Trong thế giới đầy cạnh tranh và thách thức này, không có con đường “đi từ từ trật tự” cho người bình thường nữa hay sao ấy. Cái gì cũng phải “khủng”, ca hát là phải “đâm thẳng vào trái tim” người nghe. Tài năng là phải như Ánh Viên tới gần chục huy chương vàng. Còn vô danh đi thi hát thì phải như cậu trai 18 tuổi khiến giám khảo Đàm Vĩnh Hưng phải dập đầu… lạy, hoặc là hỏi, “ai cho phép em hát hay thế” và chú ấy trả lời “Em không biết ạ”. Xem tivi mà tỉnh cả người.
Rồi chú bé Đỗ Nhật Nam nữa, thành công cỡ đó ở xứ Mỹ, khiến bao nhiêu ông bố bà mẹ trẻ siết chặt hơn nữa lịch học của con cái, mơ gửi con đi học nước ngoài, cho trở thành siêu nhân, thần đồng. Thời buổi người khôn của khó này, thời đại ầm ĩ này, ai “hét to” thì người khác mới nghe thấy.
Cái gì cũng phải bất thường như những… cái tít báo. Thí dụ “Thói mất dạy… tràn lan Hà Nội”, hoặc một ông bà nào đó nói năng kiểu đổ cho dân trí thấp nên không cần dân chủ, không chấp nhận luật im lặng của người bị bắt.
Cái gì cũng giật tít cho nhảy nhổm lên. Chẳng thế mà có chuyện Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói với các nhà báo rằng: “Hôm nay tôi không có gì để… giật tít”. Và ông nói theo quan niệm của ông thì “Chìa khóa của nghệ thuật làm chính trị, một phần nằm ở cách không trở thành tiêu đề cho báo chí thế giới”.
- Xem thêm: Cái gì cũng khủng
Khổ vậy đó, người vô danh chỉ muốn báo chí giật tít cho mau nổi, còn ông nổi tiếng lại nói hôm nay tôi không có gì để… giật. Ai biết đằng nào mà lần. Giống như ông giàu có rồi là nói tha hồ, kiểu “không có gì là không thể”.
Trong khi người nghèo thì thấy khó trăm bề. Có ông nói “kiếm một ngày năm chục triệu đồng ở Sài Gòn không khó”, trong khi “trời đất ơi, bán vé số rạc cả chân cẳng, mơ trăm ngàn đồng may ra…”.
Đời loạn xạ thật. Mới hôm nào ca ngợi sách tu thân kiểu Đắc nhân tâm, tủ sách dạy “nghĩ giàu làm giàu”, kỹ năng quản trị bản thân này nọ. Chưa kịp học xong thì đã có ông kêu lên: Sự khốn cùng của tư duy triệu phú. Những ông ngày xưa dạy cách làm sao làm việc ít đi mà thu nhập vọt lên, nay bị phê là chỉ dạy người ta ích kỷ. Dạy người ta mưu mẹo, nông cạn, không nghĩ gì đến cộng đồng và xã hội, vân vân và vân vân.
Có ai đó đưa ý kiến phê phán cho bà mẹ trẻ đọc, cô ấy nói, thôi, đừng có nghe mấy ông xui dại. Thời này ai không nghĩ đến mình. Các sách viết như status trên Phây (Facebook) in thành sách, viết đúng tâm lý người trẻ, muốn vạch mặt cái xã hội làm khổ người trẻ, lấy mất của họ tuổi thanh xuân lấp lánh…
Vậy mà lại xúi là “đừng có cá nhân” thì ai nghe. Các cô gái bây giờ được thấy các tấm gương phải cá tính, chua ngoa còn hơn “Thánh bóc”, phải giật được đại gia ngay đêm đầu đã tặng nhẫn kim cương. Muốn “gặp” cô thôi là chi hai chục ngàn đô, gần nửa tỉ đồng, bằng cái nhà cả mấy đời của dân nghèo.
Mọi sự cứ “trắng bệch” ra giữa ban ngày thế mà cứ khuyên phải rèn luyện, khiêm nhường và nghĩ đến cộng đồng với lại xã hội.
- Xem thêm: Người ngày xưa tốt?
Một chuyên gia Việt kiều về nước làm việc, hay dự các diễn thuyết chia sẻ cho tuổi trẻ. Ông nói về các phẩm chất để thành công như say mê, chăm chỉ, vượt khó này nọ. Nghe vậy, một chàng trẻ tuổi đứng dậy hỏi xem ông có bùa phép gì “đi tắt đón đầu” không, chứ mà lao động với học hỏi… vậy thì mệt quá, nản quá…
Một thời lao vào sách dạy làm giàu, kỹ năng, sự khôn lanh Do Thái giỏi giang. Nay “đùng một cái”, người ta lại chê học thói ích kỷ.
Mà nói cho cùng, về cái sự khôn lỏi, thì dân ta vượt… Do Thái từ hồi nào không hay. Cái gì cũng nhất thế giới rồi còn gì.