Khi gặp những người mới đến Việt Nam công tác, câu hỏi thường nảy ra trong đầu tôi là: “Tại sao bạn lại đến Việt Nam?”. Tôi nhận được vô số câu trả lời khác nhau. Lý do của riêng tôi thì hơi cá biệt, chỉ đơn giản bởi anh trai tôi làm việc cho một công ty đa quốc gia tại Việt Nam và tôi quyết định sang đây cùng với anh mình. Một cuộc khảo sát gần đây của HSBC cho biết, Việt Nam nằm trong 10 điểm đến dẫn đầu thu hút các chuyên gia lao động xa xứ. Trong bài viết này, tôi cố gắng lý giải điều gì đã thu hút người lao động nước ngoài đến Việt Nam.
Điều đầu tiên mà cũng là điều rõ ràng nhất, đó là cơ hội kiếm tiền. Lương ở Việt Nam không cao như những quốc gia khác nhưng mức chi tiêu ở đây lại thấp. Điều này giúp cho người nước ngoài tiết kiệm được khá nhiều. Nhiều người nước ngoài đến đây với những hợp đồng làm việc kéo dài một, hai hoặc ba năm với mục tiêu dành dụm (nhưng cũng cần phải nói rằng không phải ai cũng đạt được mục tiêu này!). Nhiều công ty đa quốc gia sẵn sàng chi trả các khoản phụ cấp cho nhân viên đồng ý sang Việt Nam, ví dụ như trả tiền thuê chỗ ở, thuê tài xế, thanh toán vé máy bay khứ hồi thăm nhà, v.v… Một số công ty xếp Việt Nam vào nhóm những nơi làm việc còn “khó khăn”, điều này có nghĩa là nhân viên đồng ý sang đây sẽ được đề nghị mức lương rất tốt, thậm chí có thể hưởng chế độ hai lương. Lương thứ nhất được trả theo mức địa phương (vốn khá thấp), lương thứ hai trả theo mức ở nhà. Như vậy, những người đi làm xa sẽ có thể tiết kiệm 100% số tiền lương họ được trả ở nhà mà vẫn sống thoải mái ở Việt Nam.
Lý do thứ hai, gắn với việc được trả lương cao là việc họ có thể sống một cách khá “thượng lưu” ở Việt Nam. Những căn hộ, biệt thự cao cấp, nhà hàng sang trọng, những chuyến đi nghỉ ở các bãi biển nhiệt đới trong các khu nghỉ dưỡng năm sao,… là những thứ hoàn toàn trong tầm tay. Tất nhiên chất lượng cuộc sống không phải chỉ có vậy. Ở Việt Nam, họ phải chịu thua thiệt một số vấn đề như thiếu an toàn giao thông và ô nhiễm. Việt Nam có vẻ không phải là quốc gia ưu ái trẻ em lắm nếu so với các nước khác về mặt cơ sở vật chất dành cho trẻ em (ví dụ như công viên, khu giải trí…), và về các vấn đề khác như hình thức, chất lượng và giá cả giáo dục. Nhiều thanh niên nước ngoài ban đầu đến Việt Nam chỉ có ý định ở một thời gian ngắn nhằm gây dựng sự nghiệp rồi sau đó về nước lập gia đình. Tuy nhiên, có một số lại gặp người vợ tương lai của mình ở Việt Nam và quyết định chuyển từ việc cư trú ngắn hạn thành định cư.
Có một yếu tố khác khiến Việt Nam trở thành một nước thu hút lao động nước ngoài, đó chính là sự thân thiện của người địa phương. Người nước ngoài thích học tiếng Việt để giao tiếp và hiểu hơn về văn hóa Việt Nam. Còn nếu họ không có năng khiếu ngoại ngữ hoặc không có đủ thời gian học, họ có thể trò chuyện bằng tiếng Anh vì người Việt Nam nói tiếng Anh khá tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ. Ở Thái Lan cũng tương tự, nhưng ở Trung Quốc thì rất nhiều người nước ngoài phàn nàn rằng người địa phương không thân thiện và hầu hết không biết tiếng Anh, hoặc nếu có biết tiếng Anh, họ cũng giả vờ như không biết.
Với những lý do này, người lao động nước ngoài thích đến Việt Nam, nơi từng được xem là “hòn ngọc Viễn Đông”. Việt Nam cho đến giờ vẫn có vẻ còn khá bí ẩn, nhưng tôi có cảm giác là đất nước này sẽ sớm bùng nổ trong việc thu hút lao động nước ngoài. Điều này đương nhiên sẽ giúp Việt Nam có nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp hơn, đồng thời cũng giúp kinh tế phát triển và nâng cao vị trí của Việt Nam trên thế giới.
Lê Tâm dịch