Theo số liệu từ Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO), trong quý I-2019, sản lượng giày, dép da đạt gần 63 triệu đôi, tăng 11,7% so với cùng kỳ; xuất khẩu giày, dép các loại ước đạt 3,97 tỉ USD, tăng 15,3% so với quý I năm ngoái.
Tính toán của LEFASO cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp ngành da giày năm nay sẽ tăng 11% so với năm 2018, và nỗ lực nội địa hóa sản phẩm đạt tỷ lệ 60%. Theo đó xuất khẩu da giày sẽ đứng thứ tư và xuất khẩu túi xách sẽ đứng thứ 10, trong Top 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế. Mặc dù sức ép cạnh tranh giữa các nước chuyên sản xuất da giày ở Đông Nam Á ngày càng gay gắt nhưng khả năng mở rộng thị trường của da giày Việt Nam vẫn khá lạc quan, bởi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường chính của ngành này vẫn đang theo chiều hướng tốt.
Ngành da giày Việt Nam lại có thêm cơ hội khi Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực này, nhằm tập trung cho các ngành công nghệ cao. Theo LEFASO, các đơn hàng gia công da giày, túi xách sẽ tiếp tục dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, đón cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Thời gian qua, việc xây dựng vùng sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam cũng đã giúp doanh nghiệp nội địa từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đánh giá của bà Phan Thị Thanh Xuân – Tổng thư ký LEFASO, tỷ lệ nội địa hóa trong ngành hiện đã đạt ngưỡng 50%. “Với tỷ lệ này, quy tắc xuất xứ không phải là trở ngại lớn với doanh nghiệp da giày trong nước. Điều đáng lo hơn là doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong quản lý sản xuất và thực hành những tiêu chuẩn về chất lượng, đáp ứng các rào cản kỹ thuật, thương mại và tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội”, bà Thanh Xuân phân tích.
Nhiều người trong ngành cũng cho rằng mặc dù CPTPP và EVFTA có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, tiếp cận công nghệ mới dễ dàng hơn, tăng năng suất và duy trì thị phần ở Mỹ, EU và Nhật Bản nhưng đây là sân chơi lớn và phức tạp, doanh nghiệp muốn tham gia phải đầu tư đúng mức vào khâu chuẩn bị.
So với các FTA đã ký và tham gia, quy tắc xuất xứ hàng hóa tại CPTPP có một số điểm mới như: quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; quy tắc xuất xứ hàng tân trang, hàng tái chế tạo; công thức tính hàm lượng giá trị khu vực (RVC); danh mục tiêu chí xuất xứ cho sản phẩm cụ thể (PSR) được quy định chi tiết theo công đoạn sản xuất cụ thể…
- Xem thêm: Theo đuổi thương hiệu giày Việt
Trong khi đó, hiện mức độ ứng dụng công nghệ trong quản lý và sản xuất của ngành da giày trong nước còn thấp, năng suất lao động chỉ bằng 60% – 70% so với doanh nghiệp FDI. Phần lớn doanh nghiệp trong nước chưa có trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm, thường không tự chủ được nguyên liệu, thiết kế mẫu, chi phí lao động ngày càng tăng cao.
Theo kiến nghị của LEFASO, Nhà nước cần sớm hoàn tất các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể về lộ trình cắt giảm thuế quan, quy tắc xuất xứ và những điều khoản khác của CPTPP, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận và thực thi theo yêu cầu, nhằm tận dụng tốt các ưu đãi do CPTPP mang lại, tăng giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng tăng trưởng.