Làm như bà ấy có lỗi gì, như phê phán bà ấy giàu có mà sống khổ chết cô đơn thế cũng… vứt đi vậy. Chết nghèo trên đống tiền là dại dột, cuộc đời chẳng có nghĩa lý gì vậy! Em thì thấy bà này là người lấy đi của trái đất ít nhất, mà để lại cho đời nhiều nhất. Những tỉ phú sống tằn tiện là điều đáng ngợi ca chứ sao lại chê họ, làm như chỉ có mình khôn còn người ta ngu không biết hưởng thụ, chết trên đống vàng”.
Tôi nói: “Ừ, nhiều khi nhà báo muốn giật tít mai mỉa cho giật gân, đâm ra sai cả nội dung mà cứ tưởng thế là thu hút độc giả”.
Cô ấy thông tin tiếp những chuyện báo có đăng cả rồi, nhưng lại muốn tôi nghe. Nào là dư luận bàn tán quanh gia tài để lại. Người thì nói anh em ruột thịt lại không hơn người con nuôi hay sao.
Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Người lại cho rằng, chớ có áp dụng tích xưa, vì bây giờ có những ông tỉ phú thế giới đâu có xét máu đào với nước lã, ổng để gia sản cho công tác từ thiện, còn nói đời là một cuộc chơi.
- Xem thêm: Nhà ai nấy giỗ
Do tài giỏi nên ông đã chơi thắng, thu được nhiều tài sản của xã hội vào túi mình, nay cuộc chơi đã xong, ông trả về cho xã hội. Thật là kỳ hết sức! Có người nêu quan điểm người gia đình tranh chấp tài sản là dại.
Cứ êm thấm chia nhau trong gia đình, có thiệt thòi thì nghìn tỉ đồng chia ra cũng được nhiều lắm rồi. Tiền của người khác làm ra, mình được hưởng thì bao nhiêu cũng là quý, đưa ra kiện tụng nộp án phí nọ kia lại mất tiền mất thời giờ có phải dại không nào.
Nhưng bà xã tôi nói: “Trò đời như vậy đấy. Khi không có thì không sao. Có một tí là sinh chuyện ngay, phải công bằng, đúng pháp luật mà, bây giờ ai cũng biết thế, nên việc thỏa thuận gia đình êm thấm lọt sàng xuống nia có ai chịu đâu.
Huống hồ đây không phải “một tí” mà là cả đống tiền. Lợi ích trên hết, chẳng thế mà bây giờ phải có “lợi ích nhóm”, tức là không ăn một mình, ăn một mình nguy hiểm và được ít, nên ăn cả một bè nhóm cho chắc chắn và an toàn. Rủi có đổ bể thì nhằng nhịt quan hệ như trận đồ bát quái, đố ai tìm ra”.
Bà xã nói, ai cũng nêu ra lợi ích nhóm, làm như phát minh ra điều gì phê phán thẳng thắn mạnh mẽ lắm. Nhưng thật ra, ở nước ta, lợi ích nhóm mới chỉ là khái niệm xã hội học chứ đã có ai chỉ ra được một cái nhóm lợi ích cụ thể nào để đem ra mổ xẻ chấn chỉnh chưa?
Có lẽ trong chuyện gia đình lại còn dễ thấy hơn. Thí dụ cứ nhìn vào các cuộc ly dị phân chia tài sản là dễ thấy nhất. Cả hai bên (mà hay nghe nói nhất là ông chồng) thi nhau tẩu tán tài sản. Tòa sắp gọi là đã bán xe, bán nhà để lúc tòa chia thì chẳng còn gì cho đối phương. Có miếng đất đua theo thiên hạ thời kỳ sốt đất, mua tính để làm vốn sau này cho con cái.
Nay tan đàn sẻ nghé, ông thông thạo thủ tục giấy tờ do vợ bận gia đình con cái giao cả cho chồng nên ông biết cách bán đi thu lợi cho mình. Mục đích là giảm tối đa tài sản phân chia tại tòa.
Mà nhiều khi “cuộc chiến” lan ra thành nhóm, cả đại gia đình kết thành nhóm lợi ích, tính hẹp hòi bè phái, quyết cho đối phương ra đi tay không. Nhiều ông đuổi được vợ ra khỏi nhà, đem “đồng tiền xương máu” của cả gia đình đi vun vén cho cô bồ.
Vừa đau tình, vừa mất tiền như thế, nhiều phụ nữ bị đẩy vào thế có những phản ứng cực đoan hoặc chịu đau đớn thiệt thòi. Trẻ con cũng đem chia ra, tranh chấp có khi chỉ cho bõ ghét chứ chẳng xót xa gì đứa trẻ.
Có ông bố đòi nuôi con cốt để trả thù vợ, còn ông nuôi nó thế nào? Con đang học trường quốc tế, nay về trường xã mà học. Bởi vì ông đâu có nuôi, gửi về quê cho bà. Khi thì sang dì Út chơi game, lúc lại sang bác Cả xem tivi. Ăn ở tùy tiện, nay nhà này mai nhà khác.
- Xem thêm: Đừng… làm khách?
Thế là chẳng còn “nhóm lợi ích” của một đại gia đình ngày xưa nữa, đã bị cơ cấu lại, để thiệt thòi cho con trẻ. Cũng có bà mẹ nhận nuôi con, nhưng có tật ham đánh bài, cơm nước không lo. Suốt ngày gọi cơm hộp hoặc cho con ăn mì gói. Trăm sự thay đổi, chỉ có đứa trẻ là khốn khổ nhất.
Cũng chẳng thiếu gì chuyện đào mỏ thời hiện đại. Xưa cứ gọi đào mỏ là tên của các chàng lấy cô gái nhà giàu. Nay thì sao đổi ngôi, các cô gái đẹp săn đại gia còn dã man hơn cả anh chàng giết voọc quý tung lên mạng.
Nhiều “ông Tây” xưa yêu vợ Việt vì sự dịu dàng, hiền hậu, biết hy sinh, đến lúc ly dị mới nếm tài “gái Việt”. Có trường hợp các cô cho anh chồng Tây tay trắng, cô chiếm nhà cửa, tiền bạc. Có khi là công lao mưu mẹo của cả họ nhà cô. Họ cũng theo quy luật của “lợi ích nhóm”.
Kể hết những “chuyện thường ngày ở huyện” đó xong, cô ấy nói: “Ai cũng lao theo lợi ích của mình, cấu kết bè phái khi cần, vì thế mà cái lợi ích lớn chẳng còn gì. Ngoài xã hội thì người ta dùng những chữ to lớn như tham nhũng, quốc nạn, còn ở trong gia đình, các nhà nghiên cứu gọi là gì, chẳng biết nữa.