Nhiều người có thể nhận biết được bệnh rối loạn tiền đình qua các triệu chứng chóng mặt, xây xẩm, buồn nôn…, nhưng vẫn chưa hiểu rõ, hiểu đúng về nguyên nhân và cách phòng tránh. Vì vậy, Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần đã có buổi trò chuyện với GS-TS Lê Văn Thành – nguyên Trưởng bộ môn Thần kinh, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP. Hồ Chí Minh để chúng ta nắm được những kiến thức cơ bản nhất về căn bệnh này cũng như cách đề phòng bệnh. Bác sĩ cho biết:
Tai chúng ta cấu tạo từ ba phần là ống tai ngoài, tai giữa và tai trong. Ống tai ngoài tính từ vành tai tới màng nhĩ, có thể nhìn thấy được. Tai giữa là hệ thống xương tiếp xúc với mặt trong của màng nhĩ, có chức năng dẫn truyền âm thanh thu được. Tai giữa thông với họng để bảo vệ màng nhĩ khi áp suất thay đổi đột ngột, ví dụ khi ngồi trên máy bay lúc cất cánh và hạ cánh. Tai trong còn được gọi là mê cung, có lớp xương ngoài cùng, gọi là mê cung xương, bên trong là lớp màng, gọi là mê cung màng. Lớp màng có ba phần, gồm ba vòng bán khuyên nằm ngang và hai vòng thẳng đứng giúp nhận biết về không gian ba chiều, phần giữa giống như một phòng, gọi là tiền đình, phần ốc tai có hình dáng giống như con ốc thực hiện chức năng tiếp nhận âm thanh.
Đầu của vòng bán khuyên hình cầu gọi là bóng, cuối ống nối với xoang nang. Thành của bán khuyên là một lớp tế bào lông cực mảnh ngâm trong nội dịch, trên đó có các viên sỏi cực nhỏ ở trạng thái tự do. Dây thần kinh tiền đình và thần kinh ốc tai nằm cận kề bên nhau, đi trong xương đá (xương nối nền sọ với tai) thành dây thần kinh số VIII.
Khi ta đứng yên, bán khuyên nằm ngang không bị kích thích, nhưng nếu quay đầu một vòng thì các viên sỏi sẽ lướt trên các tế bào lông, gây nên kích thích, tế bào sẽ chuyển các tín hiệu về sự dịch chuyển này qua dây thần kinh tiền đình, thông tin đi tiếp tới hạt nhân tiền đình (nằm tại bên dưới và phía ngoài cầu não), và tiếp tục tới dây thần kinh mắt, tiểu não, vỏ não…, gây nên hiện tượng chóng mặt, mà thực ra chỉ là ảo giác. Nếu chúng ta quay đầu nhiều vòng rồi ngưng lại thì hiện tượng chóng mặt càng dữ dội hơn, có thể bị ngã và ảnh hưởng tới cả hệ thống thần kinh giao cảm, gây nôn ói, thay đổi huyết áp… Những người khỏe mạnh, nhất là người đã quen với các bài tập quanh vòng, nhào lộn như phi công, vận động viên thể dục, có thể lấy lại thăng bằng rất nhanh.
Rối loạn tiền đình có phải là triệu chứng chóng mặt mà bác sĩ vừa đề cập?
Rối loạn tiền đình là một hội chứng, bao gồm nhiều triệu chứng như chóng mặt, rung giật nhãn cầu, ù tai, giảm thính lực…, trong đó triệu chứng chóng mặt nổi trội nhất. Đây là một ảo giác giống như cảnh vật bị đảo lộn, dẫn đến cảm giác mất thăng thằng trong không gian, bệnh nhân phải bám lấy một vật nào đó để không bị ngã. Chóng mặt có hai dạng khác nhau. Chóng mặt sinh lý xảy ra khi não có sự mất cân đối trong ba hệ (tiền đình, thị giác và cảm giác sâu) hoặc hệ tiền đình gặp những vận động đầu mà nó chưa thích nghi được, ví dụ như say sóng do đi tàu xe. Say xe là chóng mặt sinh lý, không liên quan đến rối loạn tiền đình. Chóng mặt bệnh lý thường là do rối loạn chức năng hệ tiền đình.
Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiền đình, ở đây xin xoay quanh ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, nguyên nhân ngoại biên, là do bị thương tổn tại vòng bán khuyên, tiền đình và nhánh dây tiền đình, bao gồm:
– Chóng mặt lành tính xuất hiện trong những tình huống đột ngột quay đầu, từ ngồi chuyển sang nằm hoặc ngược lại. Hiện tượng này không kéo dài và tự hết.
– Nếu bị viêm thần kinh tiền đình xảy ra trong đợt cảm cúm, nhiễm siêu vi thì chỉ bị chóng mặt, không kèm các triệu chứng về thính lực. Trường hợp bị giảm thính lực, nên nghĩ đến bệnh nhiễm trùng tai giữa cấp và mãn hoặc có mủ sau màng nhĩ.
– Chóng mặt Ménière xảy ra đột ngột, có cơn chóng mặt dữ dội, bệnh nhân không thể đi đứng do mất thăng bằng, có thể bị ói mửa, ù tai, nghe rõ tiếng gió thổi, giảm thính lực. Cơn chóng mặt thường kéo dài nhiều giờ rồi tự hết nhưng có thể tái phát.
– Sau chấn thương sọ não, vỡ xương đá thì cũng xuất hiện cơn chóng mặt ở giai đoạn đầu, về sau cơn chóng mặt giảm đi nhưng thính lực bị mất gần như vĩnh viễn.
– U dây thần kinh số VIII khiến triệu chứng rối loạn tiền đình ngày một nặng lên, khi u lớn chèn ép vào góc cầu tiểu não sẽ có thêm triệu chứng về tiểu não.
– Một số thuốc như kháng sinh như Streptomycine, Kanamicin, Gentamicine… khi gây tác động phụ cũng làm rối loạn tiền đình.
Nguyên nhân thứ hai là thương tổn trung ương, cụ thể là tổn thương nhân tiền đình và các đường liên hệ. Ở đây triệu chứng chóng mặt không rõ ràng, bệnh nhân thường mô tả là lảo đảo, chênh vênh về nhiều hướng, không có triệu chứng giảm thính lực, nhưng có thể kèm theo triệu chứng tiểu não như khó phối hợp những động tác thuộc một nửa cơ thể.
Thứ ba là nguyên nhân mạch máu. Nếu triệu chứng nhẹ lặp đi lặp lại thì thường do thiểu năng động mạch, còn nếu thiếu máu não cục bộ do bị nhồi máu thì triệu chứng cấp và nặng nề hơn, kèm theo thương tổn ở một số dây thần kinh sọ khác.
Ít gặp hơn là u dây thần số VIII chèn vào hạt nhân tiền đình và tiểu não. Hiện tượng chóng mặt còn do bệnh từ hệ thần kinh trung ương. Chẳng hạn một bệnh nhân đang làm việc ngoài trời trong một thời gian dài, khi chuyển vào làm việc trong môi trường lạnh đột ngột có thể gây ra phản ứng co mạch, dẫn đến tình trạng thiếu máu cục bộ ở một số bộ phận nhạy cảm như mạch máu não, gây đau đầu, chóng mặt hay mặt mũi tím tái… Tùy vị trí thương tổn, cấp hay mãn mà cường độ chóng mặt khác nhau, xuất hiện đột ngột hay từ từ, chóng mặt đơn độc hay kèm theo một vài triệu chứng. Riêng thoái hóa cột sống cổ cũng dễ gây chóng mặt vì các đốt cổ bị thoái hóa có ảnh hưởng tới sự lưu thông máu ở các động mạch này.
Xin bác sĩ cho biết các phương pháp điều trị rối loạn tiền đình hiện nay và cách phòng ngừa căn bệnh này?
Chúng ta đã biết rối loạn tiền đình là một hội chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau. Với rối loạn tiền đình có chóng mặt tư thế thì tự nó sẽ hết nên chỉ cần điều trị nội khoa. Nếu bị rối loạn tiền đình do viêm nhiễm tai trong vì bệnh siêu vi thì cần điều trị chống viêm nhiễm bằng steroid, sinh tố, chống chóng mặt, khả năng khỏi hẳn khá nhiều. Riêng rối loạn tiền đình trong tai biến mạch máu não, nếu điều trị sớm trước ba giờ bằng thuốc tiêu sợi (thuốc kháng đông, làm tan khối máu đông) thì khả năng khỏi hẳn khá khả quan. Trường hợp phải phẫu thuật u dây thần kinh số VIII thì sẽ không còn đường dẫn truyền tiền đình và thính lực nên bệnh nhân dễ bị điếc.
Cách phòng ngừa là tránh lạm dụng bia rượu, thuốc lá, không để huyết áp dao động, không nên ngồi làm việc cúi đầu kéo dài. Nên vận dụng các bài tập về cổ và đầu để chủ động phòng và điều trị rối loạn tiền đình.
Nhiều bệnh nhân bị rối loạn tiền đình thường phân vân, không biết nên khám và điều trị ở chuyên khoa thần kinh hay tai – mũi – họng. Vậy bác sĩ có lời khuyên gì?
Khi bị rối loạn tiền đình thì nên đến khám ở bệnh viện chuyên khoa thần kinh, nhưng bệnh viện chuyên khoa tai – mũi – họng lại có ưu thế về các nghiệm pháp bằng dụng cụ khi thăm khám. Do đó, bác sĩ khám chẩn đoán bệnh sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân rối loạn tiền đình mà quyết định bệnh nhân cần điều trị ở chuyên khoa nào.
Xin cảm ơn những hướng dẫn của bác sĩ!
Xuân Lộc