Thật bất ngờ khi báo chí trong một bài tường thuật phiên họp chiều 14-5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trích lời Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa nói rằng “suy thoái không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo”. Với trọng tâm là xem xét báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội năm 2012 và bốn tháng đầu năm 2013, phiên thảo luận có mặt khá nhiều quan chức của các bộ, ngành. Một trong số các nội dung gây thắc mắc nhất cho các đại biểu Quốc hội là theo báo cáo của Chính phủ, năm 2012 có một chỉ tiêu hoàn thành vượt mức là mức giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo đã giảm 7% so với con số 4% đã báo cáo Quốc hội.
Kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến cuộc sống của người nghèo
Băn khoăn về con số này, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói chưa cần đi thực tế, mà ngay trong báo cáo Chính phủ đã thấy mâu thuẫn rồi. Bởi tình hình chung là kinh tế thì khó khăn, chỉ tiêu tạo công ăn việc làm không đạt, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động ở mức cao, vậy mà hộ nghèo lại giảm, đó là chuyện lạ trong thời kỳ suy thoái.
Rồi đời sống của người dân, nhất là các đối tượng yếu thế, người nghèo, các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Được mời giải thích về sự mâu thuẫn này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho biết, tỷ lệ hộ nghèo được báo cáo từ địa phương lên, số liệu được rà soát hằng năm từ xã trở lên, mỗi xã có danh sách hộ nghèo của từng thôn. Ông thứ trưởng cho rằng những năm qua ngân sách gặp khó khăn nhưng nhìn chung các dự án, chương trình mục tiêu giảm nghèo đều được quan tâm bố trí kinh phí tương đối đảm bảo theo yêu cầu. Bên cạnh đó là các chính sách trợ giúp người nghèo mấy năm vừa qua đến thời điểm gần đây đã phát huy nhiều tác dụng hơn.
Lý do tiếp theo được ông Hòa nhấn mạnh là “theo các chuyên gia kinh tế thì lạm phát cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nghèo”.
Phát ngôn này làm chúng ta nhớ lại hồi năm 2008, khi cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra trên phạm vi toàn cầu, trong khi cả thế giới đều lo lắng thì một số “chuyên gia kinh tế” của chúng ta tuyên bố rằng “hãy yên tâm, Việt Nam sẽ không bịảnh hưởng đáng kể”. Kết quả ra sao trong mấy năm qua chúng ta đã nhìn thấy rõ. Và cả bộ máy điều hành kinh tế đất nước đã vất vả ra sao để chúng ta chống đỡ với tác động của kinh tế thế giới đang thời kỳ suy thoái.
Đáng tiếc, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội không cho biết rõ các chuyên gia kinh tếấy là ai, nhưng cứ theo các nguyên lý cơ bản trong nền kinh tế thị trường thì chúng ta có thể hoài nghi về sự hiểu biết và cách vận dụng của các chuyên viên vừa nói.
Thế nào là hộ nghèo? Theo quyết định ngày 30-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn hộ nghèo ở thành thị có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống.
Đây là mức chuẩn để căn cứ vào đó thực hiện các chính sách an sinh xã hội và chính sách kinh tế, xã hội khác cho giai đoạn 2011-2015 (tính theo tỷ giá hiện nay, mức này có nghĩa mỗi ngày chỉ có thể chi tiêu không tới 1 USD!).
Một nghiên cứu bỏ túi giúp chúng ta hình dung về mức sống 1 USD/ngày của hộ nghèo. Ba chén cơm trắng, đĩa rau muống luộc, nhúm thịt ba rọi kho mặn và tô canh rau lõng bõng, tất cả không quá 10.000 đồng. Đó là bữa ăn của một gia đình ba người sống hơn 30 năm tại phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM. Đây không phải là trường hợp cá biệt.
Chỉ riêng với bữa ăn hằng ngày, rất nhiều thị dân Sài Gòn đang phải vật lộn với bài toán mua gì, ăn gì, thậm chí tính cả chuyện đi chợ càng trễ càng tốt vì lúc người ta chuẩn bị dọn hàng thì giá rẻ hơn.
Theo kết quả điều tra của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2012 cả nước có 2.149.110 hộ nghèo (9,6%) và 1.469.727 hộ cận nghèo (6,57%) trong tổng số 22.375.863 hộ dân.
Khu vực miền núi Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất với 28,55%, tiếp đến là miền núi Đông Bắc (17,39%), Bắc Trung bộ (15,01%), Tây Nguyên (15%), duyên hải miền Trung (12,2%), Đồng bằng sông Cửu Long (9,24%), Đồng bằng sông Hồng (4,89%) và khu vực có tỷ lệ thấp nhất là Đông Nam bộ chỉ có 1,27% hộ nghèo.
Sáu tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất (dưới 2%) là: TP.HCM (0,00033%), Bình Dương (0,0015%), Đồng Nai (0,91%), Đà Nẵng (0,97%), Hà Nội (1,52%) và Bà Rịa – Vũng Tàu (1,71%). Ngược lại, vẫn còn 13 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% đến dưới 40%, như Điện Biên (38,25%), Lai Châu (31,82%), Hà Giang (30,13%), Yên Bái (29,23%)…
Số liệu này là cơ sở để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách kinh tế, xã hội khác năm 2013.
Một câu hỏi cần làm rõ: Thế nào là suy thoái? Suy thoái kinh tế là sự tụt giảm hoạt động kinh tế trên cả nước kéo dài nhiều tháng. Suy thoái kinh tế còn liên quan đến sự suy giảm đồng thời của các chỉ số kinh tế như việc làm, đầu tư, lợi nhuận doanh nghiệp. Các thời kỳ suy thoái kinh tế có thể đi liền với việc hạ giá (giảm phát) hoặc ngược lại là giá cả tăng nhanh (lạm phát), tình trạng thất nghiệp, mức độ hấp thu đồng vốn thấp của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Vậy thì lẽ nào hàng triệu hộ nghèo của chúng ta không bị tác động bao nhiêu trong tình hình suy thoái.
Suy thoái kinh tế khiến nhiều người thất nghiệp, thu nhập giảm đi và việc chi tiêu sẽ phải thắt chặt lại. Đó là xu hướng tiêu dùng tất yếu phản ứng lại với suy thoái kinh tế. Trong tình hình kinh tế khó khăn, người nghèo với thu nhập thấp chắc chắn phải khó khăn hơn những người khá giả. Một cân thịt tăng giá 5.000 đồng sẽ rất ảnh hưởng đến thu nhập 3 triệu đồng một tháng của anh chị công nhân nghèo, còn đối với người thu nhập 30 triệu đồng một tháng thì giá thịt tăng chẳng ảnh hưởng bao nhiêu. Chi tiêu thắt chặt lại trong các hộ nghèo làm sao không ảnh hưởng đến sức khỏe, chuyện học hành của con cái.
Các chuyên viên thường nói rằng giảm lãi suất không quan trọng bằng đưa vốn vào nền kinh tế mà điều này hiện rất thấp. Tăng trưởng dư nợ tín dụng chỉ đạt 0,03% trong ba tháng đầu năm 2013. Nguyên nhân là do doanh nghiệp không có khả năng hấp thu đồng vốn dẫn đến tình trạng dở sống dở chết. Cả nước có 69% doanh nghiệp báo lỗ, 100.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc phá sản. Hậu quả là số người không có việc làm tăng thêm. Vậy là khó khăn lại chồng chất cho các hộ nghèo.
Qua phát biểu của ông Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề cập đến trong phần đầu bài viết này, chúng ta có thể thấy thông tin màu hồng trong khâu quản lý số liệu vẫn còn là căn bệnh trầm kha có khả năng khiến công tác kế hoạch ở cấp vĩ mô có thể xa thực tế. Đây là điều cần sớm được khắc phục.
Xuân Phát