Nhiều năm đã trôi qua sau chiến tranh Anh – Argentina, thiên nhiên hoang dã trên quần đảo Falkland đang dần phục hồi. Nhưng vẫn còn đó xác trực thăng và hàng ngàn mìn chôn chưa được gỡ bỏ.
Dù vậy, nó vẫn được khoanh vùng để trở thành khu vực bảo tồn chim cánh cụt nức tiếng nơi nơi. Nước Anh, vì thỏa thuận dọn sạch mìn chiến tranh, đã nỗ lực tiến hành rà soát và gỡ mìn trên quần đảo này. Nhưng thay vì hoan nghênh, người Argentina sinh sống tại đây lại kịch liệt phản đối.
Thiên đường động vật hoang dã đa dạng
Nếu bạn muốn một thế giới tự nhiên mà ở đó động vật hoang dã không hoảng sợ khi thấy người, hãy đến với Falkland, quần đảo bao gồm 776 hòn đảo lớn nhỏ nằm cách biển Argentina chừng 402km. Thật kỳ lạ là động vật trên quần đảo Falkland xem con người như bằng hữu.
Chim ưng caracara vằn thậm chí dám cướp giựt cả đồ của du khách. Đám hải âu mày đen không chỉ vô tư khoe dáng trước máy quay, mà còn cố ý quệt chân của chúng vào người đang đứng ngắm cảnh khi bay ngang qua họ nữa.
Trên hòn đảo Steeple Jason của Falkland, hải âu mày đen đậu chen chúc y hệt như một cánh đồng chim trên cao. Bên dưới vách đá liền kề bờ biển của hòn đảo ấy, chim cánh cụt rockhopper tấp nập đi lên đi xuống. Giữa không trung, chim ưng caracara vằn quắc đôi mắt sắc lẻm, quét tìm trứng và chim non.
Nó là mối nguy hiểm tự nhiên duy nhất trên quần đảo Falkland, nhưng vẫn được quan tâm bảo vệ. Dưới làn nước biếc, hải cẩu lông mao, cá voi sát thủ, cá heo thống lĩnh các rừng tảo bẹ rộng lớn. Hải cẩu, sư tử biển thì thảnh thơi nô giỡn trên bờ ghềnh.
Dù Falkland nổi tiếng khắp thế giới là quần đảo bảo tồn chim cánh cụt, nó còn là khu vực bảo tồn sư tử biển. Chỉ riêng trên đảo con Stick-in-the-Mud, ước tính đã có khoảng 7.500 sư tử biển. Giữa thế kỷ 20, loài động vật biển này của quần đảo Falkland đã suýt bị tuyệt chủng. Nhờ hoạt động bảo tồn, chúng lại tiếp tục sinh sôi.
Cá heo Peale thì chủ yếu bơi quanh quẩn gần đảo New. Chúng thường đi theo nhóm, khoảng từ 2-20 con, rất ưa nhào lộn trước mũi thuyền. Chim cánh cụt tất nhiên là đông đúc, bao gồm đủ các nhánh của nhà chim cánh cụt, trong đó có cả chim cánh cụt vua. Đặc biệt, chim cánh cụt vua tại điểm Volunteer của quần đảo này còn nhiều đến hàng ngàn cặp.
117 bãi mìn và 20.000 mìn chôn
Hiện nay, Falkland được xem như lãnh thổ hải ngoại tự quản của Anh. Nó có diện tích 12.200km2 và khoảng 3.200 dân. Tuy nhiên, Argentina chưa bao giờ thừa nhận điều đó. Họ liên tục tuyên bố chủ quyền.
Lịch sử Falkland cũng là lịch sử của tranh chấp và xung đột. Quần đảo này đã không hề có người ở cho đến tận năm 1764, khi người Pháp thứ nhất đặt chân lên. Chỉ có điều người Pháp không phải là những người đầu tiên phát hiện ra Falkland. Đó là công lao của một thuyền trưởng người Anh tên John Strong.
Sau năm 1766, Pháp nhường Falkland cho Tây Ban Nha. Qua tranh chấp, Anh và Tây Ban Nha quyết định chia đôi quần đảo, mỗi bên chiếm lĩnh một nửa. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, cả Anh lẫn Tây Ban Nha đều bỏ bê Falkland. Mãi tới lúc này, Argentina mới nhảy vào tuyên bố chủ quyền, tố cáo Anh tội xâm lược.
Trong Thế chiến thứ nhất, Falkland từng phải hứng chịu trận chiến khốc liệt giữa hải quân Anh và hải quân Đức. Trong Thế chiến thứ hai, nó lại biến thành điểm đóng quân của một tiểu đoàn Anh. Trước năm 1982, Anh có cân nhắc chuyện trả lại chủ quyền quần đảo Falkland cho Argentina, nhưng sau đó trở mặt. Tháng 4.1982, Argentina đưa quân đội lên Falkland, chính thức tuyên chiến với Anh.
Xung đột vũ trang giữa Anh – Argentina kéo dài 2 tháng, kết thúc bằng chiến thắng của Anh. Song nó cũng để lại trên quần đảo tuyệt đẹp Falkland những 117 bãi mìn và khoảng 20.000 mìn chôn, từ mìn chống xe đến mìn chống người. Bởi việc dò gỡ mìn quá nguy hiểm, cả Anh lẫn Argentina đều thoái thác trách nhiệm cho đến khi Anh ký hiệp ước đảm bảo sẽ dọn sạch mìn chiến tranh vào năm 2009.
Gỡ mìn hay không gỡ mìn thì tốt hơn?
Vào thập niên 1990, nhà đầu tư Michael Steinhardt của Mỹ bỏ tiền ra mua một vài hòn đảo ở Falkland. Năm 2001, vợ Steinhardt là bà Judy quyết định tặng tất cả cho Hiệp hội Bảo vệ Động vật Hoang dã. Từ đó, Falkland trở thành khu bảo tồn tự nhiên, đặc biệt chú trọng bảo tồn loài chim cánh cụt.
Mìn là mối nguy cơ lớn nhất trên quần đảo Falkland, song nó lại chẳng ảnh hưởng gì mấy đến loài chim cánh cụt. Chí ít, nó cũng vô hại với hai loài chim cánh cụt nhỏ là magellan và gentoo vì chúng không đủ nặng để kích nổ mìn.
Việc gỡ mìn cũng rất phức tạp, và trên hết là nó không hẳn cần thiết nên cư dân Falkland tuyên bố thẳng thừng: “Chúng tôi thà để yên các bãi mìn như cũ. Đằng nào thì tất cả chúng cũng đều được đánh dấu rõ ràng, có hàng rào bao bọc. Người ở đây cũng chưa ai từng bị thương vì mìn. Thế nên hỡi chính phủ Anh quốc, hãy cứ đi đến nơi nào khác cần giải phóng đất đai làm nông nghiệp mà phung phí tiền của chứ đừng đụng đến nơi này”.
Nhưng Anh đã ký hiệp ước xóa sổ các bãi mìn và họ cần nghiêm chỉnh thực hiện điều đó. Vì vậy, từ năm 2009 cho đến nay, Anh đã chi hàng chục triệu bảng cho việc rà, quét mìn ở Falkland. Điều phiền phức nằm ở chỗ, phá mìn cũng đồng nghĩa với làm nổ mìn. Mà nổ mìn thì lại cày tung cả một khu đất, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái vừa mới bước đầu phục hồi.
Thêm vào đó, cư dân Falkland nhiệt tình với việc bảo vệ sinh thái hơn là dọn mìn. Không như các nơi khác, họ kiếm sống chủ yếu nhờ vào du lịch sinh thái. Hàng năm, Falkland đón khoảng 60.000 lượt du khách ghé thăm. Chống lại chiến dịch dọn mìn chiến tranh của Anh không chỉ để bảo vệ môi trường mà còn là vì miếng cơm manh áo của họ nữa.
Dù sao, Anh vẫn cứ bất chấp dọn mìn. Tính đến hiện nay, họ đã gỡ bỏ thành công 70% mìn ở Falkland. 30% còn lại bao gồm các bãi mìn quanh vịnh Yorke, nơi cư trú của chim cánh cụt magellan, hải cẩu lông mao và chim oystercatcher; và một số bãi mìn gần các khu định cư. Chúng quá khó để thực hiện nên Anh vẫn còn đang tính toán.