Năng suất lao động là một trong những thước đo năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong quá trình hội nhập. Thế nhưng, trái ngược với nguồn lao động dồi dào chiếm đến 77% dân số, năng suất lao động Việt Nam đang ở mức thấp hơn nhiều nước tiên tiến trong ASEAN. Trong quá trình hội nhập AEC, tăng năng suất lao động là bài toán của Việt Nam để nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2014, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay chỉ bằng 1/2 Philippines, 2/5 Thái Lan, dưới 1/10 Malaysia và 1/18 của Singapore. Con số này cho thấy, Việt Nam chưa sử dụng hiệu quả đầu vào của nền kinh tế, trong khi chúng ta có nhiều lợi thế về nguồn lao động.
Nguyên nhân của sự yếu kém về năng suất lao động, bên cạnh chưa có sự đào tạo bài bản về nguồn nhân lực kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, còn có cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và chưa phát triển mạnh các ngành có năng suất lao động cao… Có thể thấy, các nước có năng suất lao động cao như Singapore, Nhật Bản là những nước chú trọng đến các ngành công nghệ đầu tư nhiều chất xám như chế tạo công nghệ cao, bảo hiểm, tài chính.
Ngoài ra, việc các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đầu tư công nghệ mới vào sản xuất, vận hành, quản lý… để giảm số lượng lao động, giảm thời gian sản xuất cũng là yếu tố khiến năng suất lao động thấp hơn các quốc gia tiên tiến.
Hiện nay, tám lĩnh vực nghề nghiệp mà người lao động được quyền di chuyển tìm việc làm sau khi AEC hình thành gồm: kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch. Việc đào tạo lao động theo hướng bài bản và tập trung vào những ngành nghề mũi nhọn này để gia nhập AEC đã được nhắc đến trong bài trước, nhưng việc quan trọng hơn là nhà nước cần có sự đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, công nghệ… cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó, cần chú trọng đến những lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ cao và giá trị gia tăng cao hơn như: Công nghiệp phụ trợ, phát triển CNTT, ngành tàu thủy, công nghệ chế biến và công nghệ chính xác…
Lao động không có kỹ năng sẽ không được di chuyển tự do, cho nên quy định về di chuyển tự do lao động có kỹ năng giữa các nước ASEAN tạo ra một phân khúc thị trường lao động khá hẹp và có sự sàng lọc đáng kể đối với lao động di chuyển. Với quy định này, lao động thiếu kỹ năng ít có cơ hội tìm việc làm ở các nước ASEAN và đây là áp lực buộc phải đổi mới quá trình đào tạo tay nghề, trang bị kỹ năng cũng như đổi mới hệ thống giáo dục, đào tạo theo đúng yêu cầu của thị trường lao động ASEAN. Trong dài hạn, chắc chắn có sự chuyển dịch lớn trong cơ cấu lực lượng lao động, đặc biệt là khả năng tăng tỷ trọng lao động qua đào tạo của các nước ASEAN.
Vấn đề quản trị để sử dụng hiệu quả nguồn vốn cũng là một yếu tố quan trọng để tăng năng suất lao động cho nền kinh tế. Tại diễn đàn CEO Forum 2015 vừa diễn ra 24-9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, chính phủ có thể tạo ra các thể chế và tạo môi trường ổn định cho nền kinh tế, tuy nhiên doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu thị trường, xác định vị thế, năng lực cạnh tranh của mình để có chiến lược đúng trong việc đi nhanh hay đi chậm. Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại là hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều thiếu hụt kỹ năng định vị cũng như thiếu tầm nhìn chiến lược lâu dài.
Thị trường AEC đang mở ra cơ hội cạnh tranh cho tất cả các nước ASEAN mà năng suất lao động sẽ là một yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư. Tăng năng suất lao động luôn đi kèm với việc trang bị thiết bị kỹ thuật công nghệ đòi hỏi doanh nghiệp có vốn đầu tư cũng như một tầm nhìn đủ dài. Để rút ngắn khoảng cách về năng suất lao động với các nước trong khu vực, hẳn Việt Nam cần có một thời gian nữa nhưng chính sự chủ động của các doanh nghiệp sẽ giúp quá trình này ngắn lại.
– Tổng hợp