Theo NHNN, năm ngân hàng này cùng với Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) sẽ bán vàng bình ổn theo giá vàng của SJC.
Người dân đổ xô mua vàng khi vàng lên cơn sốt giá
Chưa hết, ngày 17-11-2011, NHNN còn quyết định thành lập tổ xây dựng đề án sử dụng nguồn lực trong nước để bình ổn thị trường vàng.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, giá vàng trong nước chỉ đôi lần thu hẹp khoảng cách với giá thế giới (đã quy đổi, cộng cả thuế và phí) về mức hơn 400.000 đồng/lượng như kỳ vọng của NHNN (tức là không còn cơ hội để đầu cơ vàng), hầu hết thời gian còn lại mức chênh lệnh này đều lên đến 2-3 triệu đồng/lượng.
Thực ra, vàng không phải là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu mà Nhà nước cần phải bình ổn giá. Phần lớn người dân chẳng hề quan tâm đến mặt hàng này bởi với họ chuyện chạy ăn từng bữa còn quan trọng hơn nhiều. Tuy nhiên cũng có một bộ phận người dân có thói quen tích lũy bằng vàng – đây chính là đối tượng phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ sự lúng túng về chính sách quản lý thị trường vàng của Nhà nước trong thời gian qua.
Không chỉ bị mua vàng với giá cao, người dân còn phải đương đầu với quá nhiều rắc rối nảy sinh sau khi Thống đốc NHNN tuyên bố tại diễn đàn Quốc hội hồi tháng 11-2011 là Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và SJC được chọn làm thương hiệu vàng quốc gia.
Có một điểm cần được nhắc lại là vào tháng 5-2012, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và chính thức công bố Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Tuy nhiên, văn bản pháp luật này cũng như trong thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 24 không hề đề cập đến chuyện chọn thương hiệu vàng quốc gia.
Vàng nào cũng là vàng
Bà Ngọc Mai, một người về hưu gần chục năm nay, đang rất lo âu vì bỗng dưng khoản tài sản tích lũy nhỏ nhoi của mình có thể bị teo tóp. Chẳng qua là vì bà đang cất giữ vàng mà không phải là thương hiệu SJC.
Bà Mai thắc mắc, trước đây, khi các thương hiệu vàng miếng như AAA, SBJ,… được đưa ra thị trường, giá cả chênh lệch nhau không nhiều. Ai thích thương hiệu nào thì mua loại đó, cũng chẳng thấy cơ quan nào đưa ra khuyến cáo gì. Đùng một cái, NHNN tuyên bố chỉ chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia, thế là mấy loại vàng mà bà đang giữ tự dưng mất giá đến vài triệu đồng mỗi lượng mà chúng cũng là vàng bốn số 9 hẳn hoi.
Không ít người dân bức xúc đặt câu hỏi vì sao lại có chuyện vô lý đến vậy, bởi đặc điểm quan trọng nhất của vàng chính là chất lượng, hay còn gọi là tuổi vàng, còn thương hiệu chỉ nhằm “đóng dấu” về chất lượng.
Không chỉ người dân giữ vàng phi SJC bị thiệt hại, đằng này, người giữ vàng SJC cũng bị ép giá.
Cách nay hơn một tháng, vì cần tiền, chị Dung đem bán vàng SJC nhưng là loại vàng lẻ (5 phân, 1 chỉ, 2 chỉ). Thật bất ngờ, những chỉ vàng được mua trước đây rất lâu của SJC, dù vẫn còn bao bì đảm bảo, được mua lại với giá bằng giá vàng nguyên liệu, tức thấp hơn đến hơn 3 triệu đồng mỗi lượng (so với giá mua vào loại vàng miếng một lượng) với lý do mẫu cũ, công ty đã không còn dùng nữa.
Với những chỉ vàng SJC mua sau này, tuy vẫn là mẫu đang sử dụng, nhưng cũng phải chịu mức giá thấp hơn 300.000 đồng/lượng, cộng thêm phí đổi bao bì chống giả mới của Công ty SJC (phí 30.000 đồng/lượng ở Hà Nội, 5.000 đồng ở TP.HCM). Vậy là chị Dung mất đứt thêm một khoản tiền, vì phải mua đắt, bán rẻ mà chẳng biết kêu ai (trước đây khi mua vàng miếng loại một chỉ, hai chỉ…, người mua thường phải chịu giá cao hơn nếu mua loại một lượng).