Có lần, bà quan chức kia thắc mắc, không hiểu sao bà con cứ thích ăn… vỉa hè. Bụi bặm, thực phẩm không rõ nguồn gốc, tẩm ướp thơm lừng lên, đồ thiu đồ độc ai biết được.
Mọi người cười chê bà quan chức quan liêu không hiểu gì đời sống người dân mới hỏi thế. Tại vì nghèo, ăn vỉa hè cho rẻ chứ còn sao nữa. Nhưng bà xã tôi lại cãi: “Có một sự bí ẩn ở đây. Không chỉ người nghèo ít tiền mới phải ăn hàng rong, ăn vặt, ăn… vỉa hè đâu”.
Ở Sài Gòn, ai mà nhịn cho được khi chiều đến, bụng đang đói mà thử đi qua phố Nguyễn Thượng Hiền xem. Cứ gọi là “chuyên đề ốc” đủ thứ hấp dẫn, thơm mùi lá chanh, gừng, cay chua mặn xuýt xoa với những miếng ốc giòn béo đậm đà.
- Xem thêm: Ăn… suốt ngày
Chẳng còn ai sợ cái câu “Ăn ốc nói mò” nữa, quên béng từ lâu rồi. Bây giờ có bác “Gu gồ” (Google), sợ gì không biết mà phải nói mò. Đến đi thi “Ai là triệu phú” kia có gì không biết thì đã có người trợ giúp ngồi nhà bật sẵn “Gu gồ” lên. Câu nào ngắn gọn, gõ bàn phím kịp tìm ra câu trả lời là hơn thua nhau có khi cả chục triệu đồng…
Thế nên cứ chén ốc. Liệt kê đồ ăn vặt là mệt đây. Bánh xèo, bánh bèo, bò pía – Chè xôi cóc ổi mía ghim – Bánh tôm, bột chiên, cá viên – Đu đủ, bò khô, bì cuốn… Không chừng làm thành bài thơ dài cũng chưa hết món. Học trò giờ giải lao ngửa cổ thả vào miệng những sợi bánh tráng trộn dài dài cay xè.
Mà cứ đến cổng các trường học xem, cả đại học chứ không chỉ trường tiểu học. Một ông có chiếc xe đạp, trên xe là cái hòm kính, những viên xôi chiên bé bằng cái nắp lọ yến thôi, kẹp giữa ruốc chà bông và xịt nước béo, chỉ vài ngàn đồng cũng tạm no. Kiếm tiền nhặt bạc cắc thế mà cũng ổn.
Mà thiên hạ bây giờ ăn rào rào, ăn vặt cả xã hội. Ông quan lớn hay bà nhà giàu cứ việc chui vào nhà hàng Nhật, Hàn, ngồi bệt trên sàn nhưng có một cái khoảnh như lỗ lớn thòng chân xuống thoải mái, bụng bự khỏi lo. Vài người hết vài triệu đồng cái vèo. Còn dân ít tiền (hoặc không ít tiền nhưng theo khẩu vị) thì ra quán, gì cũng chiều được.
Nghe nói bây giờ dân mạng đưa những tin lạ, thí dụ thời buổi hàng quán la liệt chẳng thiếu thứ gì, vậy mà có hàng bánh tráng trộn ở Sài Gòn, chiều đến là người mua… xếp hàng dài, phải phát số như… vào khám bệnh vậy.
Rồi một hàng xôi ở Hà Nội phải treo biển “Nói khẽ, để xe gọn”. Chắc là gọi mua khản cổ. Xôi Hà Nội nếp Bắc ngon khó cưỡng, chỉ năm ngàn đồng mà bằng một… nồi xôi nhỏ cho cả nhà. Mỗi sáng bán cả tạ, hơn tám giờ là quang gánh ra về, bận rộn… đếm tiền.
Từ đại gia, các cô mắt xanh mỏ đỏ váy đầm đi xe tay ga dân văn phòng cho đến trẻ con, nam thanh nữ tú, tất cả đều ăn quà roàn roạt, mút ốc xoàn xoạt, kéo nhau hàng loạt. Khổ, cái gì cũng thành thơ.
Mà vào quán ở Hà Nội còn nghe đối đáp chủ – khách vừa vui vừa rất thời sự, cứ như chị gái thân tình mắng em trai (Còn chả hay dồi rán không chị gái ơi – Mày vào hàng bún đậu để ăn bún hay ăn chả? – Có thêm cho đồng bộ, đỡ mang tiếng ăn chay ngủ mặn, người đẹp ạ – Vớ vẩn. Đầu óc đang nóng chuyện Biển Đông, ai rán chả cho mày?).
Ăn xế ăn vặt cho đã đời rồi mới về nhà. Bấy giờ mới chết bà nội trợ. Đi chợ toan tính, tiết kiệm, xoay đổi đủ món, nhưng mà đám thực khách ở nhà… không chịu ăn. Sách vở thi nhau dạy nấu ăn, vén khéo.
Hôm nay cá mai phải thịt, trứng rau đậu, xay quả làm nước uống, thôi thì đủ cả. Biến hóa như phù thủy, nhưng không tài nào làm cho cái đám bụng đã lưng lửng thấy ngon được.
- Xem thêm: Thái độ… ăn…
Có người nói, phải phong người nấu ăn gia đình là… anh hùng. Là bởi, bà vật lộn thi đua với cả một… đất nước. Không tin thì hãy chỉ thử có chỗ nào không có quà vặt?
Đừng có cãi là miền núi xa xôi hẻo lánh, nơi trẻ con không có dép đi, làm gì có quà. Ừ, thì xứ ấy bà nội trợ sẽ cho ăn gì cũng ngon, như tích xưa cho vua ăn… mầm đá, vua khen rối rít, có biết đâu là bị bỏ đói quá, giờ ăn gì cũng ngon hết.
Thôi thì để khỏi ganh tỵ giữa các bà mẹ nấu bếp, cứ phong anh hùng tuốt. Một anh hùng biến không thành có (lo cho đủ có cái ăn), một anh hùng vác nồi xoong… đấu võ với một rừng quà vặt thật ngon… (lại vần như thơ rồi…).