Tôi vừa đi thăm mẹ tôi ở một khu phức hợp dưỡng lão tại bang California (Mỹ). Chuyến đi thăm ấy khiến tôi nhận ra nhiều điều khác biệt trong cách người phương Tây và người Việt Nam đối xử với người cao tuổi.
Ở Việt Nam, người già tiếp tục là thành viên của gia đình. Họ chung sống với con cháu và được cả nhà quan tâm. Các cụ vẫn giữ vai trò quan trọng. Họ có thể giúp trông cháu, truyền đạt kinh nghiệm sống cho con hoặc làm các việc lặt vặt trong nhà.
Ở các nước phương Tây, quy mô gia đình thường nhỏ hơn và các gia đình sống tách biệt. Gia đình mới được thành lập khi người con kết hôn và chuyển ra khỏi nhà bố mẹ. Sự độc lập là truyền thống quan trọng của người phương Tây. Con cái không quen dựa vào bố mẹ, và ngược lại, những người cao tuổi cũng không nghĩ đến việc cậy nhờ con cái. Họ thường chuẩn bị sẵn cho mình khả năng tài chính để sống riêng. Đến khi đã quá già yếu không thể tự lo cho bản thân được nữa, họ vào các viện dưỡng lão để có được sự chăm sóc chuyên nghiệp.
Cấu trúc gia đình trong xã hội phương Tây không chặt chẽ như Việt Nam. Các thành viên trong gia đình cũng không ở gần nhau để tạo thành một cộng đồng lớn. Khi những đứa trẻ kết hôn, chúng nhanh chóng có nhà riêng và xem cuộc sống gia đình hạt nhân do mình tạo lập là trung tâm. Có những gia đình chỉ có mẹ hoặc bố với những đứa con. Ly dị đã thay đổi cấu trúc của các gia đình phương Tây hiện đại. Trong khi đó, gia đình Việt Nam thường đông thành viên hơn. Không chỉ có bố mẹ, con cái, gia đình ở Việt Nam còn có cả ông bà, cô, chú, dì sống cùng. Mọi người cùng nhau làm các công việc nhà, nấu nướng, dọn dẹp, trông nom cháu khi các con đi làm. Khi bố mẹ già ốm đau, con cái sẽ chăm sóc.
Ngược lại, gia đình phương Tây thường ít thành viên. Bố mẹ đi làm, lũ trẻ đi học nên cả ngày nhà cửa vắng vẻ. Vì vậy cũng không có ai chăm sóc những người già yếu nếu họ phải ở nhà một mình. Người phương Tây đã quen với việc những người thân lớn tuổi vào sống trong các viện dưỡng lão. Những nơi này có phòng ngủ và căn hộ riêng biệt nhưng bếp và khu vực ăn uống chung. Nhân viên ở đây sẽ nấu ăn, khám bệnh, cấp thuốc và trông nom những người lớn tuổi. Tất nhiên, muốn sống trong các viện dưỡng lão, những người cao tuổi phải chuẩn bị sẵn một khoản tiền kha khá.
Hoàn cảnh kinh tế và truyền thống văn hóa dẫn đến hai hướng lựa chọn khác nhau giữa người phương Tây và người Việt Nam khi về già. Khi hoàn cảnh thay đổi, sự lựa chọn diễn ra theo chiều hướng khác. Ví dụ, ở một số nước phương Tây hiện nay, nhiều người lớn tuổi gặp khó khăn kinh tế và không thể tự lo cho tuổi già. Họ lại sống với con cháu và chuyển từ gia đình đứa con này sang đứa con khác. Họ đành chịu mất đi sự độc lập của mình. Trong khi đó, ở Việt Nam, ngày càng có nhiều người già vào sống trong các viện dưỡng lão. Con cái của họ quá bận rộn hoặc vì muốn tự do nên không thích chung sống cùng bố mẹ già. Chính thế hệ những đứa con này cũng chuẩn bị trước tinh thần và điều kiện vật chất để đến khi già vào sống trong các viện dưỡng lão.
Renate Haeusler
Lê Tâm dịch