Đó là lời của các cô cậu học trò trước khi tham dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua, trả lời khi bố mẹ hỏi xem, sẽ chọn học nghề gì. Nhưng học gì cho khỏi… thất nghiệp đây?
Xưa nghề “hot” là tài chính – ngân hàng, quản trị kinh doanh. Nay thì “nhận ra” quản trị kinh doanh là nơi đào tạo nghề… làm sếp, có chết không! Vì bản chất quản trị, quản lý là nghề làm sếp, mà lấy đâu ra mỗi năm mọc hàng ngàn doanh nghiệp, cơ quan mới để đón hết lứa này đến lứa kia ra trường? Con mình chỉ muốn học lấy một nghề mai mốt làm “lính”, làm thuê kiếm sống chứ ai nghĩ đi làm sếp đâu trời?
Còn nghề “hot” ngân hàng sang chảnh lương cao, nay cũng đang gặp khó. Đấy là chưa kể, người ta tính tới cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có một số nghề biến mất do máy móc thay thế, trong đó có nghề nhân viên ngân hàng.
- Xem thêm: Nhà nào cũng thế
Biết tính sao đây, làm sao đoán trước, vì học một nghề cũng 4-5 năm chứ đâu ít, trong khi mình đang học thì thời thế đã thay đổi.
Nhưng các cô cậu chỉ dựa vào thực tế hiện nay, vào các đợt tuyên truyền của các trường đi tuyển sinh chứ biết dựa vào đâu, làm gì có ai hướng nghiệp đàng hoàng, con người được lựa chọn theo sở trường năng khiếu của mình từ nhỏ đâu mà biết?
Thế nên các bạn ấy đồn nhau. Ngay trong trường phổ thông cũng đã lười học Văn – Sử rồi. Những nghề này dễ… thất nghiệp lắm.
Bàn đến đây thì người vợ là giảng viên đại học kể cho chồng con nghe:
“Bữa nay ngồi Hội đồng lễ Bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, một sinh viên chọn đề tài về Kế hoạch truyền thông cho việc nâng cao nhận thức cho học sinh về học môn Văn – Sử tại Trường THPT tỉnh Bắc Giang.
Mọi người “xà quần” với phân tích lý do học sinh không thích học Văn – Sử (nào là trường nọ khi công bố không thi Sử là học sinh ném tài liệu ôn tập Sử trắng cả sân trường. Nào là học ra không xin được việc làm, các số liệu thống kê bao nhiêu…).
Để “giải lao” cho bớt căng thẳng, em liền đứng dậy nói vui: Chẳng cần xa xôi. Nhắn các em ấy là, nếu không coi trọng Văn – Sử, không coi trọng văn hóa, rèn luyện con người hiểu biết và có tâm hồn, thì lớn lên thành… Lê Văn Luyện. Nó cũng gây án giết cả một gia đình ở Bắc Giang đó.
Mọi người cười ồ. Sâu sắc hơn, thầy chủ tịch hội đồng tiếp lời: Thành thằng Luyện gây hại rồi. Mà có khi thành quan chức vẫn… vô văn hóa thì hại cho xã hội biết bao nhiêu…”.
- Xem thêm: Con ta ngày càng… không khát vọng?
Nói đến văn hóa, kiến thức nền và lối sống, thì các cô cậu… chán liền. Là bởi đây đang quan tâm nghề gì cụ thể, PR hay Marketing, làm Digital, làm MC, vào giới “sâu bít” này nọ mau nổi tiếng, nhiều tiền kia, chứ cái thứ “học nữa, học mãi” nghe nản lòng và cũ kỹ làm sao.
Bây giờ thiếu gì ông tỉ phú không học hành kiểu chính thống, Bill Gates đấy, bỏ đại học nhé. Bây giờ phải “đi tắt đón đầu”. Không cần hệ thống. Hệ thống kiến thức, lâu lắm, để học… sau.
Vậy có cái nghề gì không cần học, nhanh nổi tiếng và giàu sụ không? Có nghề gì bảo đảm ra trường không thất nghiệp không? Sao chẳng thấy ai quảng cáo cái này nhỉ… Rồi lại trách thanh niên là không tìm hiểu kỹ…