Sếp đang thực hiện “chính sách mở cửa” với nhân viên và sẵn sàng chia sẻ, lắng nghe nhân viên trong nhiều vấn đề. Sếp xây dựng một môi trường làm việc “có vẻ” khá thân thiện và cởi mở, thế nhưng tỷ lệ nhân viên nghỉ việc vẫn rất cao. Theo các chuyên gia tư vấn nguồn nhân lực, nguyên nhân có thể là vì nhân viên đã không chia sẻ với sếp những vấn đề sau.
1. Sếp trả lương thấp cho nhân viên
Khi tuyển dụng một nhân viên, hai bên thường thương lượng một mức lương dựa trên kỹ năng, kinh nghiệm của nhân viên đó, nhu cầu của doanh nghiệp và mặt bằng lương chung của thị trường. Đó là mức lương mà hai bên cảm thấy công bằng.
Tuy nhiên, theo thời gian, mức lương ấy có thể không còn phù hợp do những yếu tố nói trên đã thay đổi. Nhưng nhân viên lại ít khi nói với sếp điều này. Để khắc phục tình trạng ấy, các nhà quản lý cần phải thường xuyên cập nhật mức lương của thị trường và đánh giá lại năng lực, hiệu quả làm việc, khả năng đóng góp của từng nhân viên.
- Xem thêm: Trước khi “cất bước ra đi”
2. Sếp không bao giờ lắng nghe nhân viên
Chủ doanh nghiệp hay các nhà quản lý cấp cao thường là những bậc thầy của những ý tưởng. Họ là người nảy ra ý tưởng thành lập công ty. Họ cũng là người đưa ra nhiều ý tưởng để triển khai và hoàn thành các công việc. Nhưng đôi khi các nhà quản lý lại quên rằng mục đích tuyển dụng thêm nhân viên cũng là vì công ty cần đến họ và những ý tưởng của họ.
Các chuyên gia khuyên các nhà quản lý cần phải thường xuyên lắng nghe và xem xét áp dụng các ý tưởng của nhân viên vào công việc. Việc này không chỉ là một trong những cách động viên nhân viên tốt nhất mà còn giúp doanh nghiệp có cơ hội phát hiện ra những nhân tài và đi đầu trong sáng tạo, từ đó vượt qua các đối thủ cạnh tranh.
3. Sếp cần phải sa thải một nhân viên nào đó
Không có nhân viên nào lại không tỏ ra bất mãn khi sếp “bịt mắt, che tai” trước những cái xấu. Những nhân viên có năng lực không phù hợp hay thái độ làm việc không tốt cần phải được sếp quan tâm và giúp họ cải thiện hoặc sa thải nếu cần thiết.
Việc chấp nhận những nhân viên như vậy sẽ làm suy giảm động lực, hiệu quả làm việc của những nhân viên có năng lực, nhiệt huyết, thái độ làm việc tích cực và làm cho bầu không khí làm việc trở nên nặng nề.
4. Sếp cần phải từ bỏ một khách hàng nào đó
Trong kinh doanh, đa số các công ty đều rất thấm nhuần một bài học rằng chi phí để giữ một khách hàng hiện tại thì thấp hơn nhiều so với chi phí phát triển một khách hàng mới.
Tuy vậy, ở đâu đó sẽ có những khách hàng đòi hỏi nhiều hơn những gì mà họ đóng góp cho doanh nghiệp và không nghĩ đến lợi ích lâu dài giữa hai bên. Những khách hàng như vậy chỉ gây phiền toái cho nhân viên, làm cho nhân viên tiêu hao nhiều công sức và thời gian mà lẽ ra nên được dùng để phục vụ những khách hàng đóng góp nhiều nhất cho doanh nghiệp (nhóm 20% khách hàng đem lại 80% doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp theo lý thuyết 80/20).
Thế nhưng, các sếp lại có thể vẫn muốn giữ những khách hàng này vì thật sự chưa hiểu hết về họ. Điều này khiến cho nhân viên bất mãn và có thể ra đi. Để khắc phục tình trạng đó, các sếp cần phải cùng nhân viên tìm hiểu đặc thù của từng khách hàng trong cách giao dịch, mua bán với doanh nghiệp và đóng góp của họ để từ đó quyết định nên tập trung vào khách hàng nào, nên từ bỏ khách hàng nào.
5. Sếp là một nhà quản lý vi mô
Sếp tự hào rằng mình nắm bắt hết mọi khía cạnh, chi tiết của công việc và thường xuyên kiểm tra hoặc có ý kiến với nhân viên trong mọi vấn đề.
Các chuyên gia khuyên rằng, sếp chỉ nên là người phác họa ra “bức tranh lớn” cho nhân viên và thực hiện việc trao quyền cho nhân viên để họ sở hữu công việc, chủ động giải quyết các vấn đề. Có như vậy, nhân viên mới có được hứng thú trong công việc và từ đó phát huy khả năng sáng tạo cao hơn.
Tuy nhiên, để làm được việc này, sếp cần phải tuyển được những nhân viên thật sự có năng lực phù hợp với công việc.
6. Sếp quá lơ là với công việc
Trái ngược với một nhà quản lý vi mô, trong trường hợp này sếp lại không nắm bắt điều gì đang xảy ra nên không thể đưa ra cho nhân viên các lời khuyên, các khuyến nghị hay quyết định khi nhân viên thật sự cần đến sếp.
Nên thường xuyên rà soát lại công việc (ít nhất mỗi tuần một lần) thông qua các cuộc họp với các nhân viên báo cáo trực tiếp cho mình để nắm bắt tình hình chung và “bức tranh tổng thể” của công việc, làm cơ sở đưa ra các quyết định hoặc đơn giản chỉ để giúp các bộ phận phối hợp với nhau tốt hơn.
7. Người thân của sếp can thiệp không cần thiết vào công việc
Điều này thường xảy ra ở các chủ doanh nghiệp nhỏ khi để cho người thân tham gia vào việc quản lý công ty một cách không chuyên nghiệp và thiếu tôn trọng nhân viên.