Ở tuổi lão niên, các chiến binh từng khét tiếng là tự tay chặt đầu đối thủ, đem về chất đống trong nhà chung Baan không còn vẻ đáng sợ nữa. Những hình xăm trên mặt, điều minh chứng cho mỗi chiến tích lẫy lừng hình như lại khiến cho khuôn già nua thêm phần ưu tư. Trong khi cả thế giới nhìn nhận Konyak như tộc người man rợ, tàn bạo thì về thực chất, họ chỉ đơn thuần là những cá nhân sống quy củ, nghiêm ngặt chấp hành các nguyên tắc đạo đức và nghĩa vụ của cộng đồng.
Konyak là một trong những bộ lạc thuộc bộ tộc Naga, một tộc người sinh sống trong vùng Đông Bắc Ấn Độ và Tây Bắc Myanmar. Họ nổi bật bởi truyền thống xỏ lỗ tai to và xăm hình trên khắp cơ thể. Tuy nhiên, riêng hình xăm trên mặt thì là đặc trưng của các thành viên đã từng chặt được thủ cấp của người khác, đem về trưng bày trong nhà chung Baan. Họ được gọi bằng cái tên rợn tóc gáy: kẻ săn đầu người (headhunter).
Hiện nay tộc Konyak có khoảng 230.000 người sống ở bang Nagaland của Ấn Độ, vùng đất giáp ranh với Myanmar. Sau thập niên 1960, khi tập tục săn đầu người tàn bạo bị lên án và buộc phải chấm dứt, các chiến binh chuyên săn thủ cấp cũng “rửa tay gác kiếm”, mưu sinh bằng những công việc bình thường như bao người. Bởi vì “nghề” săn đầu người không còn nên họ cũng là thế hệ chém giết cuối cùng. Bây giờ, ai nấy đều đã ngoài thất thập. Có lẽ là chỉ sau một, hai thập niên nữa, tất cả còn đều dắt díu nhau về đất hết, biến huyền thoại sống thành huyền thoại xa vời như bao truyền thuyết cổ xưa.
Quá khứ kinh hoàng
Trước thập niên 1960, hành động săn thủ cấp vẫn là một phần không thể thiếu trong văn hóa sinh tồn của người Konyak. Nó thậm chí còn là điều kiện thiết yếu để các nam thiếu niên bước lên nấc thang trưởng thành, được công nhận như một chiến binh mạnh mẽ. Với các tộc người xung quanh, họ là nỗi khiếp đảm. Để thực hiện nghi thức trở thành người lớn, các trai trẻ dẫn cả đoàn vào làng của tộc khác, thách thức đàn ông của tộc đối thủ ra đối đầu. Nếu chiến thắng, người thách đấu sẽ tự tay chặt rời thủ cấp của đối thủ, xách về làm chiến lợi phẩm. Càng săn được nhiều thủ cấp bao nhiêu thì càng chứng tỏ sự mạnh mẽ bấy nhiêu. Với mỗi một cái đầu xách về, đàn ông Konyak sẽ được xăm một hình trên mặt. Tùy vào số người giết được mà số lượng, thiết kế hoa văn hình xăm lại khác nhau, từ đơn giản đến vô cùng phức tạp.
Tuy nhiên, xin đừng vội đánh giá tộc Konyak là man rợ! Về thực chất, họ không lôi nhau cả đám đi giết người mà đi thách đấu. Trong một trận đấu cũng luôn là “một chọi một”, hoàn toàn công khai và công bằng. Một Konyak thách đấu cũng không nhắm bừa một đàn ông từ tộc khác, mà chỉ thách thức những ai khỏe mạnh, tài giỏi nhất. Về cơ bản, nó không khác gì các trận đấu tranh đai, tranh chức vô địch của các võ sĩ ngày nay. Chỉ có điều, danh dự được đổi bằng tính mạng. Nếu chiến bại, chiến binh Konyak cũng sẵn sàng từ mạng sống của mình. Với họ, đấu tay đôi sinh tử là hành động thể hiện lòng kiêu hãnh, sự dũng cảm của một chiến binh. Và một Konyak chỉ có thể trở về làng với niềm tự hào nếu xách theo những cái đầu lâu làm chiến lợi phẩm.
Song dù có là niềm tin, văn hóa sống thì cũng không thể biện minh cho hành động giết người. Thế nên từ năm 1935, chính phủ Ấn Độ đã ban lệnh cấm đối với tập tục săn đầu người của tộc Konyak. Phải mất hơn 30 năm, cách thức thể hiện bản lĩnh đàn ông tàn bạo này mới chấm dứt. Nghe nói trường hợp săn thủ cấp vào năm 1969 là vụ cuối cùng. Kể từ thập niên 1970 trở đi, không ai trong tộc Konyak còn tiếp tục tục lệ này. Nhưng những tập quán khác, ví dụ như luyện gang, đồng, chế tạo thuốc súng, dao rựa, điêu khắc gỗ, tổ chức lễ hội Aoleng… vẫn được gìn giữ.
Sự cáo chung của nhiều giá trị phi vật chất
Ngày nay, tất cả các chiến binh còn lại đều đã rất già, ai nấy đều đã 70-80 tuổi. Nếu không biết gì về quá khứ lẫy lừng của họ, bạn sẽ nghĩ đó chỉ là những lão niên hiền lành ưa thích nghệ thuật xăm mình mà thôi. Trong những ngôi làng miền cao của Nagaland, họ cần mẫn giúp con cháu chút việc nông, việc nhà. “Tôi chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi hay bị đe dọa khi đối diện với họ cả”, Peter Bos, một nhiếp ảnh gia người Hà Lan không quản ngại đường xa tới Nagaland, thâm nhập đời sống thường nhật của người Konyak cho biết. “Họ rất ấm áp”, anh nói thêm. “Chúng ta cứ nghĩ săn đầu người là một thứ gì đó man rợ, tàn bạo, nhưng với họ, đó đơn thuần là một cách sống”.
Điều đáng buồn là kết thúc của tục săn đầu người cũng khởi đầu cho sự mai một của truyền thống xăm mình. Về thực chất, kể từ nửa sau thế kỷ XIX, khi các nhà truyền giáo của đạo Kitô tới Nagaland, hồi chuông cáo chung đầu tiên của nghi thức xăm mình đã điểm. Sang năm 1935, khi chính phủ Ấn Độ ban lệnh cấm, cả nghi thức xăm mình lẫn tục săn đầu người đều ngấp nghé bờ vực diệt vong. Đến năm 1970, chúng đều bị xóa sổ.
“Mỗi họa tiết hình xăm là một đại diện cho cá tính, cuộc đời của một người”, Phejin Konyak, 38 tuổi, cháu gái của một thợ săn thủ cấp, cho hay. Suốt 4 năm qua, cô nỗ lực sao chép lại tất cả những mẫu hiện có, cố giữ gìn để những hình xăm từng là minh chứng cho sự vinh quang này không biến mất. Ngoài ra, Phejin còn tiến hành ghi âm các làn điệu dân tộc, thơ ca cổ truyền. “Các thợ săn thủ cấp đã già ấy là những người cuối cùng thực hành các truyền thống cổ xưa của bộ tộc. Thế nên khi họ nhắm mắt xuôi tay, những tài sản phi vật thể ấy cũng sẽ ra đi theo”, cô buồn rầu chia sẻ.
Nhưng sự xuất hiện của Bos đã ngăn chặn điều đó. Bằng nghệ thuật nhiếp ảnh bậc thầy, anh lưu giữ những khoảnh khắc cuối cùng ấn tượng của từ các thợ săn đầu người đến những thu thập hình xăm và ý nghĩa của chúng, cái được Phejin truyền đạt rõ ràng, kỹ lưỡng. Xong xuôi thì tập hợp tất cả lại thành quyển sách ảnh đặc sắc mang tên The Konyaks: Last of The Tattooed Headhunters (Người Konyak: Những thợ săn đầu người xăm mình cuối cùng).
Nỗi nuối tiếc sâu sắc
Nhìn lại thời ấu thơ, Phejin nhớ từ thuở mới lên 4, cô đã phải rời làng đến một trường dòng ở Dimapur, cách nhà gần 300 km để học tập. Cô biết, được giáo dục từ sớm như thế là một sự may mắn, song vẫn không nguôi nỗi tiếc nuối đối với tín ngưỡng, phong tục tập quán của tộc mình. “Tại Nagaland, việc chuyển đổi sang Cơ đốc giáo và hiện đại hóa đã diễn ra rất nhanh. Nhanh đến mức không ngờ kịp. Chúng tôi đã tiến hóa từ săn đầu người sang săn iPad chỉ trong có vài thập kỷ”.
Trong khi Phejin thương tiếc một thời vàng son thì ông cố của cô, Abon lại là nhân vật quan trọng nhất có công chấm dứt tục lệ săn đầu người. Ông hợp tác với người Anh, trở thành sứ giả hòa bình, đi cầu hòa giữa các bộ tộc. Chuyện một tục lệ đáng sợ như thế kết thúc là điều đáng mừng, Phejin nhận thức rõ điều đó, nhưng cô lo lắng sự biến mất của nó cũng kéo theo nhiều giá trị phi vật chất khác. “Giá như chúng ta có thể sàng lọc và giữ lại những gì tốt đẹp từ quá khứ, sau đó hòa trộn chúng với lối sống mới”, cô ước ao.
Quả thật, sau kết thúc của tục săn đầu người, truyền thống xăm mình cũng bị cuốn bay. Vốn dĩ, xăm mình theo đúng kiểu của tộc Konyak là phải sử dụng dây mây được chuốt nhọn, chấm vào nhựa cây và châm bằng tay. Nó không chỉ là một phương pháp đặc hữu mà còn là tài sản sáng tạo từ thuở hồng hoang của bộ tộc. Tương tự với các làn điệu dân gian, thơ ca truyền thống. Vậy mà “Ngay cả những bài hát cổ truyền cũng chẳng còn được xem trọng nữa”, Phejin đau lòng. “Tôi nghĩ chúng tôi cần phải có một sự cân bằng mới đúng. Dù chúng tôi không thể để mình bị cô lập, phải thích nghi với thay đổi để sinh tồn. Nhưng nếu đánh mất đi bản sắc, thì sự thích nghi ấy còn có ý nghĩa gì nữa đây?”
Với suy nghĩ ấy, Phejin nỗ lực hỗ trợ Bos hoàn thành tập ảnh. Cô biết không thể hồi sinh những gì đã chết, nhưng ghi chép lại một “thư viện sống” cũng không hẳn là vô khả năng. Không chỉ thế, Phejin còn tích cực dịch “The Konyaks: Last of The Tattooed Headhunters” sang ngôn ngữ của bộ lạc. “Cái gọi là bảo tồn phải đến từ trong nội bộ”, cô khẳng định. Cùng với Phejin, Bos cũng hết lòng tận tâm tận sức. Trước mắt anh, những thợ săn đầu người vẫn còn sống nhưng “Họ dường như đã không còn thuộc về thế giới này nữa rồi”. Đó thật sự là một chuyện đáng tiếc. Bằng tập ảnh như cuốn tài liệu sống, anh hy vọng có thể níu giữ một chút gì đó của một thời vang bóng đã mất đi.