Khi nói tới thú chơi hoa kiểng, nhiều người thường nghĩ đến sự xinh tươi của hoa lá, dáng vóc của cành cây chứ ít nghĩ đến những gốc cây to lớn hoặc khẳng khiu, khô khốc và có phần quái dị.
Nhưng cây khô (theo cách gọi miền Nam, còn miền Bắc gọi là gỗ lũa), tức là phần lõi cây còn lại của các gốc cổ thụ sau khi cây đã chết, lại là một bộ môn nghệ thuật đã có từ lâu và ngày càng trở nên phổ biến.
Cây khô có một vẻ đẹp riêng mà chỉ những ai đam mê mới chịu khó bỏ thời gian và công sức để trau chuốt, biến nó thành “kỳ mộc” – tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Thế giới cây khô nghệ thuật cũng vì vậy mà chứa đựng nhiều điều kỳ thú.
Lên rừng xuống biển tìm cây khô
Cây khô trong tự nhiên thường chỉ còn phần gốc, và do trải qua thời gian rất lâu nên lớp vỏ đã bị môi trường, côn trùng phân hủy. Phần lõi cây phải rất cứng mới còn lại, mối mọt không xâm hại nổi, cũng không bị cong vênh do ảnh hưởng của mưa nắng.
Không phải loài cây nào khi chết đi cũng cho được cây khô, mà chỉ những loài cây gỗ tốt, quý hiếm hoặc những loài sống lâu năm trên đất cằn cỗi mới tạo ra cây khô có giá trị, nhưng kiểu dáng của chúng rất đa dạng, xấu đẹp đủ cả.
Theo kinh nghiệm của những người chơi cây khô, căn cứ vào nơi tìm thấy mà chia cây khô thành ba loại: loại thứ nhất nằm sâu trong lòng đất, loại thứ hai chìm trong lòng sông, dưới bùn và loại thứ ba nổi trên mặt đất, “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Do ảnh hưởng của môi trường mà mỗi loại có những đặc điểm riêng. Chẳng hạn cây khô trong lòng đất luôn giữ được màu gỗ nguyên thủy, cây ngâm trong bùn có màu như mun, hay sừng, còn cây phơi trước gió là loại quý hiếm nhất vì có những đường vân sóng rất đẹp.
Tìm được cây khô đã khó, tạo hình cho nó còn khó hơn. Tùy vào hình dáng ban đầu mà nghệ nhân sẽ dùng trí tưởng tượng và bàn tay khéo léo của mình để khơi dậy cái hồn của cây. Những chủ đề thường thấy ở các tác phẩm cây khô là cảnh thiên nhiên, theo điển tích hoặc trừu tượng.
Với người có nghề, đôi khi chỉ cần thay đổi một vài chi tiết, điểm nhấn là tạo được sự mới lạ, khác biệt cho tác phẩm. Người ta còn nói rằng, nhìn tác phẩm có thể đoán biết được tính khí của tác giả, là người cương hay nhu, mạnh mẽ hay thanh thoát…
Có thể nói qua bàn tay con người, cây khô được tái sinh, có cuộc đời khác ý nghĩa hơn. Bởi lẽ từ niềm đam mê của nghệ nhân, cây khô trở thành tác phẩm không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn mang một thông điệp tình cảm, triết lý do chính người tạo hình gửi gắm.
Cũng có trường hợp cây khô không cần thêm sự can thiệp nào vì bản thân nó do thiên nhiên tạo ra đã thành một tác phẩm hoàn mỹ. Chính sự duy nhất, không bao giờ lặp lại ở những tác phẩm như thế đã làm cho cây khô trở nên vô giá.
Nói đến những người tiên phong chơi cây khô, người trong giới vẫn nhắc đến một cái tên quen thuộc với nhiều người mê phim ảnh: cố đạo diễn – nghệ sĩ nhân dân Hồng Sến.
Lớn lên ở vùng quê Đồng Tháp Mười, từ nhỏ ông đã thấy cha mình đi lượm lặt những gốc tràm khô để tỉa tót làm ra những vật trang trí đẹp, Hồng Sến đã ngấm thú chơi dân dã, mộc mạc này từ nhỏ.
Lớn lên, cuộc đời làm phim đã cho ông đi nhiều nơi, thấy và biết nhiều điều, nhưng rốt cuộc ông đam mê thú chơi cây khô.
- Xem thêm: Nghề chạm khắc xương ở Lucknow
Nhiều người thân của ông còn nhớ mãi hình ảnh ông già xuề xòa, phì phèo thuốc trên môi, tay miết vào miểng kính, tỉ mẫn cạo gọt từng thớ gỗ, rồi săm soi chi ly, ra chiều thích thú, tâm đắc lắm.
Hiện nay, tại nhà lưu niệm của ông ở huyện Mộc Hóa (Long An) có phòng trưng bày những tác phẩm cây khô mà ông đã cất công sưu tập.
Thi thố để tìm tri kỷ
Đã hơn 20 năm nay, hằng năm, mỗi dịp tết đến, Hội Hoa xuân Tao Đàn (TP. Hồ Chí Minh) đều tổ chức cuộc thi sinh vật cảnh và bộ môn Cây khô cũng góp mặt trong cuộc thi này với sự tham gia của nhiều nghệ nhân, mang đến nhiều màu sắc nghệ thuật cho công chúng thưởng lãm.
Để có được một tác phẩm cây khô đẹp, có giá trị nghệ thuật, người chơi phải có con mắt của nghệ sĩ, đôi tay khéo léo của người thợ và điều quan trọng mà người nào cũng tin là còn tùy thuộc vào chữ “duyên”.
Đến với cuộc thi, ngoài việc góp phần tạo nên sự đa dạng, hấp dẫn cho Hội Hoa xuân, các nghệ nhân còn có dịp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Kỹ năng đầu tiên trong chơi cây khô là phải biết nhận diện cây. Gỗ không quý thì tác phẩm dù đẹp cũng không có giá trị cao.
Chẳng hạn cây gòn, cây bông giấy chỉ khoảng chục năm tuổi cũng có thể cho cây khô, hình dáng cũng đẹp nhưng chắc nhắn sẽ không có giá trị bằng những loại cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi.
Người có kinh nghiệm chấm điểm cho tác phẩm cây khô tại Hội Hoa xuân Tao Đàn trong nhiều năm qua, ông Lê Sỹ Thăng – họa sĩ, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Một tác phẩm cây khô đẹp phải đáp ứng được các tiêu chí về mỹ thuật và kỹ thuật.
- Xem thêm: Điêu khắc đá cẩm thạch Agra
Để làm được điều này, người chơi phải học hỏi, phải có kiến thức nhất định để tránh việc chơi bằng cái nhìn cảm tính.
Điều đáng mừng là trong thời gian qua, các nghệ nhân cây khô đã có nhiều tiến bộ, những tác phẩm đẹp dự thi ngày càng nhiều hơn”.
Theo ông, khi ngắm cây khô, cần xem xét các điểm cơ bản về mỹ thuật của tác phẩm, chẳng hạn ý tưởng chủ đề phải rõ ràng, có sự cân bằng trong bố cục (trên – dưới, phải – trái), đánh giá điểm nhấn nổi bật trong tác phẩm, nhìn nhận về tính thống nhất của chất liệu và màu sắc, khả năng gợi mở được nhiều ý tưởng và cuối cùng là sự tương xứng của toàn bộ tác phẩm.
Còn về kỹ thuật, anh Bùi Đức Tầm – một nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm chơi cây khô, cũng là thành viên trong các ban giám khảo cuộc thi cây khô chia sẻ: “Người chơi chỉ được loại bỏ những chi tiết dư trên tác phẩm mà không làm ảnh hưởng đến kết cấu tự nhiên trên tổng thể, không để lại dấu tích sửa đổi cũng như đắp vá trên tác phẩm thì mới đạt yêu cầu về kỹ thuật”.
Anh kể rằng để tạo một vết sẹo trên một tác phẩm, anh phải đi nghiên cứu vết sẹo thật trên cây, mà phải là cây cùng chủng loại để biết sớ gỗ như thế nào mà làm cho hợp lý.
Chỉ dùng mũi dao nhọn, miểng kiếng để cạo nhẹ lên cây, còn dùng máy móc, kỹ thuật hiện đại thì đường nét của cây trở nên thô, mất tự nhiên ngay.