Vi hạt plastic trong sản xuất mỹ phẩm
Trong khi nhiều người cần mẫn xử lý tái chế rác thải plastic thì các công ty mỹ phẩm lặng lẽ thêm vào hàng trăm mét khối plastic như polythylene để cho ra đời nhiều sản phẩm được thiết kế để cuối cùng trôi tuột xuống các hệ thống nước thải.
Các vi hạt plastic – rộng chưa đến 1mm và quá nhỏ để các nhà máy xử lý chất thải có thể lọc được – có thể mang đến chất độc chết người cho những con vật tiêu hóa chúng cũng như nhiễm vào các chuỗi thực phẩm cung ứng cho con người như cá, cua hay trai. Chỉ riêng ở Mỹ, mỗi năm có đến 1.200m3 vi hạt plastic trôi cuống cống rãnh.
Các nhà khoa học và nhà hoạt động môi trường đang mở chiến dịch vận động ngành công nghiệp mỹ phẩm ngưng sử dụng vi hạt plastic trong sản phẩm kem tẩy trắng da và dầu gội, nhưng chỉ có được thành công giới hạn bởi vì chỉ có một số tương đối nhỏ công ty chấp nhận yêu cầu song họ cũng đòi hỏi thời gian khắc phục chừng vài năm.
Nước Anh, cùng với phần còn lại của Liên minh châu Âu (EU), đang chịu áp lực hành động theo gương của bang New York (Mỹ) – nơi mà thời gian qua được coi là địa phương lần đầu tiên trên thế giới chính thức cấm sử dụng vi hạt plastic trong các sản phẩm mỹ phẩm sau khi chính quyền gặp thất bại trong chiến dịch thuyết phục các công ty tự nguyện loại bỏ thành phần gây hại cho môi trường này.
Hội đồng bang New York quyết định hành động sau khi các nhà khoa học tìm thấy một lượng lớn vi hạt plastic đáng lo ngại xâm lấn vùng nước ngọt Ngũ Đại Hồ ở miền Trung Bắc Mỹ được coi là nhóm hồ lớn nhất thế giới.
Các nhà nghiên cứu cho biết lượng lớn vi hạt plastic có nguồn gốc từ nước thải ô nhiễm cặn bã của hơn 100 sản phẩm mỹ phẩm – bao gồm kem tẩy trắng da, xà phòng, dầu gội đầu và kem đánh răng.
Robert Sweeney, Chủ tịch Ủy ban bảo tồn của Hội đồng bang New York, nhận định: “Mọi người đều không muốn hy sinh chất lượng nước sinh hoạt chỉ để tiếp tục sử dụng các sản phẩm chứa vi hạt plastic. Tôi chưa bao giờ gặp người nào muốn plastic dính trên mặt họ hay tồn tại trong con cá”.
Hằng ngày, hàng triệu người không hề biết rằng mình đã đổ xuống cống rãnh hàng tấn hạt nhựa siêu nhỏ (vi hạt plastic) gây hại cho môi trường.
Những vi hạt này tồn tại trong môi trường hơn 100 năm và từ đó gây ô nhiễm trầm trọng cho những con sông cũng như đời sống sinh vật biển hoang dã – theo cảnh báo của các nhà khoa học.
Thật ra, chỉ có vài người biết rằng nhiều sản phẩm mỹ phẩm – như là kem tẩy trắng da hay tẩy tế bào da chết, kem đánh răng, dầu gội tắm và sữa tắm – đều có chứa nhiều vi hạt plastic được các nhà sản xuất chủ ý thêm vào cho hơn 100 sản phẩm phục vụ người tiêu dùng trong hơn hai thập niên qua.
Năm 2013, Ủy ban Công nghệ và Khoa học Hạ viện Anh được báo cáo bằng chứng về tác động nghiêm trọng của vi hạt plastic đến các môi trường thủy sinh Anh.
Một số thành viên của ủy ban như nghị sĩ Graham Stringer kêu gọi ban hành luật kiểm soát và cấm các công ty mỹ phẩm sử dụng vi hạt plastic trong sản xuất.
Ban đầu, ngành công nghiệp mỹ phẩm sử dụng các thành phần tự nhiên như là hạt quả mơ, vỏ hồ đào và dừa khô để sản xuất kem tẩy tế bào chết trên da.
Tuy nhiên, vào thời điểm nào đó cuối thập niên 1990, một số công ty âm thầm chuyển sang sử dụng vi hạt plastic và sau đó phương pháp nhanh chóng lan truyền sang nhiều công ty khác.
Thành phần vi hạt plastic thường được ghi trên nhãn hàng là “PE”, “PP” hay “PMMA” và chúng hiện có mặt trong hơn 100 sản phẩm vệ sinh và chăm sóc da.
Ngày nay, vi hạt plastic hiện diện rộng rãi trong sản phẩm của các công ty hàng đầu thế giới như Johnson & Johnson, Procter & Gamble, Unilever, Clarins và L’Oréal; được phân phối đến người tiêu dùng bởi các kênh bán lẻ như Sainsbury’s, Tesco và Marks and Spencer.
Richard Thompson, giáo sư khoa sinh học biển Đại học Plymouth, giải thích: “Vi hạt plastic có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng hơn loại rác thải plastic có kích thước lớn. Chúng ta biết rằng vi hạt plastic sẽ truyền chất độc vào cơ thể động vật nuốt plastic. Ví dụ, vi hạt sẽ nằm lại trong cơ thể con trai hơn 48 ngày”.
Giáo sư Callum Roberts của Đại học York nhận định: “Vi hạt plastic tập trung rất nhiều chất độc và truyền sang cho phiêu sinh vật rồi đến động vật săn mồi.
Cuối cùng, khi con người tiêu thụ hải sản như cá ngừ hay cá kiếm (đôi khi còn gọi là cá đao) cũng sẽ nuốt luôn chất độc từ vi hạt plastic.
Các nghiên cứu cho thấy các chất ô nhiễm hữu cơ – trong số chúng là các hóa chất tan trong mỡ như DDT và PCB – bám rất nhiều vào các vi hạt polyethylene vốn được sử dụng rộng rãi trong sản xuất mỹ phẩm tẩy tế bào chết trên da.
Giáo sư Ian Boyd của Đại học Brunel – người đang tiến hành cuộc nghiên cứu vi hạt plastic trong môi trường thủy sinh – cho biết rất ít người biết đến tác hại lâu dài của vi hạt nhiễm vào nguồn nước và được sinh vật tiêu hóa.
Giáo sư Ian Boyd kết luận: “Bất cứ nguyên liệu mới nào được sử dụng trong thế giới công nghiệp cũng cần được điều tra cẩn thận. Nhưng đôi khi rất khó dự đoán được hiệu quả của chúng cho đến khi tác hại bắt đầu xảy ra”.
Ít nhất 180 loài động vật biển tiêu thụ đồ nhựa
Ô nhiễm rác thải nhựa đang đe dọa sinh vật biển. Người ta tìm thấy nhựa trong 1/3 số lượng cá đánh bắt được ở Anh – cả gồm cả những loại cá mà con người dùng làm thực phẩm. Người ta cũng tìm thấy nhựa trong các loại hải sản như hến hay tôm hùm.
Tóm lại, với 12,7 triệu tấn nhựa bị trút xuống các đại dương mỗi năm, động vật đủ kích cỡ và hình dáng đều tiêu thụ nhựa.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây trong bộ phim tài liệu về thế giới tự nhiên Blue Planet II, nhà tự nhiên học David Attenborough mô tả một con chim hải âu bay về tổ và cho chim non ăn: “Thứ gì được nhả ra từ mỏ chúng? Không phải cá, cũng không phải con mực – vốn là loại thức ăn quen thuộc của hải âu, mà là nhựa”.
Các nhà khoa học phát hiện hải âu không phải loài duy nhất bị rác thải nhựa đánh lừa như thế mà ít nhất 180 loài động vật biển – từ sinh vật phù du tí hon đến cá voi khổng lồ – từng được ghi nhận tiêu thụ đồ nhựa. Sự thực đó diễn ra phổ biến một phần là bởi rác thải nhựa hiện diện khắp nơi.
Ví dụ với động vật phù du, chúng ăn các phân tử nhựa siêu nhỏ trong nước vì bộ phận tiêu hóa của chúng được tạo ra để tiêu hóa phân tử ở kích cỡ nhất định.
Moira Galbraith, nhà sinh thái học phù du Viện Khoa học Đại dương Canada (IOS), cho biết: “Nếu phân tử có đúng kích cỡ đó thì hẳn đấy phải là thức ăn đối với sinh vật biển”.
Một phân tích cho thấy những loài sống dưới đáy biển có thể tiêu thụ số lượng nhựa nhiều gấp 183 lần so với người ta nghĩ vì nhựa có trong phần bùn chúng hấp thu vào cơ thể.
Với hải sâm, phân tử nhựa đơn giản là lớn hơn và dễ lọc hơn bằng xúc tu so với thức ăn thông thường. Nhưng với các loài khác, có những dấu hiệu cho thấy việc chúng ăn nhựa không phải chỉ là quá trình tiêu hóa thụ động.
Rất nhiều loài có vẻ như đã chủ động chọn loại “thức ăn” này. Để hiểu vì sao động vật thấy nhựa quá hấp dẫn, chúng ta cần phải tìm hiểu cách chúng nhìn nhận thế giới.
Matthew Savoca, chuyên gia sinh thái học Trung tâm Hải dương Học Southwest (SWFSC) trực thuộc Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại Dương Mỹ (NOAA) ở Monterey (California, Mỹ), đánh giá: “Động vật có khả năng nhận thức và cảm giác rất khác con người. Trong một số trường hợp, khả năng của chúng tốt hơn và trong một số trường hợp khác lại tệ hơn, nhưng nói chung là chúng rất khác biệt”.
Ngoài ra, có giải thích cho rằng động vật sẽ nhầm nhựa với các loại thức ăn quen thuộc – như hạt nhựa thường bị nhầm với trứng cá ngon lành.
Để hiểu rõ sự say mê của động vật với nhựa, các nhà khoa học phải học cách nhìn thế giới giống như chúng.
Con người là sinh vật tư duy bằng hình ảnh, nhưng rất nhiều loài động vật biển – như chim hải âu – khi tìm mồi thường dựa vào khứu giác là chính.
Savoca và đồng nghiệp của ông đã tiến hành nhiều thí nghiệm cho thấy một số loài chim biển hoặc cá bị nhựa quyến rũ vì mùi hương, đặc biệt là mùi có liên quan đến hợp chất dimethy sulfide (DMS) tỏa ra từ nhựa. Bị hấp dẫn bởi DMS do rong biển mọc trên những đám nhựa nổi thải ra, chim và cá lao tới ăn nhựa thay vì ăn những sinh vật nhuyễn thể vốn là nguồn thức ăn chính của chúng.
Giống con người, rùa biển thường dựa vào thị giác để tìm thức ăn. Tuy nhiên, người ta cho rằng rùa biển có khả năng nhìn thấy ánh sáng tia cực tím (UV) khiến cho những gì chúng thấy hoàn toàn khác so với con người.
Qamar Schuyler, nữ giáo sư Đại học Queensland (Australia), quan sát não bộ rùa bằng cách mô hình hóa khả năng thị giác của nó và sau đó điều chỉnh các vật thể nhựa để cho ra hình ảnh đúng như rùa nhìn thấy.
Schuyler cũng xem xét những gì tìm thấy trong bao tử của nhiều xác rùa chết để hiểu loại nhựa nào chúng thích ăn. Kết luận là trong khi các con rùa non không phân biệt được rõ đâu là nhựa thì rùa già lại có xu hướng thích các loại nhựa mềm và trong suốt hơn.
Schuyler nghĩ kết quả của bà khẳng định ý tưởng từ lâu cho rằng rùa nhầm túi nhựa với các loài sứa thơm ngon. Người ta cũng cho rằng màu sắc là yếu tố ảnh hưởng đến chuyện ăn phải nhựa, mặc dù yếu tố này khác nhau tùy vào từng loài.
Rùa non thích nhựa trắng hơn, trong khi đó loài chim biển thường săn tìm rác thải nhựa có màu đỏ. Ngoài hình dáng và mùi vị, động vật còn sử dụng nhiều giác quan khác để tìm thức ăn.
Sinh vật biển đi săn bằng sóng siêu âm, tiêu biểu như cá voi hay cá heo. Sóng siêu âm nổi tiếng vì cực kỳ nhạy cảm, nhưng thực tế cho thấy hàng chục con cá nhà táng và các loại cá voi đã chết với bụng đầy túi nhựa, mảnh vụn xe hơi và các loại chất thải khác mà con người trút xuống biển.
Savoca cho rằng có vẻ như hệ thống sóng siêu âm của chúng xác định nhầm vật thể nhựa và cho rằng đó là thức ăn.
Savoca cho biết: “Có một hiểu lầm cho rằng những con vật này ngu ngốc và ăn phải nhựa chỉ vì nhựa trôi nổi xung quanh, nhưng điều đó không đúng”. Bi kịch là tất cả những con vật đó đều là các loài săn mồi lão luyện, sở hữu giác quan ưu việt qua nhiều triệu năm tiến hóa để xác định rất ít các nhóm con mồi.
Nhựa không chỉ giống đồ ăn mà còn có mùi vị, cảm quan và thậm chí âm thanh tựa như thức ăn. Rác thải mà con người thải ra với đủ kích cỡ, hình dạng và màu sắc đến mức chúng hóa thành cả một mảng tương tự như đồ ăn trong cách đánh giá của động vật, và đây chính là vấn đề.
Schuyler nhớ lại rằng đã có người từng đặt câu hỏi: “Tại sao ta không làm tất cả nhựa thành màu xanh hết?” và dẫn chứng thí nghiệm cho thấy màu xanh này không được rùa ưa thích lắm.
Nhưng các nghiên cứu khác lại chỉ ra điều này hoàn toàn ngược lại đối với các loài động vật khác. Vì thế, thực ra không tồn tại giải pháp duy nhất nào đúng cho tất cả. Chúng ta không thể nào dễ dàng thay đổi hình dáng của nhựa để động vật không ăn phải chúng.
Savoca hy vọng rằng câu chuyện bi thương như con hải âu mà David Attenborough kể sẽ giúp làn sóng người tiêu dùng phản đối việc sử dụng túi nhựa tăng lên nhiều hơn nữa đồng thời giúp khuyến khích con người cảm thông với các loài động vật biển hơn.
Cuối cùng, điều này cũng giúp cắt giảm số lượng rác thải nhựa đang đổ xuống đại dương mỗi ngày một cách vô tội vạ.