Năm 1923, Sir Francis Walshe, một nhà thần kinh học người Anh, nhận thấy một điều gì đó thú vị khi kiểm tra phản xạ của những bệnh nhân bị tê liệt một bên cơ thể. Khi ngáp, họ tự lấy lại được chức năng vận động.
Hết trường hợp đến trường hợp khác, điều tương tự đã xảy ra như thể nếu việc ngáp kéo dài trong 6 giây hoặc nhiều hơn, bệnh nhân sẽ không còn bị tê liệt. Hơn nữa, Walshe cho biết một số bệnh nhân của ông đã nhận thấy “đó là khi những ngón tay đang duỗi thẳng và dang ra trong một cái ngáp dài, họ có thể gập lại và duỗi chúng ra nhanh chóng, một điều họ không thể làm vào bất cứ lúc nào khác. Thật vậy, một người đàn ông nói thêm rằng ông ta luôn luôn chờ đợi một cái ngáp dài để có thể luyện tập ngón tay của mình theo cách này”.
Walshe kết luận rằng ngáp đã được kích hoạt bởi khu trung tâm chủ yếu của não nằm ngoài vùng kiểm soát có ý thức. Do đó, khả năng ngáp của một người có thể vẫn còn hoàn toàn nguyên vẹn, ngay cả khi “sự kiểm soát vỏ não ít nhiều bị loại bỏ khỏi hệ thống cơ của một nửa cơ thể”. Ngáp là một trong những hành vi nguyên thủy, cơ bản nhất của chúng ta – một kết luận tương tự với những quan sát của Charles Darwin, vào năm 1838, cho rằng “nhìn chó, ngựa và một người đàn ông ngáp khiến tôi cảm thấy dường như tất cả các loài động vật đều được tạo thành trên một cấu trúc”.
Ngáp là một trong những điều đầu tiên chúng ta học được. “Học” thậm chí có thể không hoàn toàn là đúng ở đây. Johanna de Vries, giáo sư sản khoa tại Đại học Vrije Amsterdam, đã phát hiện ra rằng thai nhi biết ngáp trong 3 tháng đầu tiên trong bụng mẹ. Và, trừ khi chúng ta không phải chống chọi lại với bệnh thoái hóa thần kinh, ngáp là một điều gì đó chúng ta tiếp tục làm trong suốt cuộc đời.
Robert Provine – một nhà thần kinh học và là tác giả của Curious Behavior: Yawning, Laughing, Hiccupping, and Beyond, nói: “Bạn không quyết định được việc ngáp. Bạn chỉ làm điều đó một cách tự nhiên. Bạn đang thực hiện một chương trình sinh học”. Chúng ta ngáp một cách vô thức và chúng ta ngáp một cách tự nhiên.
Chúng ta không thể ngáp theo mệnh lệnh và đôi khi chúng ta không thể tự ngăn mình ngáp dài, ngay cả vào những thời điểm không thích hợp nhất (một ví dụ cụ thể: cái ngáp ngủ nổi tiếng của Sasha Obama trong khi cha cô phát biểu nhậm chức tổng thống vào năm 2013). Nhưng nói một cách chính xác thì chúng ta đạt được những gì khi ngáp? Theo thuyết tiến hóa, nó phải có một ý nghĩa quan trọng nào đó để tồn tại lâu như vậy.
- Xem thêm: 5 lý do nên xét nghiệm DNA bằng nước bọt
Vào năm 400 trước Công nguyên, Hippocrates cho rằng ngáp bằng cách nào đó có liên quan đến sốt: chúng ta ngáp để tống ra một lượng khí xấu tích tụ bên trong cơ thể khiến chúng ta bệnh, giống như một lượng lớn hơi nước thoát ra khỏi ấm khi nước sôi. Qua trực giác, điều này đã được chứng minh là có sức bật mạnh mẽ.
Năm 2011, nhà tâm lý học Gordon Gallup cho rằng ngáp là một cơ chế làm mát cho bộ não và cơ thể. Nhưng bằng chứng cho những lý thuyết này rõ ràng đã được pha trộn và hiện nay vẫn còn khá khó khăn để lý giải chức năng sinh lý của ngáp. Như Provine đã nói: “Ngáp có thể có những đặc điểm riêng biệt không rõ ràng của một hành vi phổ biến khó hiểu nhất của con người”.
Một cách giải thích đáng tin cậy hơn về lý do tại sao chúng ta ngáp có thể đến từ khoảng thời gian khi chúng ta ngáp. Chúng ta thường nghĩ ngáp như một tín hiệu buồn ngủ hoặc buồn chán. Thật vậy, mệt mỏi và chán nản chắc chắn tạo ra những cái ngáp. Trong khi ngáp không thực sự liên quan đến lượng giấc ngủ của chúng ta, mức độ mệt mỏi về mặt sinh lý học như thế nào, hoặc thời gian chúng ta thức dậy và đi ngủ; nó dường như phát triển mạnh mẽ hơn khi chúng ta cảm thấy buồn ngủ một cách chủ quan.
Trong một loạt các nghiên cứu được tiến hành trong thập niên 1980 và 1990, Province đã chứng minh rằng ngáp xảy ra thường xuyên hơn khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi. Đặc biệt, chúng ta dễ ngáp ngay sau khi thức dậy và trước giờ đi ngủ thường ngày. Ngáp cũng tăng lên cùng với sự nhàm chán. Trong một thí nghiệm, các đối tượng thử nghiệm của Province ngáp nhiều hơn khi nhìn vào tĩnh vật so với khi xem video âm nhạc. Chúng ta cũng ngáp khi đói – một khuynh hướng tương tự như các loài linh trưởng khác.
Nhàm chán, đói, mệt mỏi là tất cả các trạng thái mà chúng ta thường xao lãng sự chú ý và chúng ta ngày càng trở nên khó duy trì sự tập trung. Một cái ngáp, sau đó, có thể là một tín hiệu để cơ thể phấn chấn trở lại, một cách để giữ tỉnh táo. Khi nhà tâm lý học Ronald Baenninger, giáo sư tại Đại học Temple, thử nghiệm lý thuyết này trong một loạt các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm kết hợp với quan sát tự nhiên (những đối tượng quan sát được đeo thiết bị quanh cổ tay để theo dõi tình trạng sinh lý và tần số ngáp trong 2 tuần liên tiếp), ông nhận thấy ngáp xảy ra thường xuyên khi thiếu sự kích thích. Trong thực tế, một cái ngáp thường kéo theo những chuyển động và hoạt động sinh lý tăng lên, điều này cho thấy một số kiểu “thức tỉnh” đã diễn ra.
Provine đã chỉ ra: “Bạn ngáp ngay cả khi rõ ràng là bạn không hề cảm thấy chán. Vận động viên Olympic đôi khi ngáp trước khi thi đấu; nghệ sĩ violin có thể ngáp trước khi chơi bản concerto”. Một đồng nghiệp từng chung phòng thí nghiệm của Provine là một thành viên trong Lực lượng quân đội đặc biệt. Là một phần của nghiên cứu, ông quyết định quan sát những người lính đang chuẩn bị nhảy khỏi máy bay lần đầu tiên. Tỷ lệ ngáp càng cao ngay trước khi họ đi đến cửa cabin.
- Xem thêm: Mồ hôi: Chất liệu quý giá của khoa học
Provine tin rằng một cái ngáp đơn giản có thể báo hiệu một sự thay đổi trạng thái sinh lý, một cách để giúp chuyển đổi tâm trí và cơ thể sang một trạng thái hành vi khác – “Ngủ để tỉnh táo, tỉnh táo để đi vào giấc ngủ, lo lắng để bình tĩnh, nhàm chán để hoạt bát” – Vì vậy, trong khi ngáp, cơ thể có thể đã cố gắng giành lại sự tỉnh táo chứ không phải là chịu thua trước sự mệt mỏi hoặc đói.
Tuy nhiên, ý tưởng rằng chúng ta ngáp khi chúng ta sắp sửa thay đổi trạng thái không thể là toàn bộ câu chuyện, vì một lý do đơn giản: chúng ta ngáp, phần lớn khi chúng ta nhìn thấy hoặc nghe người khác ngáp – mặc cho chúng ta có hay không có cảm giác đặc biệt buồn ngủ, buồn chán, lo âu, đói bụng.
Đó là một hiện tượng gọi là ngáp truyền nhiễm. Chúng ta cũng ngáp khi chúng ta suy nghĩ quá nhiều về ngáp: trong một nghiên cứu của Provine, 88% những người được yêu cầu nghĩ về ngáp tự ngáp trong vòng 30 phút. Chúng ta ngáp khi chúng ta đọc về nó. “Một lý do khiến tôi hăng hái nghiên cứu vệ sự lây nhiễm là bởi vì tất cả mọi thứ đều gây ngáp”, Provine nói.
Tại sao ngáp lại hay lây? Liệu thực tế là chúng ta bị nhiễm từ một người khác có tiết lộ điều gì về chức năng cơ bản của chúng? Một khả năng là cái ngáp truyền nhiễm xảy ra như một cách thể hiện sự thấu cảm. Trong khi tất cả các động vật có vú và có xương sống ngáp tự phát, chỉ có con người và họ hàng gần nhất của chúng ta – tinh tinh – dường như trải nghiệm hiệu ứng lây lan – một dấu hiệu cho thấy có thể có một ý nghĩa xã hội sâu hơn.
Hơn nữa, trong khi ngáp tự phát xảy ra từ khi còn trong bụng mẹ, ngáp truyền nhiễm chỉ bộc phát sau này trong cuộc sống, cũng giống như sự thấu cảm. Trẻ em dưới năm tuổi không ngáp nhiều hơn bình thường khi xem video về ngáp.
Những người ủng hộ lý thuyết thấu cảm trích dẫn bằng chứng từ các nghiên cứu về sự gần gũi: mức độ gần gũi của chúng ta với một ai đó có thể ảnh hưởng đến việc chúng ta ngáp khi họ ngáp. Chúng ta thường có nhiều khả năng ngáp theo một thành viên trong gia đình so với một người bạn, theo một người bạn so với một người quen và theo một người quen so với một người lạ. Bằng chứng gần đây cho thấy tác dụng còn mở rộng ra chủng tộc: chúng ta dễ ngáp theo những người cùng chủng tộc hơn là những thành viên của chủng tộc khác.
Những con tinh tinh và bonobo cũng cho thấy sự thiên vị chủng tộc này. Trong một nghiên cứu, Frans de Waal và Matthew Campbell đã cho 2 nhóm tinh tinh xem một loạt video. Trong một số video, chúng nhìn thấy những con tinh tinh quen thuộc ngáp hoặc nghỉ ngơi, và trong một số video khác, chúng thấy nhìn những con tinh tinh không quen biết làm điều tương tự. Cả 2 nhóm ngáp thường xuyên hơn khi thấy thành viên trong nhóm của chúng ngáp. Một thử nghiệm tương tự đã được quan sát thấy ở loài bonobo, mối quan hệ đồng loại giữa chúng càng gắn kết, chúng càng ngáp nhiều.
Một số nhà khoa học trích dẫn thêm bằng chứng từ các nghiên cứu trên những đối tượng tâm thần phân liệt và bị bệnh tự kỷ: trong cả hai trường hợp, ngáp truyền nhiễm giảm đi, mặc dù ngáp tự phát vẫn còn nguyên vẹn.
Nhưng ngáp không nhất thiết liên quan đặc biệt với sự đồng cảm. Khi Alex Bartholomew và Elizabeth Cirulli quan sát hơn 300 cá nhân ở cả trong phòng thí nghiệm lẫn ở nhà, ghi nhận xem họ ngáp bao nhiêu lần trong khi xem một video ba phút về sự ngáp. Họ tìm thấy những sự khác biệt nhất quán giữa các đối tượng của họ. Kết quả thử nghiệm là dù đồng cảm hoặc tách biệt như thế nào cũng không quan trọng; một số người chỉ đơn giản nhạy cảm với sự lây lan hơn những người khác.
Yếu tố duy nhất được chứng minh có liên quan, trên thực tế, là tuổi: người lớn tuổi ít ngáp hơn so với những người trẻ hơn. Trừ khi chúng ta nghĩ rằng càng lớn tuổi chúng ta càng ít thông cảm, mối tương quan này dường như không chắc chắn. Một nghiên cứu năm 2010 về sự lây lan, được các nhà tâm lý học trường Đại học Stanford Jennifer Yoon và Claudio Tennie tiến hành, đi đến kết luận tương tự, tìm thấy một vài bằng chứng cho thấy sự lây lan và sự đồng cảm là có mối quan hệ nhân quả.
Hơn cả sự đồng cảm, tính lây lan của ngáp có thể thể hiện một điều gì đó rất khác. “Hãy nhìn sâu vào khía cạnh bầy đàn của con người: ngáp như một hình thức nguyên sơ của tính xã hội”, Provine nói. Về nguyên thủy, ngáp có thể là một cơ chế truyền tín hiệu xã hội. Khi ngáp, chúng ta đang giao tiếp với nhau. Chúng ta đang thể hiện ra bên ngoài một điều gì đó ở bên trong, có thể đó là sự nhàm chán hoặc nỗi lo lắng, mệt mỏi hoặc cơn đói, những khi chúng ta cần một bàn tay giúp đỡ.
Trong thực tế, ngáp có thể là ngược với những gì chúng ta thường nghĩ. Nó không phải là một tín hiệu rằng bạn đang mệt mỏi mà là một tín hiệu cho tất cả mọi người xung quanh bạn biết đó là thời điểm hành động.Về phần cơ bản nhất, ngáp là một hình thức giao tiếp – một trong những cơ chế cơ bản nhất mà chúng ta có để làm cho mình hiểu người khác mà không cần lời nói”.