Thời gian qua, đặc biệt là sau những “lùm xùm” của Đại học Hoa Sen (TP. Hồ Chí Minh), đã có những bài viết về đề tài giáo dục đại học, từ việc lựa chọn một mô hình chuẩn cho đến việc tìm phương thức quản lý các cơ sở giáo dục sao cho hiệu quả. Nhân dịp các trường đại học chuẩn bị vào năm học mới, DNSGCT giới thiệu với bạn đọc bài viết của chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương, với những suy nghĩ và kinh nghiệm thực tiễn rút ra từ bài học của các đại học nước ngoài.
Mục tiêu trọng tâm của giáo dục là phục vụ con người
Trước tiên, chúng ta cần phải có một sự đồng thuận về mục tiêu giáo dục (nên là mô hình gì và tại sao), bởi đó chính là nền tảng của sự phát triển xã hội. Khi đã đạt được sự đồng thuận cũng như xác định được một hệ thống tư duy quản lý chuẩn, thì vấn đề tái cấu trúc hệ thống giáo dục sẽ dễ dàng hơn. Cũng giống như khi cái đầu có suy nghĩ đúng thì sẽ điều khiển được tay chân làm đúng và hiệu quả như ý.
Giá trị cốt lõi của một mục tiêu xã hội là phục vụ cho sự tồn tại và phát triển của con người cũng như môi trường xung quanh. Mục tiêu trọng tâm của giáo dục là phục vụ con người, giúp con người có khả năng tư duy phân tích độc lập, phân biệt được đúng sai để có thể đưa ra những quyết định vừa có lợi cho cá nhân, vừa có ích cho cộng đồng và môi trường xung quanh, với ý thức trách nhiệm đã được rèn luyện từ nền tảng cơ bản. Một cách ngắn gọn, giáo dục con người chính là sự hướng dẫn, rèn luyện nghệ thuật sống với người khác và với môi trường thiên nhiên. Cũng là để con người tâm niệm rằng muốn tồn tại và nắm bắt cơ hội phát triển bản thân thì họ phải có ý thức tôn trọng những gì quanh mình. Tôn trọng để tránh không làm những gì có hại cho người khác, cho môi trường thiên nhiên, cũng là tính “tự trọng – tự bảo vệ mình”, là nhân tính cơ bản mà một môi trường giáo dục chuẩn phải cung cấp được cho đối tượng mục tiêu mà mình phục vụ. Do đó, có thể xác định rằng mục tiêu của giáo dục xã hội là hướng con người thành nhân. Còn mục tiêu của đào tạo xã hội là hướng con người thành tài, với đầy đủ các kỹ năng nghề nghiệp.
Thành nhân là điều cơ bản đầu tiên để con người biết sống đúng với người khác, có được chữ tín cá nhân – điều kiện cần để các mối quan hệ xã hội được bền vững, từ tình cảm cá nhân đến các mối quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Cá nhân biết sống đúng với vai trò xã hội, với chữ tín đặt lên hàng đầu, thì mới có được nhân tính tốt.Một xã hội được xây dựng bởi nhiều cá nhân có nhân tính tốt thì mới có được vốn xã hội cao, cần thiết để phát triển. Những nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… hầu như không được yếu tố vốn tài nguyên thiên nhiên ưu đãi nhưng vẫn có những bước phát triển nhanh chóng là bởi con người ngay từ nhỏ đã được giáo dục, rèn luyện để biết sống tự trọng, cư xử đúng đắn với nhau, nên có được vốn xã hội cao, biết gắn kết để cùng phát triển.
Mục tiêu tiếp theo là thành tài, để có khả năng đóng góp cụ thể những giá trị cá nhân cho xã hội, những giá trị có thể cân đong đo đếm. Chính vì có thể định lượng được nên hướng đào tạo kỹ năng có thể được tổ chức theo kiểu một mô hình đầu tư kinh doanh. Đối tượng được phục vụ (học sinh, sinh viên) có thể đánh giá những điều họ nhận được có thiết thực, hữu ích hay không và tự quyết định được sự tồn tại của cơ sở đào tạo cung cấp dịch vụ, trên nguyên tắc lợi nhuận của thị trường là những gì nhận được phải cao hơn những gì đã bỏ ra.
Tuy nhiên, giá trị của việc giáo dục thành nhân thì khác, không thể dễ dàng cân đong đo đếm, nên không thể dựa trên nguyên tắc thị trường, bởi thị trường không thể giải quyết được những vấn đề của giáo dục, vì nhà đầu tư không thể đổ tiền vào những giá trị trừu tượng mà kết quả thì không định lượng được rõ ràng trong một thời gian ngắn. Hơn thế nữa, tính trung thực là một giá trị cao nhất trong mục tiêu giáo dục nhưng sản phẩm “trung thực” lại không có giá thị trường nên giá trị đầu tư cũng không thể xác định được, đồng nghĩa với việc sẽ không được đầu tư nghiêm túc. Chính vì không có khái niệm rõ ràng về sự khác biệt giữa đào tạo nghề và giáo dục, nên một số cơ sở đào tạo đã thành công trong việc đào tạo nghề nhưng lại thất bại khi được nâng cấp thành cơ sở đại học với nhiều mục tiêu giáo dục vượt ra ngoài tầm phạm vi đào tạo nghề. Những nhà đầu tư vào một cơ sở dạy nghề hoàn toàn có thể tính toán được lợi nhuận hợp lý và thường thành công. Nhà đầu tư cũng như ban điều hành xác định được mục tiêu kinh doanh rõ ràng, là đào tạo cung cấp những nghề xã hội đang cần với mức học phí hợp lý, học viên tốt nghiệp tìm được việc làm và nhà đầu tư có lãi. Từ việc đầu tư dạy nghề với những lợi nhuận trước mắt đem lại, một số cơ sở đào tạo nghề muốn nâng cấp lên thành đại học, trở thành một cơ sở giáo dục với mức lợi nhuận và quy mô hoạt động cao hơn, có mục tiêu đào tạo con người chứ không chỉ dừng ở mức độ đào tạo nghề. Mâu thuẫn giáo dục xuất hiện, giữa những nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào lợi nhuận và ban điều hành muốn tập trung vào công tác giáo dục nhiều hơn và tất nhiên giá trị lợi nhuận đem lại sẽ ít hơn. Đây chính là sự xung đột giữa quyền lợi và mục tiêu, khi mà mục tiêu không được xác định rõ ràng trong việc hợp tác tổ chức giáo dục.
Mâu thuẫn thường gặp tiếp theo là mâu thuẫn nội bộ giữa những nhà tổ chức, quản trị cơ sở giáo dục với đối tượng mà họ phục vụ, khi chất lượng đào tạo bị chi phối, ảnh hưởng và thậm chí lệ thuộc vào mức lợi nhuận mà đối tượng phục vụ đem lại. Trong khi lý tưởng giáo dục đúng đắn thì không ai có quyền lợi riêng từ cá nhân, phải bảo đảm được tính khách quan độc lập trong việc điều hành triển khai những mục tiêu giáo dục đề ra.
Cơ cấu tổ chức hệ thống giáo dục “vị nhân”
Ở những nước mà giáo dục đại học được công nhận có giá trị cao trên thế giới, như Mỹ (thường có từ 5-7 trường đại học trong top 10 thế giới), Anh (2-3 trường đại học trong top 10) thì dù là đại học công hay tư đều phải có tính tự trị cao (tự quản trị, điều hành, đến tài chính, giáo trình) và tất cả các thành viên “hội đồng quản trị” là những cá nhân có uy tín trong xã hội, có quan tâm sâu sắc đến giáo dục. Họ không phải là những nhà đầu tư vào trường đại học dù đúng là những mạnh thường quân của trường. Họ tham gia vào để đảm bảo tính tự trị của đại học, đảm bảo chất lượng giáo dục theo “hiến chương” là đào tạo nhân cách và trách nhiệm xã hội của con người, bên cạnh việc đào tạo kỹ năng nghề cần thiết để kiếm sống. Họ thường được gọi là những “trustees”, là những người được xã hội tin cẩn, giao cho trách nhiệm đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng mà đại học phục vụ, chứ không riêng quyền lợi của một cá nhân, tập thể, chính kiến, đảng phái hay một chế độ nào cả. Đồng thời, họ còn có trách nhiệm đóng góp cho quỹ hoạt động của nhà trường. Hội đồng quản trị đại học được gọi là Board of Trustees hay Board of Regents (hội đồng nhiếp chính). Những người này thường gồm đại diện của hội sinh viên, ban quản lý nhà trường, nhân sĩ, doanh nhân địa phương, chuyên gia giáo dục, đại diện chính quyền bang (do thống đốc bổ nhiệm với nhiệm kỳ xen kẽ để không một thống đốc nào có ảnh hưởng lớn trong nhiệm kỳ của mình).
Từ đó có thể thấy, để có được tính tự trị cao, một trường đại học phải có một số “vốn” lớn (tài chính) để tự sinh lời nộp vào ngân sách hoạt động, không bị lệ thuộc vào bất cứ một thế lực tài chính hay chính trị nào có thể làm ảnh hưởng hay làm mất vai trò độc lập của đại học. Đại học chỉ thực sự có tự trị khi có độc lập tài chính và độc lập với các thế lực chính trị.
Bài toán cân đối thu chi của một trường đại học phải được tính toán để nguồn thu chi đến từ lợi nhuận của vốn góp ban đầu, từ học phí và đóng góp của các cựu sinh viên và các nhà từ thiện xã hội. Các đại học công và tưở Mỹ đều có một quỹ đầu tư với sự tích vốn góp từ nhiều năm và được quản lý chuyên nghiệp. Những nhà đầu tư, nhà tài trợ đóng góp rất nhiều tiền của cho một đại học sẽ được ghi nhận qua các bằng cấp danh dự hay được ghi nhớ đặt tên của mình trên các tòa nhà trong khuôn viên đại học, chứ không có quyền hành gì trong hoạt động hằng ngày hay chính sách đào tạo của trường.
Hiện nay một số dự án đại học trong nước đã có chủ trương “phi lợi nhuận” theo mô hình tổ chức của các đại học tiên tiến nhưng vẫn chưa được hình thành. Ví dụ như Đại học Phan Chu Trinh ở Hội An đã và đang nỗ lực thực hiện chính sách tự trị toàn diện để được làm công tác giáo dục với lý tưởng thực sự. Nhưng thử thách lớn nhất vẫn là vấn đề “đầu tiên là tiền đâu”.
Ước tính tổng chi phí đào tạo cho một sinh viên tại trường đại học ở nước ta là 40 triệu đồng/năm, trong đó học phí trung bình thu được từ mỗi sinh viên là 10 triệu đồng. Các nguồn thu khác từ cộng đồng, các mạnh thường quân là 10 triệu đồng/sinh viên, như vậy trường đại học vẫn cần thêm 20 triệu đồng/sinh viên/năm. Với số lượng 2.000 sinh viên, con số thiếu hụt tương đương 40 tỉ đồng/năm và để cân đối thu chi, trường cần có một quỹ hoạt động khoảng 400 tỉ đồng (để có thể sinh lời được 40 tỉ đồng/năm). Các con số này cũng chỉ có giá trị tương đối, bài toán ở đây cho thấy là một đại học tự trị cần phải có nguồn vốn lớn hoặc có khả năng huy động vốn đóng góp thường xuyên và tích cực từ cộng đồng để có thể độc lập cân đối thu chi.
Tóm lại, bất cứ hiện trạng nào cũng cần thời gian để thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của quá khứ.Cải cách giáo dục và ý thức tự trị đại học đã có từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt với một số ý tưởng đột phá.Mới đây, năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có một số quyết định cụ thể để thực hiện yêu cầu cải tổ giáo dục.Tuy nhiên cho đến nay, cơ chế đại học vẫn còn bị ràng buộc rất nhiều với các thủ tục quản lý hành chính từ cấp sở đến cấp bộ, những bất cập cơ bản vẫn chưa được làm thông. Nếu “cả hai đời bộ trưởng (giáo dục) vẫn không quyết định được mức lương của một viện trưởng viện toán học” thì rõ ràng xã hội cần có một quyết tâm cao hơn nữa để thống nhất mục tiêu của giáo dục, từ đó tạo được nguồn lực xây dựng một hệ thống giáo dục thực sự phục vụ con người, vị nhân, vì lợi ích phát triển của toàn xã hội.
Trần Sĩ Chương