Này, có nhà giáo dục, một tiến sĩ Mỹ muốn biết vì sao Việt Nam là một nước nghèo, mà khảo sát hệ số thông minh khoa học chuẩn thế giới, chỉ số PISA của học sinh lại rất cao.
Một vị bộ trưởng nói, lý do là các bậc cha mẹ Việt có thể bán nhà cửa ruộng vườn cho con đi học. Sự học của con cái đối với cha mẹ Việt là thiêng liêng nhất. Chuyện này khó có xứ sở Âu – Mỹ nào có được.
Nghe đến đây, cô vợ “bùng nổ” liền: Vô lý. Nước người ta không cần bán nhà cửa gia tài thì con mới được đi học. Sự đi học là bình thường. Con nhà mình mất một đống của cũng chỉ để đứng xếp ngang hàng với họ thôi. Không phải yếu tố để vượt trội hơn họ. Mà ngược lại, biết đâu đó lại là điểm yếu của mình.
Giống như trong cuộc thi chạy, “anh chạy hết hơi mới đến được chỗ tôi đứng chơi ung dung”. Điều đó chẳng lý giải gì chuyện tài năng. Họ không chỉ học, mà biết chơi đàn từ nhỏ, chơi thể thao, đi du lịch, mở mang văn hóa lịch sử, nghệ thuật, đâu chỉ “chúi vào học toán”?
- Xem thêm: Không có đường “đi tắt đón đầu”
Hay là do “xót của” và quyết tử học hành nên giỏi?
Nhưng có phải cứ chăm là được đâu? Còn phải có thông minh, thiên tài, thiên bẩm gì đó nữa kia mà. Thiên hạ ai cũng biết, giải thích thiên tài 99% là do lao động mà. Học sinh Việt học chăm, “lao động” nhiều hơn nên giỏi phải rồi.
Các nhà nghiên cứu, các giáo sư nước ngoài thì phân vân, hay là do giáo viên Toán của Việt Nam dạy giỏi?
Thường các nước tiên tiến như Phần Lan, họ ưu tiên chọn người giỏi vào Sư phạm. Có số liệu hẳn hoi nhé: Phần Lan chọn 10% số người giỏi để thành giáo viên. Hàn Quốc chọn 20%…
Nhưng giải thích sao ở Việt Nam có câu “Chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm”? Vậy lấy đâu ra nhiều thầy giỏi hơn họ? Rồi còn bao lời chê thầy cô dở, tiến sĩ đầy đường mà chẳng hiểu gì văn hóa, chẳng có công trình khoa học, mù ngoại ngữ…
Càng phân tích, càng thấy nhiều khó hiểu.
Mà xin thành thật trả lời xem, học sinh Việt Nam có thật là ham học? Cứ hỏi các thầy cô thì biết. Cứ vào các lớp đại học thử coi? Nếu là người học đại học cách nay vài chục năm thì sẽ nói, làm gì có cảnh đó?
Cảnh gì? Vừa nghe giảng vừa lướt điện thoại smartphone (mà cha mẹ nào cũng cho con sắm đồ xịn nhiều tính năng, nhắn tin, lướt web, lên phây, đủ cả). Có cô cậu trò chuyện râm ran, người ngủ gục. Đi muộn thường xuyên. Bày đồ ăn ra bàn húp xì xụp…
Rồi đổ tất cả cho giảng viên, cho nền giáo dục tồi tệ. Mà không biết một yếu tố quan trọng làm nên giáo dục còn là người học nữa. Người học không muốn học lý thuyết nền, chỉ muốn học thao tác, tức là muốn làm thợ. Không học thì lấy đâu ra hiểu biết, lấy đâu ra sáng tạo, ra ý tưởng.
À, có vẻ tìm ra lý do đến nơi rồi.
Có người nước ngoài là nhà nghiên cứu tâm lý nhận xét: Bệnh nặng nhất ở Việt Nam là bệnh “Muốn liền”, cái gì cũng muốn hiểu xem có mánh gì, chụp giựt, “đi tắt đón đầu”, thật nhanh, ít học, giàu nhanh. Lại có câu đáng ghét nhất “Làm giàu không khó”, nghe cứ… gian gian, sai sai thế nào đó.
Thời đại công nghệ, cạnh tranh khốc liệt. ùng một vạch xuất phát chạy thi, nếu anh chỉ biết “thực hành động tác” trong khi người bên cạnh nghĩ ra cái máy có thể sai cả nghìn kẻ làm cái động tác đó, để họ còn rảnh đầu sáng tạo tiếp, thế là anh thua. Thời đại bình đẳng đứng trước các phần mềm như nhau, một ý tưởng có thể có cả triệu người thao tác phần mềm, cho nên ai có cái đầu nghĩ ra ý tưởng mới “ăn tiền”.
Mà ta chỉ thích cụ thể ăn liền khỏi nghĩ khỏi mệt. Vậy chỉ có “mánh gian” thôi, vì kiến thức có chịu học đâu.
- Xem thêm: Con không học cái nghề… thất nghiệp
Đó, vậy tạm coi ta ít tư duy sáng tạo, chỉ khôn lỏi mánh mung. Nhà giàu thế giới do sáng tạo ra công nghệ, thiên hạ chạy tới lạy xin mua. Nhà giàu xứ ta nhờ ăn may, quan hệ, trốn thuế, chẳng làm ra giá trị mới nào cho xã hội. Mà quảng cáo rùm beng, “lừa các kiểu” để người ta mua. Phải thế không?
Cứ thế là cãi nhau mãi không tìm ra cái gốc nào khiến học sinh Việt xếp Top 10 thế giới. Môn Toán thì bỏ Mỹ thua xa.
Thế mới khó. Ai có lý giải cao kiến gì hơn không, chứ giờ thì cuộc “cãi nhau, lý giải” vẫn chưa có lời đáp. Cả Tây cả ta còn giải chưa ra. Coi chừng, khó như… bổ đề Langlands của Giáo sư Ngô Bảo Châu.