Vàng nhái tràn lan
Theo số liệu từ SJC, tính đến cuối tháng 10, họ đã phát hiện 463 lượng vàng nhái, vàng giả SJC, trong đó tại Hà Nội là 377 lượng, TP.HCM 86 lượng. Qua kiểm định thì phần lớn vàng nhái thương hiệu đều đảm bảo chất lượng, còn lại một phần là vàng không đủ tuổi.
Chính sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và thế giới, giữa vàng SJC và phi SJC đã kích thích nạn vàng giả, vàng nhái tràn lan. Nhưng đó cũng chỉ là phần ngọn, còn phần gốc chính là tình trạng độc quyền, từ độc quyền nhà nước chuyển thành độc quyền doanh nghiệp. Điều này khiến thị trường vàng càng trở thành một mê hồn trận.
Nhưng ai sẽ là người bị thiệt hại từ thực trạng này? Xin được trả lời ngay đó là người dân giữ vàng.
Mỗi người chúng ta sẽ nghĩ gì khi chứng kiến cảnh người dân phải xếp hàng dài và chờ trong vài giờ đồng hồ tại các cửa hàng của SJC để được kiểm định vàng và thay bao bì mới (tất cả đều phải đóng phí).
Thế nhưng, nếu lỡ mua phải vàng nhái thì người dân sẽ chịu thiệt thòi ra sao? Theo bà Lê Thị Thúy Hằng, Giám đốc chi nhánh Công ty SJC miền Bắc, sau khi phát hiện vàng nhái thương hiệu SJC, nếu xác định đúng là vàng nhái, công ty sẽ cắt hủy mặt miếng vàng đó để người dân có thể đem bán ra thị trường với hình thức vàng nguyên liệu hoặc có thể sẽ bị chuyển tới cơ quan công an nếu bị nghi ngờ. Hoặc có nơi xử lý bằng cách đục lỗ vào miếng vàng của người dân trước khi trả lại cho họ.
Cách xử lý như trên có thể đúng về lý, nhưng sẽ không hợp tình bởi ngay cả nhà sản xuất cũng như các chuyên gia đều thừa nhận rằng không dễ để phát hiện vàng nhái.
Cơ quan quản lý nói gì?
Cách nay hơn 10 ngày, nhiều tờ báo đồng loạt phát đi thông tin từ NHNN liên quan đến thị trường vàng. Qua đó, thật bất ngờ, khi NHNN khẳng định Nhà nước không bình ổn giá vàng vì nó không ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh. Vậy thì phải hiểu sao đây với Thông tư 32 do chính cơ quan này ban hành nhằm mục tiêu bình ổn thị trường vàng, hay tổ xây dựng đề án sử dụng nguồn lực trong nước để bình ổn thị trường vàng mà NHNN quyết định thành lập đã tự giải thể mà chưa làm được gì.
Với nạn vàng nhái, vàng giả, NHNN cho rằng do trước đây thị trường vàng không có ai quản lý nên phải chấp nhận thực trạng này, tức là người dân phải chịu thiệt thòi. Hóa ra lâu nay hàng chục ngàn doanh nghiệp vàng hoạt động trong một thị trường tự phát sao? Vậy, liệu từ tháng 5-2012 trở về sau, khi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, nạn vàng nhái, vàng giả sẽ được xử lý dứt điểm? Thực tế chưa cho thấy dấu hiệu khả quan như mong đợi, bởi vì một khi sự chênh lệch giá vàng quá lớn giữa trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và phi SJC vẫn được duy trì thì vẫn còn động cơ để kích thích người ta trục lợi.
Trong mê hồn trận của thị trường vàng hiện nay, nếu đã có người bị thiệt hại, tất yếu phải có người hưởng lợi. Vậy ai đang hưởng siêu lợi nhuận từ việc NHNN cho phép chuyển đổi vàng phi SJC thành SJC? Ai đang thu về những khoản lợi quá lớn từ việc tận dụng tình trạng hai giá hiện nay trên thị trường vàng? Và ai sẽ là người đứng ra bảo vệ quyền lợi của người dân? Còn quá nhiều câu hỏi đang chờ câu trả lời.
Quế Thanh