Sốt ruột
Một người chạy xe ôm 10 năm nay than vãn với người viết trong đó có xen chút ganh tỵ: “Làm ăn ai cũng có lúc thịnh lúc suy, nhưng nếu là doanh nghiệp thì được nhà nước cứu lúc suy, còn những người thấp cổ bé họng như tụi tôi thì phải tự cứu thôi. Ngày nào coi báo cũng thấy tủi thân”. Anh ước có một buổi sáng, mở tờ báo ra và thấy nhà nước có cách giúp cho những người chạy xe ôm như ảnh kiếm sống tốt hơn. “Chắc đó sẽ là điều kỳ diệu của cuộc sống này. Mấy năm qua cái nghề chạy xe ôm này chẳng đủ nuôi hai đứa con ăn học”, anh nói như vậy. Những lời ta thán trên dù chưa hoàn toàn xác đáng nhưng cũng gợi ra những vấn đề đáng suy ngẫm.
Sản xuất tại Công ty Kềm Nghĩa
Nếu doanh nghiệp là những tế bào của nền kinh tế thì doanh nghiệp có khỏe, nền kinh tế mới phát triển và phồn thịnh. Chính sự phồn thịnh này sẽ giúp cho thu nhập của người dân khá hơn (trong đó có thu nhập của anh chạy xe ôm vừa nói). Vì vậy, khi doanh nghiệp không khỏe, Nhà nước cần phải hỗ trợ. Đó là điều tất yếu. Tuy nhiên, cách hỗ trợ ra sao cũng là điều đáng quan tâm, nhất là khi quan sát những động thái hỗ trợ gần đây của các cơ quan quản lý nhà nước.
Tuần rồi, Bộ Công thương đã liên tiếp có hai cuộc họp lấy ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, cả ở phía nam lẫn phía bắc, cho đề án hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Đây là một nỗ lực của Bộ này khi mà những thông tin về hàng tồn kho, lãi suất cao, những khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay… vẫn đang tràn ngập trên mặt báo.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết những điểm mới trong đề án này là các kiến nghị liên quan đến việc hỗ trợ ngay lập tức, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Cụ thể là làm sao để doanh nghiệp tiếp cận vốn với lãi suất tốt, tiêu thụ được sản phẩm, thay vì là những giải pháp mang tính vĩ mô trước đây.
Có lẽ các nhà hoạch định chính sách đang sốt ruột trước sự trì trệ của nền kinh tế nên phải cấp tập đưa ra nhiều giải pháp để giải cứu doanh nghiệp.
Trước đó, Bộ Tài chính đã công bố gói hỗ trợ miễn giảm, giãn thuế trị giá 29.000 tỉ đồng để cứu doanh nghiệp. Kết quả thực hiện ra sao ít thấy các cơ quan thực thi công bố thông tin. Doanh nghiệp phản hồi thế nào ít người được biết.
Chưa hết, cách nay hơn hai tuần, đích thân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã thúc giục các ngân hàng thương mại phải hạ lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm. Nhưng kết quả thực hiện vẫn chưa đến đâu do tình trạng nợ xấu vẫn còn đó. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thống đốc, một số ngân hàng thương mại đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi hàng ngàn tỉ đồng với lãi suất chỉ 10 – 13%/năm. Có điều chẳng có nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận được với mức lãi suất “rẻ” này bởi thực tế họ phải vượt qua hàng loạt các rào cản về thẩm định, về tài sản thế chấp…
Thậm chí có một số doanh nghiệp tỏ ra thờ ơ với các gói tín dụng ưu đãi nói trên bởi vì vay cũng chẳng để làm gì khi mà hàng tồn kho còn chất như núi.
Cần phải nói ngay là sự chặt chẽ trong thẩm định dự án của các ngân hàng, các yêu cầu về tài sản thế chấp… là điều nên làm để đảm bảo sự an toàn, tính hiệu quả trong hoạt động ngân hàng. Việc các ngân hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách giảm lãi suất, gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ… cũng là việc làm bình thường trong một nền kinh tế lành mạnh để duy trì và hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng từ khi nào những việc làm đúng này đã bị lãng quên, thay vì đó là sự dễ dãi, những cái bắt tay vì lợi ích riêng, lợi ích nhóm hơn là lợi ích chung của nền kinh tế, dẫn đến tình trạng nợ xấu, như một cục máu đông đang làm nghẽn mạch nền kinh tế theo cách nói của các vị chuyên gia kinh tế.