Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, hiện nước ta có trên 1.200 bệnh viện và cơ sở y tế công lập, hằng ngày thải ra môi trường khoảng 350 tấn chất thải rắn y tế, trong đó có 40,5 tấn chất thải nguy hại.
Theo dự báo, đến năm 2015, mỗi ngày sẽ có trên 70 tấn chất thải nguy hại, đến năm 2020 sẽ lên đến trên 93 tấn/ngày. Lượng chất thải lỏng cũng không nhỏ: khoảng 150.000m3/ngày đêm, đến năm 2015 sẽ tăng lên tới 300.000m3. Các chuyên gia môi trường đã cảnh báo, các thành phần nguy hại trong chất thải y tế nếu không có biện pháp xử lý đúng sẽ phát tán ra môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống và sức khỏe của cộng đồng.
Công nghệ xử lý: Vừa thiếu vừa yếu
Vấn đề xử lý rác thải, nước thải y tế từng được các đại biểu chất vấn nhiều lần trong các kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP.HCM. Vẫn còn đó những bức xúc khi nhiều yêu cầu không được các ban ngành có liên quan giải quyết thỏa đáng. Đây vẫn là một vấn đề “nóng” được nhiều người quan tâm không phải do năng lực của đơn vị quản lý, mà vì hệ lụy không nhỏ của nó đến nhiều vấn đề xã hội.
Hiện mới chỉ có 53,4% bệnh viện có công trình xử lý nước thải, trong khi 46,6% không có hệ thống xử lý nước thải. Đối với chất thải rắn, 90% bệnh viện thu gom hằng ngày và xử lý bằng lò đốt, than bùn hoặc công nghệ đốt khác, còn lại hầu như chưa có hệ thống xử lý rác thải mà chỉ xử lý bằng lò thủ công, chôn lấp trong bệnh viện hoặc tại bãi chôn lấp chung của quận, huyện.
Sử dụng lò đốt thủ công để xử lý chất thải tất nhiên phải xả khói và đó cũng là nguồn gây ô nhiễm môi trường. Các trạm y tế xã hầu như chưa có hệ thống xử lý rác thải.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa có sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo ngành y tế, từ cấp trung ương đến các cơ sở khám chữa bệnh tại địa phương. Hệ thống văn bản pháp luật quy định xử lý hành vi vi phạm thiếu chặt chẽ và thiếu tính khả thi.
Một số quy định còn chung chung, thiếu thực tế, dẫn đến những vi phạm trong việc tổ chức, phân công trách nhiệm và quản lý chất thải y tế nguy hại, việc xử lý vi phạm cũng chưa nghiêm túc. Không ít cơ sở khám chữa bệnh cố tình lờ đi việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, việc đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải, lò đốt, thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại chưa đồng bộ. Đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế cho nhân dân và cán bộ y tế cũng là giải pháp tích cực, nhưng lại không được thực hiện thường xuyên.
Dẫu sao cũng còn có một tin đáng mừng: từ tháng 3-2012, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đưa vào vận hành trạm xử lý nước thải y tế tập trung ngay trong khuôn viên bệnh viện, có công suất 4.000m³/ngày đêm do Nhật Bản chuyển giao công nghệ. Hệ thống xử lý nước thải mới này được đánh giá là hiện đại bậc nhất trong số các bệnh viện ở Việt Nam, đạt các tiêu chuẩn cao về hóa lý, vi sinh, đồng thời chi phí vận hành thấp, tự động hóa cao. Đây là mô hình thí điểm công nghệ mới đầu tiên trong cả nước, là cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét để triển khai ứng dụng rộng rãi trong hệ thống các cơ sở y tế cả nước.
Mối nguy cho sức khỏe cộng đồng
Các chất thải từ các cơ sở y tế thải ra gồm có nhiều loại như chất thải sinh hoạt, chất thải y tế, chất thải hóa học, chất thải phóng xạ và các vật chứa có áp suất… Chúng cần được phân loại theo năm nhóm cụ thể để có biện pháp xử lý phù hợp, tùy theo điều kiện của mỗi cơ sở y tế nhưng phải đáp ứng tiêu chí chất lượng nhất định.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, nguồn phát sinh thường xuyên là những cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở đào tạo cán bộ y tế và các trung tâm nghiên cứu y dược (khối lượng 11,54 tấn/ngày). Nguồn phát sinh không thường xuyên là quá trình hoạt động sản xuất và kinh doanh dược phẩm, sản xuất và kinh doanh nguyên vật liệu dược phẩm (khối lượng từ 500 – 1.000 tấn/năm).
Nước thải từ bệnh viện chưa qua xử lý xả ra môi trường gây bức xúc cho người dân trong khu vực lân cận vì gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, gieo bệnh cho cộng đồng. Có nơi nước thải y tế ứ đọng, thẩm thấu, ảnh hưởng đến cả mạch nước ngầm. Qua kiểm tra thực tế, các cơ quan chức năng phát hiện nước thải của một số bệnh viện có mức độ ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép nhiều lần, cụ thể là 82,54% lượng nước thải có tụ cầu vàng, 15% chứa trực khuẩn mủ xanh, 52% chứa E.Coli…
Khi hòa vào nước thải sinh hoạt, các loại vi khuẩn độc hại trong nước thải y tế sẽ phát tán, có khả năng xâm nhập các loài thủy sản, vật nuôi, nhất là rau trồng tại các ao, hồ. Hậu quả cuối cùng là người tiêu dùng sẽ bị lây nhiễm. Vi sinh vật gây bệnh trong chất thải lây nhiễm có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua nhiều đường, chẳng hạn qua vết thương, vết cắt trên da, qua niêm mạc, đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa.
Việc tiếp xúc gần với nguồn ô nhiễm còn làm nảy sinh nguy cơ ung thư và các bệnh hiểm nghèo khác. Phơi nhiễm với chất thải y tế nguy hại có thể gây ra bệnh tật hoặc tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh.
Tuy thành phần chất thải rắn y tế chủ yếu là các chất hữu cơ ít độc hại (52,9%), còn thành phần chứa yếu tố nguy hại, lây nhiễm tuy ít hơn (22,6%) như chai nhựa PVC, PE, PP, bông băng, chai lọ thủy tinh, bơm kim tiêm, các bệnh phẩm sau mổ… nhưng nếu không xử lý đúng cách thì rất đáng lo ngại.
Hướng xử lý rác thải y tế hiệu quả
Từ thực trạng trên, rõ ràng việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu nên đã trở thành vấn đề hết sức cấp bách, cần phải được xem xét và triển khai thực hiện một cách khoa học. Đó là lý do Bộ Y tế đã có quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn lựa chọn công nghệ trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ quản lý chất thải y tế” bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB).
Với tổng vốn đầu tư 155 triệu USD, dự án được triển khai từ 1-9-2011 đến 31-8-2017 với mục tiêu chính là cải thiện chính sách quản lý chất thải y tế toàn quốc, trang bị hệ thống xử lý chất thải rắn và chất thải lỏng cho khoảng 250 bệnh viện trong cả nước nhằm xử lý chất thải y tế một cách toàn diện cũng như kiểm soát lây nhiễm và an toàn nghề nghiệp cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã yêu cầu các sở, ban ngành tìm hiểu và ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải y tế theo các tiêu chí công nghệ đã được ứng dụng trên thế giới hoặc tại Việt Nam, báo cáo kết quả thử nghiệm công nghệ phải đạt các tiêu chuẩn và quy chuẩn về chất thải, phù hợp với điều kiện thực tế trong nước…
Đối với chất thải khí y tế, các phòng xét nghiệm, kho hóa chất, dược phẩm phải có hệ thống thông khí và các tủ đốt hơi khí độc đảm bảo tiêu chuẩn quy định; các thiết bị sử dụng khí hóa chất độc hại phải có hệ thống xử lý khí đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; khí thải lò đốt chất thải rắn y tế phải được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. Đã có 33 hồ sơ đáp ứng được các tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn y tế nguy hại, đang được xem xét để đưa ra quyết định cuối cùng phù hợp nhất.
Theo dõi từ thực tế, các chuyên gia WB cho rằng mô hình xử lý nước thải y tế tại Việt Nam cần đặt tiêu chí về hiệu quả lên hàng đầu, phải đảm bảo các điều kiện nhất định về chi phí đầu tư xây dựng, diện tích đất xây dựng, chi phí vận hành bảo dưỡng, các tác động đối với môi trường cảnh quan, chuyển giao công nghệ, khả năng bảo dưỡng và phục hồi hệ thống xử lý nước thải sau sự cố…
Tại hội thảo triển khai đề án tổng thể xử lý chất thải y tế (giai đoạn 2011-2015) và định hướng đến năm 2020), được tổ chức tại TP.HCM vào tháng 8 vừa qua, Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 70% lượng chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế được xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và năm 2025 sẽ xử lý được 100% lượng rác thải nguy hại đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường. Hy vọng những biện pháp xử lý chất thải y tế sẽ được xem xét, triển khai thực hiện và đưa vào ứng dụng đúng tiến độ để giúp người dân an tâm hơn về môi trường sống.
– Ảnh Minh Thuận