Những ngọn đèn treo đầy trên trần nhà buông xuống từng chùm, từng chùm, lấp lánh bóng lộn, những ngọn đèn lớn, nhỏ, đủ hình, đủ kiểu trưng bày trên các kệ chung quanh căn phòng rộng, cả những ngọn đèn bài trí ở giữa phòng… Tất cả như hội tụ về đây trong một góc của Nhà Bảo tàng thành phố Cần Thơ những ngày này.
Với chuyên đề “Nguồn sáng- Qua sưu tập đèn của linh mục Nguyễn Hữu Triết” nhằm phục vụ cho những hoạt động thiết thực của Bảo tàng TP. Cần Thơ, cuộc trưng bày đã kéo dài từ ngày 20-12-2012 và dự định đến 20-4-2013 mới chấm dứt. Bởi, hiếm có dịp người dân Cần Thơ được tận mắt thấy lại những ngọn đèn của một thời xa xưa từ trong bộ sưu tập của linh mục Nguyễn Hữu Triết, người đã bỏ công suốt 18 năm trời để sưu tầm được 1.400 đèn, có niên đại từ thế kỷ V trước Công nguyên đến cuối thế kỷ XX của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Nepal, Ấn Độ, Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Hà Lan, Đan Mạch… trong điều kiện có thể của một người tâm huyết với di sản văn hóa và đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Bộ sưu tập đèn cổ nhiều nhất Việt Nam năm 2005”.
Linh mục Nguyễn Hữu Triết, sinh ngày 4-8-1945 tại Hải Dương, hiện là chánh giáo xứ Tân Sa Châu ở đường Lê Văn Sỹ, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, là hội viên hội cổ vật TP. Hồ Chí Minh. Ông đã sưu tầm rất nhiều cổ vật như sách cổ, gốm sứ, lục lạc, đồ trang sức, văn hóa trà rượu… Riêng bộ đèn cổ 1.400 chiếc của ông phải nói là “độc nhất vô nhị” ở nước ta.
Tiếc là do đường đi cách trở, việc chuyên chở có khó khăn nên Bảo tàng Cần Thơ chỉ giới thiệu được 400 di vật tiêu biểu trong bộ sưu tập đèn của linh mục. Thế nhưng bước vào phòng trưng bày, người xem vẫn có cảm giác choáng ngợp trước muôn hình vạn trạng của những ngọn đèn như bước ra từ quá khứ để kể với chúng ta rất nhiều điều.
Đầu gian phòng là mấy cây đèn dầu phộng của Indonesia từ thế kỷ X-XIII bằng đồng đen, hình cánh chim, hình chó sói hoặc hình một chiếc móc tròn ôm lấy bình đựng dầu được khắc chạm khá cầu kỳ, kế bên là mấy ngọn đèn dầu ôliu Pháp cuối thế kỷ XIX thanh mảnh bằng đồng vàng chóe như chiếc chân đèn trên bàn thờ ngày nay, lại có ngọn như hình cán cân rất lạ, nhìn hoài cũng chỉ thấy bình chứa dầu mà không biết đốt lửa chỗ nào.
Đến cuối thế kỷ XX đèn dầu Pháp có rất nhiều kiểu, như cây đèn dầu treo hình thủy tinh trong suốt, sang trọng, kế đó trong tủ kính là cây đèn hình búp sen tuyệt đẹp đặt trên mấy con rồng, dưới là một kiến trúc chạm khắc công phu vừa giống như một tòa nhà, vừa mang dáng dấp một lư hương đủ màu sắc, còn mới nguyên như chưa hề bị phủ bụi thời gian.
Ở góc riêng dành cho đèn Việt Nam, một loạt đèn dầu lạc từ Lái Thiêu đầu thế kỷ XX nằm khiêm tốn trong tủ kính, kế bên là mấy ngọn đèn dầu lửa quen thuộc cuối thế kỷ XX, kiểu dáng hơn một chút là cây đèn kéo quân treo trên cao với những mặt kính có những hình vẽ những võ sĩ đấu vật còn tươi màu…
Về những kiểu dáng đặc biệt độc đáo phải kể đến những ngọn đèn Nepal và đèn Trung Quốc. Những ngọn đèn dầu phộng, dầu hỏa Trung Quốc đầu thế kỷ XX thường làm bằng sứ trắng, men xanh như màu các bộ chén kiểu, độc bình xưa, chỉ có một cây đèn dầu lạc thật lớn cuối thế kỷ XIX được làm bằng đất nung màu nâu đỏ như màu gốm Bàu Trúc của ta, có cây giống chiếc bình hoa lớn, nâng đỡ ngọn đèn tròn trong suốt bên trên, lại có mấy chiếc đèn dầu lạc bằng đồng thau nhỏ bé, xinh xắn được treo trong góc.
Đèn dầu lạc Nepal đầu thế kỷ XX độc đáo hơn cả bởi sự chạm khắc thật kỳ công, hình ảnh chim phượng, chim công như một công trình nghệ thuật tuyệt mỹ nổi bật trên đồng, mỏ gấp lấy bình đựng dầu bên dưới khiến người xem phải xuýt xoa, thán phục.
Gian phòng trưng bày 400 ngọn đèn không rộng lắm mà hình như đi hoài vẫn không hết.Thầm nghĩ, từ những vật dụng để giữ lửa, đèn đã đi vào cuộc sống và trở thành nguồn sáng không thể thiếu được trong mỗi gia đình.
Bàn tay tài hoa và sự sáng tạo của con người đã dùng những vật liệu như đất nung, đồng, sắt, gỗ, thủy tinh… chế tác ra những chiếc đèn thiên hình vạn trạng để chiếu sáng, làm tín hiệu, dùng trong nghi lễ, thắp sáng trên bàn thờ gia tiên như giữ gìn ngọn lửa vĩnh hằng. Đèn vì vậy còn là biểu hiện của tri thức, của niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời.
Từ bộ sưu tập đèn của linh mục Nguyễn Hữu Triết, những ngọn đèn, nguồn sáng của một thời quá khứ phải chăng vẫn còn tỏa sáng đến hôm nay?