còn di cư do thiên tai như lũ lụt. Chim xúc cá đen làm tổ trên các bãi cát lộ thiên ở Manú, lưu vực sông Amazon. Sang tháng 9 hàng năm, mưa lớn triền miên gây ngập lụt, loài chim này phải khởi hành tới bờ biển Thái Bình Dương hoặc di chuyển lên vùng đất cao hơn. Một số loài lông vũ chọn dịch chuyển theo độ cao thấp của địa hình. Chúng làm tổ trên núi khi sông suối chưa đóng băng và chuyển dần xuống sát dòng nước khi đông về.
Lịch sử di cư của chim chóc có từ hàng nghìn năm, dựa vào sự thích ứng. Do cạnh tranh thức ăn và khu vực làm tổ, một số loài chọn mạo hiểm đi xa hơn, ngày càng mở rộng khu vực sống. Các nhà nghiên cứu suy đoán sự di cư xảy ra khi chim chóc vùng nhiệt đới kéo giãn phạm vi sinh tồn vào vùng ôn đới. Một số khác đưa ra giả thuyết ngược lại song, nguyên nhân có lẽ bao gồm cả hai.
Tùy theo điều kiện tự nhiên mà các tuyến đường di cư có thể thay đổi. Ví dụ chim chích đầm lầy di chuyển từ miền Bắc nước Đức (quốc gia ở châu Âu) sang Đông Phi để kiếm ăn. Nếu thuận lợi sinh sống ở Đông Phi, chúng sẽ dừng chuyến di cư tại đây, nhưng nếu điều kiện Đông Phi trở nên xấu, chúng sẽ bỏ ra vài tuần nữa để bay tới Nam Phi.
Chuẩn bị cho di trú
Chim chóc không lưu giữ ký ức thành văn bản hay tư liệu kỹ thuật số truyền lại cho thế hệ sau như người song, con cháu chúng vẫn thực hiện hành vi di trú y hệt tổ tiên. Các nhà nghiên cứu cho rằng dữ liệu di cư đã được “viết” vào gien hoặc luôn có một con đầu đàn chỉ đạo. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng xác thực cho 2 giả thuyết này.
Để chuẩn bị cho hành trình di trú dài, chim chóc tích lũy mỡ, dự trữ một lượng chất béo khổng lồ so với cơ thể. Nếu xăng là nhiên liệu của động cơ thì mỡ là năng lượng của chim di trú. Lớp mỡ dự bị có thể dày đến mấy cm nhưng chỉ ở dưới bụng. Tại ngực và đùi, chim di trú phát triển cơ bắp.
Không chỉ dựa vào sức mạnh, nhiều loài chim còn tận dụng sức gió, điển hình là Limosa lapponica. Chúng thường rời Alaska vào cuối đợt bão, khi gió Nam nổi lên. Tại chuyến đi từ New Zealand tới Alaska, Limosa lapponica cũng nhìn thời tiết. Chỉ khi những cơn gió êm ái bắt đầu, chúng mới tiến hành cuộc hành trình. Ngay cả lúc bỏ lại biển Hoàng Hải, chúng cũng đợi gió lên mới cất cánh.
Sự linh hoạt đáng ngạc nhiên hơn cả ở chim di trú là khả năng điều chỉnh giấc ngủ. Sau khi tổng hợp kết quả theo dõi điện sóng não của chim cốc biển đen, loài chim bay hàng trăm dặm trên Thái Bình Dương để kiếm thức ăn, các nhà khoa học nhận ra chúng chỉ ngủ chớp nhoáng trung bình khoảng 12 giây trong những đợt bay lên cao rồi hạ xuống. Mỗi ngày mưu sinh, tổng thời gian cốc biển đen ngủ được vào khoảng 42 phút. Và cũng chỉ ½ não cốc biển đen chìm vào giấc ngủ, ½ còn lại vẫn thức.
La bàn định hướng của chim di trú là mặt trời, đặc biệt là với chim sáo châu Âu. Một vài loài chim còn biết trông sao để điều hướng. Nhiều loài khác lại có la bàn sinh học trong chính cơ thể, chẳng hạn chim oanh châu Âu. Tuy nhiên, chúng vẫn phải dựa vào các tín hiệu từ mặt trời để quyết định. Lý do một số loài chim tự hình thành la bàn sinh học có lẽ là để đối phó với một vài tình huống không mong muốn, ví dụ ngày nhiều mây hoặc đêm không sao.
Khi thức ăn trở nên khan hiếm, một số loài chim có thể chuyển sang chế độ ăn chay, ăn rau cỏ, ví dụ chim dẽ lưng nâu. Bình thường, thức ăn của dẽ lưng nâu là các loài nhuyễn thể sống trong bùn dọc theo các bờ biển. Tuy nhiên, khi mùa đông đến, việc kiếm ăn trong bùn trở nên khó khăn, dẽ lưng nâu có thể tạm thời ăn thực vật. Kích thước của loài chim này ở các khu vực khác nhau, tùy vào điều kiện thức ăn, cũng có sự lớn nhỏ khác nhau.
Khó khăn sinh tồn
Sự thay đổi của khí hậu và ô nhiễm môi trường đang gây tác động đến nhiều loài chim di trú. Trong nửa thế kỷ qua, lượng chim di trú giảm đáng kể. Kể từ năm 1973, lượng chim chóc ở Bắc Mỹ giảm tới 70%. Các nhóm dẽ lưng nâu, họ dẽ, Limosa lapponica theo đường di cư từ Đông Á tới Australasia còn sụt giảm ngoài sức tưởng tượng. Nguyên nhân chính là do các điểm dừng chân, chủ yếu là các bãi bồi thủy sinh, đã biến thành bến cảng, nhà máy và khu dân cư.
Săn bắn trái phép cũng khiến chim di trú ngày càng giảm số lượng. Các nhà bảo tồn ước tính, mỗi năm có khoảng 11-36 triệu chim chóc bị giết hại (bởi cả con người lẫn động vật săn mồi). Chặt phá rừng làm đất nông nghiệp cũng thu hẹp diện tích sinh tồn của các loài chim, khiến việc kiếm sống trở nên khắc nghiệt. Trước đây, Nam châu Âu chỉ gồm các trang trại nhỏ điểm xuyết giữa không gian hoang dã. Bây giờ, tất cả đã được cào bằng để trở thành khu vực canh tác chuyên biệt rộng lớn. Thời gian tạm trú tại các điểm dừng chân của chim di trú ngày càng rút ngắn (hoặc kéo dài).
Hoàng hôn buông xuống trên biển Hoàng Hải. Một vài Limosa lapponica cất giọng. Đáp lại chúng là đôi ba tiếng kêu rời rạc. Âm thanh các Limosa lapponica gọi nhau kéo dài cả giờ. Mặt trời khuất bóng, một Limosa lapponica thét vang. Cùng lúc, toàn bộ Limosa lapponica cất cánh. Chúng nhanh chóng bay qua cửa sông, hướng về đại dương theo hình chữ V. Biến đổi khí hậu và hoạt động của con người đang khiến cho hành trình vốn khắc nghiệt của Limosa lapponica ngày càng thêm khắc nghiệt.