Vài năm gần đây, cứ vào dịp tháng 10, tháng 11 Hà Giang đã trở thành điểm check-in phải đến không chỉ của các phượt thủ chuyên khám phá các điểm đến mới mà cả những bạn trẻ, dân văn phòng hay người dân khắp mọi miền đất nước. Bởi Hà Giang không chỉ có nhà vua Mèo Vương Chí Sình, phiên chợ lùi Sà Phìn, công viên đá Đồng Văn – được xếp hạng công viên địa chất toàn cầu, mật ong mùa hoa bạc hà, cổng trời Quản Bạ, đèo Mã Pí Lèng… mà còn có hoa tam giác mạch bé bé, xinh xinh màu hồng hồng, tim tím, những yếu tố đã đưa địa phương này chiếm vị trí quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Chúng tôi, những du khách phương Nam nắng nóng quanh năm đã rất háo hức và vô cùng thú vị khi cách đây bốn năm được đến Làng văn hóa Lũng Cẩm ở xã Sủng Là, Đồng Văn, nơi từng là bối cảnh phim Chuyện của Pao của đạo diễn Nguyễn Quang Hải với ngôi nhà của cô Pao mang nét truyền thống đặc trưng của người Mông. Hai bên đường dẫn vào cổng làng văn hóa, hoa tam giác mạch đang vào mùa nở rộ, lung linh trong nắng giữa tiết trời mát lạnh.
Điểm xuyết trên con đường vào nhà Pao là những em bé, cụ già trong bộ váy rực rỡ của người Mông khiến chúng tôi cũng như những du khách đang tấp nập đổ về bấm máy ảnh không ngơi tay. Có cả những đoàn làm phim, đoàn văn công của tỉnh bạn đến quay ngoại cảnh. Song cũng không thiếu những bạn trẻ không ngần ngại giẫm đạp lên hoa, chạy cả xe máy vào vườn hoa để có được những bức ảnh ưng ý khiến không ít người chứng kiến bức xúc.
Sau lần đó, chúng tôi có viết trên Facebook và vào các trang mạng ủng hộ việc thu phí 10.000 đồng/người (bấy giờ đang bị phản đối) để trả công cho người chăm sóc hoa, đồng thời phê phán hành vi thiếu ý thức của nhiều bạn trẻ. Bên cạnh đó, chúng tôi góp ý về việc chừa các lối đi vào vườn hoa, sao cho du khách thuận tiện tìm góc chụp ảnh đẹp như cách làm của những vườn chè ở Mộc Châu. Việc thu phí không chỉ giúp giữ được vườn hoa tươi đẹp mà còn là cách bảo vệ một nguồn lương thực của người dân địa phương(*).
Đầu tháng 11 vừa qua chúng tôi đã trở lại nơi từng đến bốn năm trước, nhưng hỡi ôi, mọi thứ đã không còn như những gì chúng tôi đã ghi dấu trong ký ức. Con đường vào làng vẫn rực rỡ váy hoa và hoa tam giác mạch đang nở rộ chuẩn bị cho lễ hội tam giác mạch được tỉnh Hà Giang tổ chức vào giữa tháng 11 hằng năm kể từ 2015. Chúng tôi ngỡ ngàng với cách thu phí tại đây.
Cũng chỉ 10.000 đồng/người để vào cổng làng văn hóa, nhưng muốn vào nhà của Pao để chụp ảnh bên cánh cổng gỗ, tường rào đá, mái ngói âm dương và cây đào rừng chưa trổ hoa du khách phải mất thêm nhiều khoản tiền: chụp ảnh trước homestay phải bỏ ra 20.000 đồng; thêm 20.000 đồng để đeo cái gùi hoa; bước xuống vườn hoa cạnh đó thêm 20.000 đồng nữa… Nhưng chúng tôi không còn chút thích thú, bởi nhà của Pao đã bị che khuất bởi rất nhiều gian hàng lưu niệm, cho thuê hoa, váy áo dân tộc để du khách chụp ảnh…
Đi tiếp về hướng cao nguyên đá, ở một khúc cua tay áo trên dốc đá có một vườn hoa nhỏ hoang sơ, với sắc hoa rực rỡ giữa núi đồi lộng gió. Chúng tôi quyết định dừng xe lại để chụp ảnh. Nhưng chỉ mới bấm được đôi ba tấm thì một phụ nữ người Mông xuất hiện, chặn xe và đếm đầu người thu tiền, kể cả tài xế. Cuộc thương thảo khó thực hiện vì người phụ nữ không nói tiếng Kinh rồi ăn vạ nên chúng tôi chịu thua, trả tiền rồi đi thật nhanh. Với chúng tôi, hoa tam giác mạch đã không còn đẹp lung linh nữa dù lỗi không phải do hoa.
Hoa tam giác mạch bây giờ không còn là đặc sản của riêng Hà Giang, các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La… hay ngay cả Đà Lạt cũng đã trồng được loài hoa này. Nếu chính quyền sở tại không chấn chỉnh cách thu phí vô tội vạ, để mặc dân địa phương xem đó là một cách kinh doanh thì đường đến Hà Giang vốn đã xa sẽ càng thêm xa và có thể Hà Giang sẽ trở thành Sa Pa thứ hai.
(*) Tam giác mạch có họ hàng với cây lúa, do lá có hình tam giác nên được gọi tên như thế. Sau khi thu hoạch lúa nương, bà con người Mông ở Hà Giang bắt đầu gieo hạt tam giác mạch; đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 bắt đầu thu hoạch. Hạt tam giác mạch được xay thành bột làm lương thực, hoặc nấu với ngô để làm một loại rượu có hương vị đặc biệt