Khảo sát mới nhất của Adecco Việt Nam nhằm đánh giá trải nghiệm của các nhà tuyển dụng và ứng viên đối với hoạt động tuyển dụng và đào tạo nhập môn (onboarding) trực tuyến trong tương lai, đồng thời tìm ra những khía cạnh có thể cải thiện.
Những phát hiện từ cuộc khảo sát này có thể giúp tạo nâng cao hiệu quả cho quy trình tuyển dụng trong “bình thường mới”, và sau cùng là mang đến một nơi làm việc tốt hơn cho tất cả mọi người.
Đại dịch COVID-19 đã tác động đáng kể đến cách chúng ta làm việc, cũng như cách các công ty tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới. Khi hình thức làm việc từ xa ngày càng phổ biến, việc xây dựng quy trình tuyển dụng và đào tạo người mới trực tuyến hiệu quả sẽ là chìa khóa để thu hút và gắn kết nhân sự mới với môi trường và văn hóa làm việc.
Để tìm hiểu rõ hơn về xu hướng này, Adecco Việt Nam đã thực hiện một cuộc khảo sát trên toàn quốc vào tháng 5 năm 2022 với chủ đề “Tuyển dụng & Đào tạo nhập môn trực tuyến trong thị trường lao động bình thường mới”. Cuộc khảo sát nhận được tổng số 483 phản hồi từ cả hai nhóm: nhà tuyển dụng và ứng viên/nhân viên.
Các phát hiện từ khảo sát cho thấy khi bước vào kỷ nguyên số hóa, các tương tác trực tiếp giữa con người vẫn là yếu tố then chốt trong quy trình tuyển dụng và đào tạo nhập môn.
Giám đốc Quốc gia của Adecco Việt Nam, bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh, nhận xét: “Công nghệ cùng với sự phát triển của Internet, trí tuệ nhân tạo, học máy (machine learning), video và chatbot đã giúp tinh gọn và cải thiện hiệu quả của quy trình tuyển dụng và đào tạo nhập môn. Mỗi lần hiển thị và mỗi cú nhấp chuột đều có thể là một cơ hội tuyển dụng tiềm năng. Với khả năng làm việc từ xa trở thành tiêu chuẩn mới, chúng ta đang ở thời điểm có thể đối mặt với nhiều thay đổi nhanh chóng ở nơi làm việc. Công nghệ sẽ tiếp tục phát triển, trở thành một lợi thế cạnh tranh và có tác động đáng kể đến cách chúng ta tìm kiếm, tuyển dụng và giữ chân nhân tài.
Tuy nhiên, từ cuộc khảo sát này, chúng ta đều thấy là các nhà tuyển dụng nên tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa sự đổi mới công nghệ và sự tương tác trực tiếp của con người. Bởi vì dù chúng tôi gọi quy trình là “trực tuyến” và phát triển nó dựa trên các công cụ kỹ thuật số, nhưng nó vẫn hướng tới “con người”. Công nghệ là tương lai, nhưng sự tiếp xúc giữa con người và trải nghiệm thực tế là không thể thay thế và vẫn sẽ là mấu chốt quan trọng trong tương lai.
Bạn có thể tận dụng và để công nghệ tiếp quản các đầu việc nhập nhằng và lặp đi lặp lại như lên lịch các cuộc gọi phỏng vấn hay quản lý dữ liệu, sau đó dành thời gian để tập trung vào các buổi trao đổi với ứng viên tiềm năng hoặc tìm phương pháp mới để nâng cao trải nghiệm đào tạo nhập môn cho nhân viên. (…) Như bạn có thể thấy, chúng ta luôn có nhiều cách để tăng yếu tố “con người” và khiến các ứng viên hoặc nhân viên mới cảm thấy họ thực sự được quan tâm, kể cả trong môi trường ảo. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi tin rằng họ sẽ đánh giá cao nỗ lực của bạn và ngay cả khi không nhận việc lần này, họ vẫn sẽ quay lại khi sẵn sàng thay đổi công việc lần tiếp theo.”
Một số phát hiện chính:
• Gần 40% nhà tuyển dụng bắt đầu sắp xếp các cuộc phỏng vấn trực tuyến từ sau COVID-19. 43% đã thực hiện một vài cuộc phỏng vấn trực tuyến trước dịch, và hiện tại đang dùng hình thức này nhiều hơn.
• 35% doanh nghiệp không tiến hành đào tạo nhân viên mới trực tuyến trước dịch COVID-19, nhưng hiện tại họ đang áp dụng hình thức này. 23% doanh nghiệp đã làm quen với hình thức trực tuyến trước dịch và hiện thì áp dụng rộng rãi hơn. Còn lại 13% doanh nghiệp cho biết chiến lược đào tạo nhập môn trực tuyến của họ vẫn giữ nguyên.
• 59% ứng viên/nhân viên đã được trải nghiệm cả hai quá trình tuyển dụng và đào tạo nhập môn trực tuyến. Khoảng 65% hài lòng với quy trình tuyển dụng trực tuyến và gần 45% hài lòng với quy trình đào tạo nhập môn trực tuyến.
• 71% ứng viên cho rằng hình thức trực tuyến thuận tiện hơn trong việc sắp xếp lịch trình. 67% xem đây là cách tốt tìm kiếm các công việc ở khu vực địa lý xa hơn, và hơn 61% tin rằng đây cũng là cách tìm việc nhanh hơn. Các lợi ích đáng chú ý khác bao gồm có thể chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc phỏng vấn (45%) và có thể nhanh chóng truy cập các tài liệu cần thiết (40%).
• Hơn 67% nhà tuyển dụng nhận thấy việc tuyển dụng trực tuyến giúp dễ sắp xếp các buổi phỏng vấn hơn. 60% xem việc chuyển đổi sang quy trình trực tuyến là cách tiết kiệm thời gian, 43% cho rằng cách này cũng giúp tiết kiệm chi phí tuyển dụng. Việc áp dụng số hóa cũng giúp giảm bớt gánh nặng thủ tục giấy tờ và cho phép họ tiếp cận với nguồn ứng viên đa dạng hơn (tỷ lệ trả lời lần lượt là 43% và 36%).
• Khi được hỏi về chất lượng nhân sự khi áp dụng mô hình này, 24% doanh nghiệp ghi nhận chất lượng ứng viên tốt hơn, 60% nói rằng không có khác biệt so với phương pháp truyền thống, và 16% phản hồi có sự giảm nhẹ về chất lượng ứng viên.
• Các e ngại chính của nhà tuyển dụng khi chuyển sang môi trường trực tuyến là thiếu các tương tác trực tiếp (67%), khó đánh giá tính cách ứng viên (52%) và khó xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp (49%). 43% nhà tuyển dụng nhận thấy sự thiếu gắn kết trong các buổi đào tạo ban đầu và những gián đoạn trong giao tiếp.
• 92% các chuyên gia nhân sự sử dụng các phương pháp đánh giá bổ sung. Kiểm tra tham chiếu (Reference check) là lựa chọn phổ biến nhất (52%), xếp ngay sau đó là thực hiện công việc mẫu (work sample) và làm bài kiểm tra kiến thức chuyên môn.
• Tuyển dụng và đào tạo nhập môn trực tuyến sẽ là tiêu chuẩn trong thị trường lao động tương lai, theo chia sẻ từ 77% nhà tuyển dụng và 69% ứng viên.
• Hơn 70% ứng viên tin rằng các công ty nên dùng các công cụ tuyển dụng và đạo tạo nhập môn trực tuyến, chứng minh cho sự ủng hộ xu hướng số hóa. 54% thậm chí còn nói rằng những doanh nghiệp không theo kịp xu hướng này sẽ tụt lại phía sau trong cuộc cạnh tranh tìm kiếm nhân tài.
Đặc biệt cảm ơn các đối tác tin cậy của chúng tôi đã đóng góp vào việc phân tích kết quả khảo sát: Bà Cáp Thị Minh Trang, Giám đốc Nhân sự, Việt Nam & Campuchia và Secure Power Đông Á & Nhật Bản, Schneider Electric.