Số liệu thống kê năm 2010 của Bộ Công thương cho thấy, mỗi năm người dân Việt Nam tiêu thụ từ 130-140 triệu đôi giày dép, đạt giá trị trên 1,5 tỉ USD. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu.
Theo ông Nguyễn Quang Vũ, chủ nhân của thương hiệu giày thể thao Prowin thì chi phí trung bình để sản xuất một đôi giày thể thao không quá 20 USD, nhưng nhiều người Việt Nam phải mua giày với mức giá cả trăm USD. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp có thể mang đến những đôi giày giá phải chăng hơn cho người Việt.
Muốn làm thương hiệu phải lấy ngắn nuôi dài
Những năm gần đây phong trào thể thao trong nước ngày càng lên cao, thị trường giày thể thao Việt Nam theo đó cũng ngày càng mở rộng. Hiện nay, chỉ mới một số thương hiệu Việt Nam chú ý đầu tư xây dựng thương hiệu cũng như hệ thống phân phối như Vascara, Juno, Biti’s… Tuy nhiên giày thể thao thương hiệu Việt thì vẫn rất hiếm hoi. Khó khăn lớn nhất cho các thương hiệu giày thể thao hiện nay là giày giả chiếm đến 70% sản phẩm trên thị trường. Dạo quanh những cửa hàng bán giày ở các thành phố thị trấn đều thấy công nghệ làm “nhái” ngày càng tinh vi. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng Việt Nam chưa có thói quen quan tâm đến xuất xứ nguồn gốc của sản phẩm và các lưu ý về sức khỏe. Vì lý do này, nhiều công ty và các nhóm kinh doanh chỉ chạy theo lợi nhuận mà không đầu tư cho chất lượng. Chưa kể, nhiều cửa hàng trên các phố trung tâm dù cũng bán giày giả nhưng vẫn bán giá trên trời, khiến cho thị trường giày thể thao vô tình trở nên méo mó, thật giả lẫn lộn.
Một nghịch lý khác là giày thể thao Việt Nam chất lượng tốt thì chủ yếu lại để xuất khẩu (ước tính 90% sản lượng của toàn ngành là phục vụ cho xuất khẩu). “Có nhiều doanh nghiệp giày da Việt Nam đang sản xuất sản phẩm đạt chất lượng quốc tế nhưng không được mang thương hiệu Việt mà phải gắn nhãn mác của các đối tác nước ngoài, đó là nỗi đau của kiếp gia công”. Nghĩ vậy, ông Nguyễn Quang Vũ đã quyết định tự sản xuất và xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm giày của mình từ năm 2009 với thương hiệu giày Prowin.
Nguyễn Quang Vũ hiện đang là chủ của hai doanh nghiệp là Công ty Nam Bình (Bình Dương) và Công ty Nam Bình Minh (Đồng Nai), hoạt động trong lĩnh vực gia công, sản xuất giày thể thao và giày da xuất khẩu. Bình quân mỗi tháng, hai xưởng sản xuất do ông Quang Vũ làm chủ cung cấp ra thị trường hơn 20 ngàn đôi giày thể thao thành phẩm và hơn 40 ngàn sản phẩm mũ giày xuất khẩu. Đến nay, thương hiệu giày Prowin đã khá quen thuộc với người chơi thể thao trên cả nước, từ bóng đá đến chạy bộ, đạp xe, tennis… Tuy nhiên, giai đoạn đầu, doanh nghiệp của ông vẫn phải làm hai mảng gia công và sản xuất để cập nhật được các công nghệ mới từ các đối tác nước ngoài. “Hơn nữa, chúng tôi cũng cần có chi phí lấy ngắn, nuôi dài vì việc xây dựng thương hiệu giày Việt là một bài toán đường dài, không thể thực hiện được trong ngày một, ngày hai”, ông Quang Vũ chia sẻ. Sản phẩm của công ty ông có mức giá khoảng 400 ngàn đồng/một đôi, trong khi các sản phẩm cùng loại nhưng mang thương hiệu nước ngoài có giá khoảng 600 ngàn đồng/một đôi.
Doanh nghiệp Việt đã có thêm lợi thế
Bên cạnh nạn hàng giả, một khó khăn lớn của ngành giày thể thao hiện nay là công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn quá yếu, điều này doanh nghiệp nội gặp khó khăn trong khâu nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là trong bối cảnh không được nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan như trước. Thêm vào đó, Việt Nam cũng còn yếu về logistics, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức thị trường… Tuy nhiên, một lợi thế lớn của nhà sản xuất giày Việt là chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thời gian qua có hiệu quả rất đáng kể, bước đầu đã tạo được ý thức chuộng hàng Việt của người tiêu dùng trong nước. Dù đã đăng ký độc quyền về nhãn hiệu ở hơn mười nước khác nhau và bắt đầu có sản phẩm bán tại một số nước, Prowin vẫn xác định nội địa là thị trường chính cần tập trung đầu tư vì doanh nghiệp nội hiện đã có thêm lợi thế sân nhà để cạnh tranh.
Lãnh đạo Prowin cho biết: “Trong tổng chi phí sản xuất một đôi giày, thì chi phí nguyên phụ liệu chiếm 65%, các chi phí khác chỉ chiếm khoảng 25%. Để sản xuất được những đôi giày chất lượng với giá tốt, chúng tôi luôn cố gắng đổi mới liên tục để tăng năng suất. Chẳng hạn như thay máy may thường bằng máy may điện tử, tiết kiệm lao động thủ công, hơn nữa lại không cần công nhân tay nghề cao mới thực hiện được”.
Các chính sách động viên nhân viên học hỏi, cải tiến máy móc trong công ty cũng tỏ ra có hiệu quả trong sản xuất giày thể thao. Có những cải tiến nhỏ mang lại hiệu quả lớn nhờ sự tìm tòi của nhân viên. Gần đây, Prowin chứng kiến một cải tiến về máy luyện cao su kín do một nhân viên trong xưởng đưa ra, giúp cho thời gian luyện một mẻ cao su giảm từ 1 giờ xuống chỉ còn 10 phút, giúp tiết kiệm rất nhiều điện mà mạch phân tử cao su không bị phá hủy do luyện ở nhiệt độ cao trong thời gian dài. “Bất cứ cải tiến nào trong công ty cũng đều được thưởng tiền, đó là cách chúng tôi khuyến khích nhân viên sáng tạo. Theo kinh nghiệm của tôi, các ý tưởng cải tiến từ ban giám đốc đưa xuống thường không hiệu quả bằng các ý tưởng đưa ra từ nhân viên. Vì họ là những người trực tiếp làm việc trong nhà máy nên hiểu rõ từng công đoạn sản xuất, hơn nữa, họ đề ra nên họ thực hiện tốt hơn sự áp đặt từ những người lãnh đạo”, ông Nguyễn Quang Vũ kết luận.
Người theo đuổi thương hiệu giày thể thao Việt cho biết ông đã nhiều lần làm việc với đội chống hàng giả, hàng nhái một cách quyết liệt nhưng vẫn không thể giải quyết được vấn đề này. Chính vì vậy, đội ngũ của ông chọn cách giải quyết là làm sản phẩm chất lượng hơn, đồng thời xây dựng hệ thống đại lý uy tín nhằm giúp cho sản phẩm giày Việt đến được với nhiều người Việt hơn.