Biến đổi khí hậu, một phần không nhỏ do hoạt động của con người, đe dọa sức khỏe của chúng ta theo nhiều cách. Trái đất nóng dần lên gây những hệ quả trên không khí, nước, thực phẩm và những bệnh khác nhau.
Một thách thức thật sự đối với y tế công cộng thế giới. Thương tích và bệnh tật liên quan đến khí hậu khiến hơn 150.000 người thiệt mạng mỗi năm. Hiểu biết về tác động của biến đổi khí hậu sẽ giúp chúng ta thích nghi với hệ quả.
Những vấn đề về hô hấp
Khi đốt nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu, than đá…), chúng ta thải ra không khí những phần tử mịn và những độc tố khác. Một số phần tử carbon có thể đọng lại trong phổi suốt vài chục năm tương tự như bồ hóng bám trong ống khói. Sự tích tụ này gây viêm và có thể đưa đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hay hen. Vào năm 2015, hơn 7.000 người Canada chết do những biến chứng gây ra bởi chất lượng không khí xấu, và theo một nghiên cứu được công bố trên European Heart Journal vào năm 2019, ô nhiễm không khí gây tử vong cho 8,8 triệu người mỗi năm từ lúc này, cao hơn số người chết vì thuốc lá.
Phổi phụ nữ dường như đặc biệt nhạy cảm với ung thư gây ra bởi ô nhiễm. 10.000 phụ nữ chết vì ung thư phổi mỗi năm và 15% trường hợp bệnh mới được ghi nhận nơi những người không hề hút thuốc lá.
Tệ hại hơn nữa, những vụ cháy rừng liên tục xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới góp phần vào sự ô nhiễm không khí. Tần suất và cường độ cháy gia tăng cùng với những đợt nóng và khô hạn. Bệnh hen và COPD trở nặng, nhất là nơi trẻ em số vấn đề về hô hấp tăng cao vọt.
Bà Judy Mori, 69 tuổi, sống gần Vermont, trong thung lũng Okanagan, tỉnh British Columbia của Canada, mắc bệnh phổi mô kẽ (interstitial pneumonia), gây sẹo và rối loạn hô hấp. Bà than thở: “3 mùa hè gần đây, những đám cháy lớn tàn phá thung lũng, bầu trời xám xịt, không khí nồng nặc mùi khói suốt cả ngày, đến độ thung lũng được đặt tên Smokanagan (Thung lũng khói)”.
Một nguy cơ khác về hô hấp: nấm mốc, mối đe dọa trong những vùng thường bị ngập. Nấm mốc sản xuất độc tố và bào tử có thể gây ra phản ứng dị ứng hay nhiễm khuẩn khi hít phải.
Ngay cả khi phổi của bạn khỏe mạnh, bạn cũng cần tránh khói để phòng tránh thương tổn, về lâu dài có thể gây viêm mạn tính. Để tránh hô hấp không khí ô nhiễm, hãy dùng khẩu trang loại N95; loại khẩu trang y tế thông thường kém hiệu quả vì quá mỏng, không ngăn được mọi phần tử. Khi trời xấu, nên tập luyện trong nhà, trong phòng tập có máy điều hòa không khí.
Rối loạn tim mạch
Những gì ta hít phải đều xâm nhập các mạch máu. Khi hệ tim mạch bị viêm, các mảng có thể tích tụ trong các động mạch, khiến các bệnh tim mạch trở nặng và tăng nguy cơ nhồi máu liên quan đến khí hậu. Theo những nghiên cứu đang được tiến hành, các đối tượng mắc bệnh tiểu đường hay tăng huyết áp bị tác động rõ nét hơn. Theo nghiên cứu đăng trên European Heart Journal, đến 80% bệnh nhân tử vong do ô nhiễm không khí, với nguyên nhân xác định là nhồi máu, tai biến mạch máu não và những vấn đề tim mạch khác.
Nhiệt độ cao tạo nên một nguy cơ khác, do ngăn sự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bởi hệ máu. Nóng bức khiến cơ thể bị stress, trục trặc trong việc duy trì sự quân bình của cơ thể. Ít nhất 90 người thiệt mạng trong đợt nóng tràn qua một số vùng ở Québec vào mùa hè năm 2018. Ở Toronto, khí hậu nóng gây 120 cái chết mỗi năm. Trẻ em và người già dễ bị tổn thương hơn cả do nóng, vì hệ thần kinh trung ương của họ không còn hoạt động hiệu quả như người trưởng thành trong điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Những người làm việc ngoài trời, người dùng một số dược phẩm như thuốc lợi tiểu hay thuốc chẹn bêta, và những người bị bệnh mạn tính thường có sức chịu đựng kém trước nóng.
Trong những thời kỳ nóng, người khỏe mạnh cũng cần uống nhiều nước, giảm hoạt động, mặc quần áo rộng, thoáng.
Vấn đề miễn dịch
Năm 2014, Keri Wizbicki, 38 tuổi, một nữ y tá ở Winnipeg (Canada), đến hiệu uốn tóc. Thình lình, cô thợ kêu ré lên, dùng ngón tay nhặt một con ve chân đen ra khỏi tóc của Keri. Nữ y tá vừa dự một cuộc cắm trại vài ngày trước. Không lâu sau đó, sức khỏe của Keri bắt đầu xấu đi, cô đau toàn thân, mệt mỏi, đầu óc mụ mẫm và những triệu chứng trầm trọng khác khiến bác sĩ thoạt tiên nghĩ đến u não hay bệnh xơ cứng rải rác.
- Xem thêm: Khám sức khỏe định kỳ – Việc nên làm
Đến năm 2016, chẩn doán được xác định: Keri mắc bệnh Lyme, một bệnh nhiễm khuẩn do ve ký sinh truyền đi khi cắn người. Là người thích cưỡi ngựa, dã ngoại, du lịch thế giới, thế nhưng từ nay, Keri như một người tàn phế, chẳng còn chút sức lực, triệu chứng khởi phát chỉ sau chút gắng sức, chẳng hạn sau tắm vòi sen.
Một bệnh khác cũng do ve truyền đi: anaplasmose. Cả nhiễm khuẩn do virus tây sing Nil, với hàng trăm trường hợp mỗi năm. Với khí hậu nóng lên, côn trùng mang mầm bệnh có thể sống tại những những vùng khác nhau. Biến đổi khí hậu tạo thuận lợi cho sự bành trướng lãnh thổ của muỗi, các côn trùng khác và virus cũng lan theo.
Thiếu thực phẩm
Khí hậu nóng lên cũng đe dọa nguồn lương thực của con người. Hạn hán và bão tố phá hủy thu hoạch mùa màng ngày càng xảy ra thường xuyên, khiến giá thực phẩm tăng. Nguồn nước sạch bị cạn hay bị ô nhiễm. do sự cố khí tượng cực đoan, dẫn đến sự thoái hóa nhanh chóng và nguy hiểm của lương thực. Số trường hợp thiếu dinh dưỡng gia tăng, cơ thể suy yếu nên dễ mắc bệnh.
Bệnh tâm thần
Trốn cháy rừng hay chịu ngập gây lo âu, trầm cảm và cả những rối loạn stress hậu chấn thương. Theo một nghiên cứu tiến hành bởi Đại học Guelph vào năm 2015, 45% các nhà sản xuất nông nghiệp bị stress nặng và 1/3 bị trầm cảm, do chịu đựng sự thất bát mùa màng. Nóng cũng ảnh hưởng đến tính khí. Một phân tích vào năm 2018 phát hiện mối liên hệ không thể phủ nhận giữa thời tiết nóng và nguy cơ cao về tự tử. Khói bụi do cháy rừng cũng tác động trên tâm lý.
Nỗi “lo âu sinh thái” này có thể dẫn đến cơn hoảng sợ, mất cảm giác thèm ăn, dễ bị khích động, cáu giận và rối loạn giấc ngủ. Liệu pháp nhận thức – hành vi có thể giúp một số bệnh nhân chế ngự những suy nghĩ tiêu cực; cùng với tập luyên thế lực, giúp cải thiện tính khí.
- Xem thêm: Bệnh Tự tỏa
Thay đổi thói quen theo huớng tích cực cùng hành động để giữ gìn môi trường (chẳng hạn sử dụng nước hợp lý, không hoang phí hay bảo vệ đất), cũng là một biện pháp thiết thực giúp con người vượt qua khó khăn do khí hậu.
Môi trường không ngừng thay đổi và tốt hơn hết, chúng ta nên theo nhịp của Mẹ thiên nhiên.