Truyện ngắn của MÃ BẢO SƠN (Trung Quốc)
Trên núi có trúc, loại trúc màu tím. Trên núi có chùa, chùa nhỏ nên gọi là am. Trong am có hai ni cô một già một trẻ, ni cô già chừng 60 tuổi là sư phụ, ni cô trẻ độ 16 tuổi là đệ tử. Hai thầy trò hàng ngày học đạo, tụng kinh niệm phật nhận sự bố thí của khách thập phương vãng lai, họ sống những tháng ngày dài đằng đẵng trong tiếng mõ, tiếng chuông chùa.
Dưới chân núi có một dòng sông nhỏ, bên bờ sông có một ngôi nhà tranh, xung quanh ngôi nhà một khu vườn ruộng mới được mở mang. Một đôi vợ chồng trẻ sống trong ngôi nhà tranh đó mùa xuân gieo trồng, mùa thu thu hoạch, ngày tháng dần trôi đi trong tiếng nói cười vui vẻ của đội vợ chồng trẻ. Những lúc ngồi một mình trước ngọn đèn tu thân học đạo tiếng cười nói của đôi vợ chồng trẻ theo gió từ ngôi nhà tranh đưa tới đã làm xao động tâm trạng ni cô trẻ. Ni cô trẻ thấy rằng cuộc sống của họ thật bình dị nhưng vô cùng hạnh phúc. Ngày ngày ra bờ sông gánh nước ni cô thường mặt với đôi vợ chồng trẻ, thời gian lâu dần họ quen nhau. Những ngày mưa ngày gió người chồng hay giúp ni cô trẻ gánh nước lên am. Một hôm, ni cô lại ra bờ sông gánh nước đúng lúc đôi vợ chồng trẻ cũng đang ở ngồi bờ sông nghỉ ngơi và giữa họ có một cuộc trò chuyện hứng thú.
Người chồng hỏi: “Hàng ngày ni cô ở trong am làm gì?”.
Ni cô nói: “Học đạo, tụng kinh niệm phật, cầu cho kiếp sau…”.
Người chồng lại hỏi: “Thế ni cô có cầu cho nhân duyên được mỹ mãn không?”.
Ni cô nói: “Người xuất gia lòng dạ thanh thản không còn ham muốn”.
“Thế thì cầu cho quan cao lộc dày?”.
“Tăng ni giới luật, không màng danh lợi”.
“Thế thì cầu được vinh hoa phú quý?”.
“Cửa phật coi trọng sự yên tĩnh không mưu cầu phồn hoa”.
Người chồng bật cười: “Chắc là ni cô đi tu để cho kiếp sau thành cô Tiểu Ni?”.
Trong mắt của ni cô có một chút bâng khuâng, ni cô trông lên ngôi chùa vắng lạnh trên núi không ngừng thở dài, nghĩ: “Tôi tu thân dưỡng tính nếu có kiếp sau vẫn phải làm ni cô thì hôm nay có cần phải cầu nữa không?”.
Ni cô lặng lẽ lau những giọt nước mắt và gánh nước trở về am.
Trên bờ sông, cuộc trò chuyện giữa đôi vợ chồng trẻ vẫn còn tiếp tục có điều là cuộc trò truyện còn pha chút bông đùa.
Người chồng hỏi; “Nếu như có kiếp sau, em muốn cầu được điều gì?”.
Người vợ nói: “ Anh thử đoán xem …….”
“Cầu được quan cao lộc hậu?”. Người vợ cười lắc đầu.
“Thế thì cầu được vinh hoa phú quý?”. Người vợ vừa lắc đầu vừa xua xua tay.
Người chồng “ờ” lên một tiếng rồi nói: “Anh hiểu rồi, nhất định là em cầu cho kiếp sau được làm ni cô ở cái am nhỏ vắng vẻ…”.
Người vợ đấm thùm thụp vào ngực người chồng: “Anh thật chẳng ra gì, thật chẳng ra cái đồ gì!”.
Người chồng giữ tay vợ lại, gặng hỏi: “Thế cuối cùng em muốn cầu được gì nào?”.
Người vợ mặt đỏ bừng, nói: “Không cầu lộc dày, không cầu phú quý, chỉ cầu cho kiếp sau nhân duyên mỹ mãn, chỉ cầu cho kiếp sau em vẫn là vợ của anh”. Nói xong, người vợ lao vào vòng tay của người chồng rồi hai người nô đùa, xoắn xuýt với nhau trên bờ sông.
Cuộc đối thoại bên bờ sông và việc đôi vợ chồng trẻ nô đùa vui vẻ làm cho lòng xuân của ni cô trẻ dập dềnh. Ni cô trẻ không thể yên tâm mà học đạo, không thể nghiêm túc mà tu dưỡng, lòng dạ cô đã thay đổi. Người ni cô già tinh ý nhìn ra người đồ đệ không còn có duyên phận với cửa phật nữa nên tiễn cô rời am trở về với cuộc sống đời thường.
- Xem thêm: Trong ngôi nhà màu trắng
Người ni cô trẻ không còn ai thân thích chỉ đành dừng chân ở ngôi nhà tranh bên bờ sông của vợ chồng người nông dân. Từ đây, ni cô không phải là ni cô nữa mà vợ chồng người nông dân gọi cô là Tiểu Ni.
Tiểu Ni theo vợ chồng người nông dân trẻ cấy trồng trên những mảnh ruộng. Sau một thời gian ở nhà vợ chồng người nông dân, tóc Tiểu Ni lại mọc dài, cô được thay da đổi thịt, người nở nang, da dẻ hồng hào, trở thành người con gái xinh đẹp.
Rồi đến một ngày, khi ánh mặt trời rực rỡ chiếu trên mặt đất, tiếng chim hót trên cây nghe vô cùng vui tai. Vợ người nông dân sau khi đi chợ trở về, cô bước vào nhà nhìn thấy cảnh tượng trước mắt cô bàng hoàng kêu lên một tiếng rồi khóc nức nở, cô như người điên dại loạng choạng chạy ra bờ sông. Cô muốn nhảy xuống sông nhưng sông đang mùa nước cạn, cô lại trèo lên trên vách núi định nhảy xuống nhưng vách núi không cao. Cuối cùng, người phụ nữ chỉ đành loạng choạng chạy vào am ni cô.
Ngồi một mình trước ngọn đèn người ni cô già rất muốn biết những kỳ vọng của người phụ nữ đang đứng trước mặt mình: “Nữ thí chủ, cô đến am này tạm thời hay là lâu dài?”.
Người phụ nữ nói: “Con đến ở lâu dài, sư phụ hãy nhận con làm đồ đệ”.
Ni cô già hỏi: “Con đến cửa phật để cầu được quan cao lộc dày?”.
Người phụ nữ lắc đầu.
Ni cô già lại hỏi: “Hay là cầu được vinh hoa phú quý?”.
Người phụ nữ lại lắc đầu.
“Thế thì cầu cho nhân duyên của kiếp sau?”. Lời của vị ni cô già vừa dứt thì những giọt nước mắt đau thương của người phụ nữ chảy ròng ròng.
…
Trên núi có trúc, loại trúc màu tím. Trên núi có chùa, chùa nhỏ nên gọi là am. Trong am có hai ni cô, một ni cô già và môt ni cô trẻ vừa mới đến. Hai thầy trò hàng ngày học đạo, tụng kinh niệm Phật và cầu cho kiếp sau.
- Xem thêm: Sâu lắng mùa thu