Bà xã than thở: “Ra Hà Nội, điều thú vị nhất là… ăn quà vặt, thì lại chẳng bao giờ được ăn”. “Ai cấm bà? Tiền để ăn quà vặt thì đâu có thiếu?”.
Có ai cấm đâu. Chính là… bà con họ hàng cấm. Họ săn sóc kỹ quá, ai cũng mời cơm, phải… xếp lịch đi ăn, còn bụng đâu mà ăn quà vặt? Mà nghe nói, Hà Nội có quá trời thứ ngon. Phở phải xếp hàng, tự bưng bê lấy, không có cảnh ngồi đó cho họ phục vụ. Quán hàng nhỏ, khách đông, chan húp xì xụp trong cái nóng lạnh của thời tiết mới ngon. Chứ mấy khi có phở máy lạnh.
Xôi nữa, đủ loại, nếp Bắc dẻo thơm, rẻ vô cùng, có khi chỉ chục ngàn là no căng. Chả cá, bún chả, bún ốc riêu cua, bún thang truyền thống. Những món tân tiến sáng tạo màu mè thì có đầy trên tivi trong các cuộc thi Master Chef với những thành viên giám khảo ở nước ngoài về, rất “có vấn đề” với tiếng Việt nên phải nói tiếng Anh.
- Xem thêm: Xã hội… ăn vặt
Hoặc muốn sang trọng xin mời vào các khách sạn lớn chỉ toàn đại gia mới dám vào, người bình dân không dám ngó.
Thế nên, thức ăn ngon bá cháy đầy đường, đi đâu cũng gặp, dại gì không ăn. Mặc kệ cho thiên hạ chê bai tinh thần dịch vụ thiếu chuyên nghiệp, thức ăn ngon nhất vẫn hấp dẫn và thỏa mãn bà con. Chỉ ước gì, thực phẩm không “chất độc nhiều nhất thế giới” (để cho ung thư cũng nhiều nhất thế giới), thì mới gọi là hoàn hảo. Lúc đó thì, không có chịu thua… “ông Tây” nào hết.
“Thế bà ở Sài Gòn không có thức ăn hay sao mà phải mơ ra Hà Nội ăn quà?”. Hỏi câu này làm bà xã “bùng nổ” liền: Trời ơi cái ông này, sao lại hỏi câu hỏi tệ quá vậy, mỗi miền có thứ khác nhau đặc sắc chứ. Ông thử đến cổng các trường học xem, họ cũng chia đẳng cấp và nghiên cứu “khách hàng mục tiêu” rõ ràng. Tiểu học có bim bim, bánh ngọt thơm lừng, đại học có bánh tráng trộn, chả cá viên, xôi chiên phồng…
Cho nên, ra Hà Nội là món truyền thống, là có các ông mặc comple đi giày tây đứng xếp hàng vỉa hè, đứng mút kem Tràng Tiền tại chỗ, Sài Gòn làm gì có cảnh đó…
Thử dạo một vòng quanh phố đi bộ quận Nhất mà xem, bây giờ không thể ngồi tràn ra đó bán vặt thì “cải tiến” phương thức kinh doanh rất hay, họ có xe đẩy, xe máy, xe đạp chở các thùng quà nhỏ cơ động, muốn ăn gì cũng có. Các nhân viên văn phòng có thể gọi cơm trưa, xe máy đưa cơm phóng ào ào.
Chẳng vậy mà rất đông ông Tây bà đầm “balô” lê la vui thâu đêm ở các phố đi bộ, phố Tây, uống bia nhảy nhót và ca ngợi “Nền kinh tế hậu thuộc địa” vui vẻ quá, rẻ quá, người dân vui quá.
- Xem thêm: Ăn… suốt ngày
Tây còn ca ngợi người dân ở đây biết “cụ thể hóa ước mơ” của mình. Ví dụ như họ chỉ mong đủ sống, nuôi con cái đi học. Tây còn ngạc nhiên vì dân ở đây… nuôi cả cha mẹ (chứ ở nước họ thì không nhé, đi du lịch tứ xứ, mấy năm mới tạt về thăm thôi)…
Sau khi “ngợi ca cả cái… tiêu cực” thì bà xã nói, nền kinh tế nước nhà “li ti quá”. Bả còn dẫn ra mấy số liệu như thu nhập đầu người vào nhóm cuối bảng thế giới, xếp 123/182 quốc gia. Ô nhiễm thì 102/124 gần đội sổ, chỉ số sức khỏe, y tế 160/190…
Số liệu do các nhà kinh tế đưa ra trong hội thảo đàng hoàng. Trong đó có người đã phát biểu – báo đăng hẳn hoi: “Tồn vong dân tộc ở vào thế nguy hiểm hơn bao giờ hết”.
Vậy mà các ông Tây và cả dân ta cứ mê cái “nền kinh tế quà vặt li ti” này, kể cũng lạ.