Tôi chưa từng nghĩ gốm có thể hát. Cho đến khi nghe tiếng đàn tơ run rẩy vọng lên từ một chiếc bình đất nung cũ kỹ…
Ở một thành phố đầy bụi và tiếng còi, đêm diễn GOm Show giống như một giấc mơ đậm hương đất, dịu dàng chạm vào thính giác lẫn ký ức của người xem. Lần đầu tiên tại Việt Nam, một buổi trình diễn âm nhạc được dựng nên với các nhạc cụ chế tác từ gốm sứ – nghe qua tưởng như một trò chơi phù phiếm, nhưng thực ra là một tuyên ngôn nghệ thuật đầy can đảm.
Đằng sau “Gốm Show” là nghệ sĩ âm nhạc thể nghiệm Vũ Nhật Tân – người hơn hai thập kỷ qua vẫn bền bỉ khám phá những biên giới mới của âm thanh. Đồng hành cùng anh là các nghệ sĩ trẻ như Đỗ Trí Nghĩa, Đỗ Tấn Sĩ, Nguyễn Đức Minh… và đặc biệt là nghệ nhân Nguyễn Văn Học đến từ Bát Tràng – người đã thổi hồn cho những nhạc cụ bằng đất.

Chưa từng có ở Việt Nam – một buổi biểu diễn mà mọi nhạc cụ đều làm từ gốm. Sáo, mõ, trống, bộ gõ, kèn, cả nhạc cụ dây… tất cả được tạo tác từ một chất liệu vốn quen mà lạ. Một thử nghiệm vừa mạo hiểm vừa kỳ diệu.
Thật lòng mà nói, tôi từng hoài nghi. Gốm vốn mong manh. Làm sao gõ vào mà không vỡ? Làm sao ngân lên mà không chát chúa? Vậy mà, những tiếng rung nhẹ ấy lại vang lên như một lời thì thầm. Có lúc chênh chao như gió rừng, có lúc dồn dập như trống ngực giữa hoang mạc. Lúc lại trầm ấm như tiếng mẹ ru chiều.
Tôi thấy thương bàn tay của những người làm gốm. Bao nhiêu năm chỉ là cái bóng sau những bình vại âm thầm, giờ đây trở thành người đồng sáng tạo cùng âm nhạc. Và tôi cũng thấy xúc động vì những nghệ sĩ trẻ – những người dám chọn điều không ai chọn, dám tạo ra một cuộc đối thoại chưa từng có giữa đất và âm.

Ở đâu đó trong những nhịp phách phiêu du, tôi nghe thấy tiếng lòng mình. Là sự mong manh của thân phận, là chất liệu đời thường nay hóa thành nghệ thuật. Có khi là tiếng vỡ của một thời vụn nát, có khi là âm hưởng hồi sinh từ tro tàn.
“GOm Show” không phải chỉ là một buổi diễn – nó là một hành trình. Một cú chạm của nghệ thuật đương đại với di sản truyền thống. Một cuộc thử nghiệm đẹp đến ngỡ ngàng giữa âm thanh và thinh lặng, giữa chất liệu đất thô và những giai điệu hư vô.
Đêm đó, tôi không chỉ được nghe, mà còn được chạm.
Vào đất. Vào thời gian. Vào chính mình.