Ngày nay, bao bì nhựa bị đánh giá là loại sản phẩm gây nguy hiểm cho môi trường. Nhưng phiên bản thương mại đầu tiên của vật liệu phổ biến hiện nay – từng được gọi là “giấy bóng kính” – được hình thành trong một thời đại mà con người chưa hề có sự lo lắng về nhựa trong bãi rác, biển cả, hoặc chuỗi thực phẩm. Đó là câu chuyện dài.
Ý tưởng bất ngờ dẫn đến sản phẩm thương mại hóa
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1904 tại một nhà hàng cao cấp ở Vosges (Pháp), khi một người bảo trợ lớn tuổi làm đổ rượu vang đỏ lên chiếc khăn trải bàn bằng vải lanh sạch. Ngồi ở một bàn gần đó là nhà hóa học người Thụy Sĩ tên Jacques Brandenberger, người làm việc cho một công ty dệt may của Pháp. Khi nhìn người phục vụ thay khăn trải bàn, Brandenberger băn khoăn về việc thiết kế một loại vải chỉ đơn giản là lau sạch.
Brandenberger thử phun cellulose lên khăn trải bàn, nhưng nó bị bong ra thành tấm trong suốt. Nhưng những tấm trong suốt có thể có một thị trường? Vào Thế chiến thứ nhất, Brandenberger đã tìm thấy một thứ: miếng dán mắt cho mặt nạ phòng độc. Brandenberger gọi phát minh của mình là “cellophane” (giấy bóng kính) và năm 1923, ông bán bản quyền cho tập đoàn DuPont ở Mỹ.
Công dụng ban đầu của nó bao gồm bọc chocolat, nước hoa và hoa. Nhưng DuPont có một vấn đề. Một số khách hàng không hài lòng. Họ phản ánh rằng kẹo bị dính vào lớp giấy bóng kính hay con dao rỉ sét trong đó… DuPont thuê nhà hóa học 27 tuổi tên là William Hale Charch và giao nhiệm vụ cho anh ta tìm ra giải pháp. Trong vòng một năm, nhà hóa học trẻ tuổi đã hoàn thành nhiệm vụ – giấy bóng kính được phủ một lớp nitrocellulose, sáp, chất làm dẻo và chất pha trộn cực kỳ mỏng.
Thành công bước đầu. Vào thập niên 1930, các siêu thị bắt đầu thay đổi – khách hàng không còn xếp hàng để nói với trợ lý cửa hàng về những thực phẩm họ cần. Thay vào đó, họ chỉ có việc chọn sản phẩm trên kệ hàng! Bao bì trong suốt trở nên đáng giá. Nhà nghiên cứu Ai Hisano của Đại học Harvard bình luận rằng thứ giấy bóng kính “có tác động đáng kể không chỉ đối với cách người tiêu dùng mua thực phẩm mà còn cả cách họ hiểu chất lượng thực phẩm”.
Giấy bóng kính cho phép họ chọn thực phẩm trên cơ sở vẻ ngoài của nó, mà không mất đi sự vệ sinh hoặc độ tươi. Một nghiên cứu – được DuPont tài trợ – phát hiện ra rằng việc gói bánh quy trong giấy bóng kính đã thúc đẩy doanh số tăng hơn một nửa. Trong thực tế, quầy thịt là khó nhất để tự phục vụ. Vấn đề là thịt, một khi được cắt, sẽ nhanh chóng biến màu.
Nhưng các thử nghiệm cho thấy một quầy thịt tự phục vụ có thể bán thêm 30% thực phẩm. Với thành công đáng khích lệ như vậy, các giải pháp mới được tìm thấy: ánh sáng nhuộm màu hồng, phụ gia chống oxy hóa và – tất nhiên – một phiên bản cải tiến của giấy bóng kính, chỉ cho phép một lượng oxy nhất định thấm qua. Đến năm 1949, DuPont quảng cáo khoe khoang về “cách làm mới thú vị” để mua thịt – “cắt sẵn, cân, định giá và bọc giấy bóng kính ngay trong cửa hàng”.
Nhưng giấy bóng kính sẽ sớm bị lỗi thời, bị vượt qua bởi chất tương tự như polyvinylidene cloride (PVdC) của công ty hóa chất Mỹ Dow Chemical (hay còn gọi là Dow). Giống như người tiền nhiệm của nó, đây là một khám phá tình cờ được sử dụng lần đầu tiên trong chiến tranh – trong trường hợp này là máy bay chiến đấu có thể chịu được thời tiết xấu sử dụng trong Thế chiến thứ hai. Và giống như giấy bóng kính, PVdC cần rất nhiều nghiên cứu và phát triển trước khi nó có thể được sử dụng trên thực phẩm – ban đầu nó có màu xanh đậm và có mùi kinh tởm.
Sau đó, Dow tung ra thị trường với tên gọi Saran Wrap – giờ đây được biết đến rộng rãi hơn với tên gọi là “cling film” (hay màng nhựa bọc thưc phẩm). Sau những lo ngại về sức khỏe với polyvinylidene cloride, màng bọc thường được sản xuất bằng polyetylene (PE) mật độ thấp, mặc dù độ bám dính kém. Nó cũng được dùng làm loại túi siêu thị sử dụng một lần hiện đang bị cấm trên toàn thế giới. Polyetylene (PE) mật độ cao là loại bạn có thể đổ sữa vào. Đồ uống có gaz có trong polyetylen terephthalate (PET). Bao bì nhựa ngày càng được làm từ nhiều lớp này và các chất khác, chẳng hạn như polypropylene (PP) hoặc ethylene-vinyl acetate (EVA).
Các vật liệu khác nhau có các tính chất khác nhau; vì vậy, nhiều lớp có thể mang lại cho bạn hiệu suất tương tự từ một mảnh bao bì mỏng hơn – và do đó nhẹ hơn. Nhưng những vật liệu đóng gói hợp chất này khó tái chế hơn.
Bao bì nhựa giúp bảo quản thực phẩm tốt hơn
Một số người cảnh báo rằng việc bỏ nhựa sau gần 70 năm sử dụng để đóng gói thực phẩm có thể gây ra những hậu quả đắt giá và không lường trước. Chẳng hạn, túi bao bì nhựa gói quả dưa leo thoạt nhìn có vẻ là một miếng rác thải nhựa, nhưng thực ra lại là công cụ tinh tế để tăng vòng đời thực phẩm của bạn. Các nghiên cứu kéo dài nhiều năm đã giúp nhựa nâng thời gian sử dụng thực phẩm từ nhiều ngày lên đến nhiều tuần.
Anthony Ryan, giáo sư hóa học và giám đốc Trung tâm Grantham về Tương lai Bền vững Đại học Sheffield, cho biết: “Tôi nghĩ mọi người đã đánh giá thấp lợi ích của nhựa trong việc chống lãng phí thực phẩm. Ví dụ như miếng màng bọc thực phẩm co giãn sử dụng cho dưa leo có thể giúp tăng vòng đời rau củ lên gấp đôi, khiến người ta có thể giữ chúng trong tủ lạnh đến 15 ngày và giảm lãng phí thực phẩm đến một nửa. Một quả dưa leo không được bọc kín có thể chỉ còn ăn được sau hai ngày trong nhiệt độ phòng và 9 ngày nếu để trong tủ lạnh. Thịt bò được gói trong khay nhựa polystyrene với màng bọc thực phẩm bằng nhựa có thể giữ được từ 3 đến 7 ngày.
Tuy nhiên, nếu được đóng gói chân không trong nhiều lớp bao bì nhựa, nó có thể giữ được tới 45 ngày mà không bị hỏng. Công ty kiểm toán môi trường Trucost ước tính thịt thăn bò đóng gói chân không có thể cắt giảm lãng phí thực phẩm đến một nửa so với các loại nhựa truyền thống. Hầu hết thực phẩm ta mua từ siêu thị được gói chặt trong màng bọc thực phẩm kín và khay bảo vệ.
Cách này khiến thịt tươi được giữ trong môi trường không có oxy, giúp chống ôi thiu. Các loại trái cây đắt tiền và rau cũng tránh khỏi bị trầy xước làm giảm giá trị, nghĩa là chúng sẽ dễ bán hơn. Đóng gói nho thành từng hộp nhựa riêng được cho là cắt giảm lãng phí thực phẩm đến 75%. Màng bọc thực phẩm bằng nhựa có thể giữ trái cây và rau quả trong không gian tách biệt riêng – trong ngành công nghiệp gọi là phương pháp thay đổi khí quyển trong bao bì – có thể giúp trái cây không chín quá nhanh.
Khi được giữ trong bao bì với công nghệ MAP (bảo quản bằng điều chỉnh khí quyền), ớt ngọt có thể giữ được từ bốn ngày đến 20 ngày, theo Hiệp hội Bao bì Nhựa (FPA) của Mỹ. Tăng thời hạn sử dụng của thực phẩm có thể giúp giảm thiểu chi phí do lãng phí thực phẩm ở siêu thị gây ra – theo tổ chức từ thiện chống lãng phí Wrap. Chi phí do lãng phí thực phẩm gây ra trên toàn cầu ước tính gần một triệu tỷ USD mỗi năm, phần lớn do các công ty sản xuất và hãng bán lẻ chịu.
Dù một số người tin rằng bao bì sử dụng một lần thực ra dẫn đến tình trạng lượng thực phẩm mà ta vứt bỏ tăng lên, rất nhiều người trong ngành công nghiệp nhựa lập luận rằng khi không sử dụng bao bì nhựa, chi phí do lãng phí thực phẩm sẽ tăng lên. Eliot Whittington, giám đốc chương trình chính sách tại Viện Lãnh đạo Bền vững Đại học Cambridge (CISL), đề cập đến ngành công nghiệp nhựa sinh học đang phát triển, sử dụng tinh bột hoặc protein từ cây trồng như mía đường để sản sinh ra các nguyên liệu hydrocarbon cơ bản cần thiết cho sản xuất nhựa.
Một số loại nhựa sinh học không phân hủy chút nào cả, nhưng một số loại khác – như polylactic acid (PLA) – có thể tan rã theo thời gian và một số khác có thể phân hủy, nghĩa là chúng có thể phân hủy hoàn toàn chứ không đơn thuần là rã thành những hạt “nhựa vi mô” nhỏ hơn. Một công ty đã chuyển sang sử dụng nhựa sinh học là công ty sản xuất sản phẩm dưỡng da của Anh Bulldog. Công ty này đã thay đổi các tuýp chứa sản phẩm bằng nhựa truyền thống thành bao bì bằng polyethylene làm từ mía đường. Các tuýp mới đắt tiền hơn nhưng “chúng tôi vẫn nghĩ đó là việc đúng nên làm” – Simon Duffy, nhà sáng lập công ty, cho biết.
Cái giá của sự thay đổi và lựa chọn khó khăn
Rất nhiều siêu thị lớn, các công ty đa quốc gia như Tesco và Walmart đã hứa sẽ giảm số lượng bao bì nhựa khi bán hàng. Cùng với Coca-Cola, nhà sản xuất thức uống Pepsi, công ty đa quốc gia về thực phẩm và sản phẩm tẩy rửa Unilever, nhà sản xuất thực phẩm Nestlé và công ty mỹ phẩm L’Oreal đã cùng cam kết sẽ đảm bảo bao bì họ sử dụng có thể sử dụng lại được, tái chế được hoặc tự phân hủy từ năm 2025.
Nhưng bất chấp những cam kết đó, phần lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống vẫn đang cố gắng tìm cách đạt được mục tiêu mà họ tự đặt ra. Một số chuyên gia lo ngại nếu không có cách tiếp cận đúng đắn, sự vội vàng cấm bao bì nhựa trong việc mua sắm sẽ chỉ khiến hàng hóa ta mua đắt tiền hơn. Eliot Whittington cảnh báo: “Mọi việc không chỉ đơn giản là nhựa thì tệ hại nên mọi người hãy sử dụng chất liệu khác đi. Việc này đòi hỏi chúng ta thay đổi hoàn toàn cách thức đóng gói sản phẩm như hiện thời. Hầu hết bao bì hiện nay được sử dụng một lần rồi bị vứt bỏ. Chúng ta cần thay đổi từ đó. Việc này đòi hỏi nỗ lực từ lãnh đạo của chính phủ”.
Hơn 1/3 thực phẩm bán ở châu Âu hiện nay được gói trong bao bì nhựa và mỗi người trong hơn 500 triệu cư dân châu Âu thải ra 31kg bao bì nhựa mỗi năm. Một lý do khiến bao bì nhựa cực kỳ phổ biến là vì nó rất đa dụng với chi phí cực thấp: ví dụ, người ta cần rất ít chất liệu để sản xuất ra chai nhựa đựng thức uống thay vì chai thủy tinh. Susan Selke từ Đại học Michigan nói: “Nhựa rất rẻ, nhẹ và có thể sử dụng linh hoạt trong rất nhiều cách mà các nguyên liệu khác không thể”.
Hồi 50 năm trước, trước khi cuộc cách mạng về nhựa bùng nổ, hầu hết thức uống được bán với bao bì là chai thủy tinh. Ngày nay, hầu hết thức uống đóng chai đều làm từ loại nhựa cứng có tên gọi polyethylene terephthalate, hay còn gọi là PET. Dù chi phí sản xuất chai có thể khác biệt tùy theo chất liệu ban đầu và giá năng lượng tại thời điểm sản xuất, nhưng chi phí để làm ra chai thủy tinh cũng không đắt đỏ hơn bao nhiêu so với chi phí làm ra chai nhựa PET – chỉ khoảng hơn 1 xu Mỹ một chút, theo một số phân tích.
Tuy nhiên, khi các nhà sản xuất bắt đầu vận tải sản phẩm đựng trong chai thủy tinh, chi phí bắt đầu tăng lên. Một chai nhựa đựng thức uống 330ml có khoảng 18g vật liệu, trong khi một chai thủy tinh có thể cân nặng từ 190g đến 250g. Vận chuyển thức uống trong những container hàng nặng hơn đòi hỏi tăng 40% nhiên liệu, và thải ra môi trường nhiều khí CO2 ô nhiễm hơn, khiến chi phí vận tải tăng lên gấp 5 lần trên mỗi chai. Selke giải thích: “Trong nhiều trường hợp, nhựa thực ra tốt cho môi trường hơn các chất liệu khác. Điều này thật đáng ngạc nhiên cho đến khi bạn nhìn sâu vào vấn đề”.
Một báo cáo của Hội đồng Hóa học Mỹ (ACC) và công ty kiểm toán môi trường Trucost ước tính chi phí môi trường – loại chi phí mô tả giá trị mà một sản phẩm gây ra ô nhiễm bao nhiêu – sẽ có thể cao hơn gấp 5 lần nếu ngành công nghiệp thức uống thay thế chất liệu bao bì thành thủy tinh, thiếc hay nhôm thay vì sử dụng nhựa. Vì nhiều chính phủ tìm cách phạt các công ty bằng thuế carbon và các loại thuế, chi phí này có thể sẽ đè lên vai người tiêu dùng.
Dick Searle, giám đốc điều hành Liên hiệp Bao bì Anh (BPF), đại diện cho ngành công nghiệp này tại Anh nhận định: “Giá thực phẩm sẽ tăng lên – không nghi ngờ gì điều đó sẽ xảy ra”. Chẳng hạn, sử dụng chai sữa thủy tinh thay vì chai nhựa sẽ có thể tăng thêm chi phí cho nhà sản xuất. Nhưng liệu điều này có nghĩa chi phí sẽ bị đẩy về phía người mua hàng không?
Iceland, một siêu thị Anh cam kết loại bỏ túi nhựa khỏi quy trình đóng gói vào năm 2023, đã chuyển từ việc sử dụng các khay nhựa đen cho thực phẩm ăn sẵn thành hộp làm bằng giấy và sẽ sử dụng các chất liệu bao bì khác như thủy tinh và cellulose làm từ gỗ. Richard Walker, giám đốc quản lý chuỗi siêu thị, cảnh báo: “Thay đổi này sẽ tốn tiền. Nhưng chúng tôi quyết định rằng khách hàng sẽ không phải chịu chi phí này”.