Theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 3-10, tốc độ tăng của nợ công Việt Nam vào loại hàng đầu thế giới. Cụ thể, nợ công của Việt Nam vào năm 2015 chiếm 61% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với mức 51,7% vào năm 2010, tức là tăng đến 10% trong năm năm.
WB cảnh báo nếu tốc độ tăng nợ như thế thì chẳng bao lâu Việt Nam sẽ đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng đe dọa sự bền vững của nền tài chính.
Định chế quốc tế này nói rằng tuy Việt Nam có sự cải thiện trong cơ cấu của số nợ, nợ nước ngoài giảm đi, thay vào bằng việc vay trong nước, nhưng có đến 50% số nợ sẽ đáo hạn trong ba năm tới, điều đó sẽ tạo nên áp lực vay nợ mới để trả nợ cũ.
Theo Ngân hàng Thế giới thì với mức độ bội chi ngân sách như hiện nay là 5,6% tổng sản lượng quốc dân, mà số dư do thu ngân sách ngày càng ít, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Vẫn theo WB, Việt Nam từng cam kết rất mạnh việc khôi phục kỷ cương ngân sách và để thực hiện được trong lúc này thì phải có những biện pháp tích cực và có chất lượng cao để củng cố ngân sách.
Số liệu từ tổ chức này cho thấy năm 2016 mức bội chi ngân sách của Việt Nam ước tính tăng lên trong khoảng 6,5% GDP so với 6,2% năm 2015, dẫn đến mức tổng nợ công gần 64% GDP cuối 2016.
Trong hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm về hoạt động của ngành tài chính diễn ra gần đây, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đưa ra quan ngại về chuyện số vốn ngân sách trong nhiều dự án đầu tư bị giải ngân chậm. Việc này làm cho một số tiền lớn đáng lẽ được ghi vào số nợ công của năm ngoái nhưng lại được cấp phát trong năm nay, thành ra có thể đưa số nợ công của năm tăng lên.
Ông Vương Đình Huệ cho biết là đã sáu tháng trôi qua mà số vốn nhà nước dự định chi tiêu mới chỉ được giải ngân có 25%.
Ngoài ra các viên chức còn cho rằng việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước vẫn diễn ra một cách chậm chạp, đóng góp vào tình trạng nợ công tăng cao.
Số liệu nợ được WB công bố dựa vào thông báo của Bộ Tài chính hồi hạ tuần tháng 9 về nợ công của Việt Nam chiếm 61% GDP, tính đến cuối năm 2015 và dự báo đỉnh nợ công sẽ xấp xỉ ở mức 65% GDP vào thời điểm 2017-2018, tức mức trần được Quốc hội cho phép.
Theo số liệu về quyết toán ngân sách nhà nước tính đến cuối năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi trung tuần tháng 5 công bố nợ công của Việt Nam vào khoảng 363 tỉ USD, trong đó dư nợ Chính phủ đã chạm trần 50% GDP.
Căn cứ theo số liệu vừa nêu, Bộ Tài chính trong tháng 9 thông báo Chính phủ Việt Nam mắc nợ trị giá gần 94,3 tỉ USD (tương đương hơi 2 triệu tỉ đồng), bao gồm 39,6 tỉ USD vay của nước ngoài và phần còn lại là vay trong nước. Bộ Tài chính còn cho biết nợ Chính phủ bảo lãnh gần 21 tỉ USD, trong đó vay của nước ngoài hơn 11,3 tỉ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng đây là một trong những áp lực đối với nợ công và trách nhiệm trả nợ của Chính phủ đè nặng lên ngân sách eo hẹp. Theo tính toán của giới chuyên gia, Chính phủ hằng năm phải chi trả khoảng 14% tổng số nợ Chính phủ vay và nợ Chính phủ bảo lãnh. Riêng trong năm 2015, Chính phủ đã trả được hơn 13,6 tỉ USD, trả nợ trong nước hơn 54 tỉ USD.
Nhưng vấn đề được Chính phủ cũng như giới chuyên môn quan tâm là nợ công của Việt Nam được tái cơ cấu như thế nào để luôn ở ngưỡng an toàn, cũng như Việt Nam cần làm gì để có khả năng trả nợ trong bối cảnh thiếu nguồn vốn cho phát triển kinh tế giai đoạn đến năm 2035?
Được biết, áp lực nợ công và nợ phải trả của Việt Nam hiện tại không nằm ở các khoản vay nước ngoài dài hạn với lãi suất thấp, mà nằm ở các khoản vay ngắn hạn ở trong nước.
Có một thực tế làm đau đầu Chính phủ là mối tương quan giữa vay vốn để phát triển và sử dụng các nguồn vốn vay không đạt hiệu quả khiến nước ta trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ công tăng nhanh nhất. Cái khó ở đây là nếu không tiếp tục vay thì làm sao phục vụ cho phát triển và như vậy lấy tiền đâu để trả nợ.
Trong vòng suốt 20 năm, tính từ 2005 đến 2015, Việt Nam nhận được hỗ trợ từ nguồn vốn ODA dưới ba hình thức chủ yếu gồm nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, chiếm khoảng 10 – 12%; nguồn vốn vay ưu đãi, chiếm đến 80% và vốn hỗn hợp chiếm 8 – 10%. Theo thống kê, từ năm 1993 đến năm 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam lên đến con số gần 90 tỉ USD. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam thừa nhận vẫn còn nhiều dự án sử dụng các nguồn vốn ODA chưa hiệu quả, điển hình như bốn dự án đường sắt đô thị tại thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chậm trễ nghiêm trọng hay dự án đại lộ Đông-Tây là một trong những đại án tham nhũng gây rúng động trong dư luận cách đây mươi năm.
Áp lực nợ công sẽ đè nặng lên nền kinh tế khi sắp tới, Bộ Kế hoạch – Đầu tư dự trù cần phải huy động khoảng 39,5 tỉ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển đến năm 2020. Tình hình phát triển sẽ gặp không ít khó khăn vì kể từ cuối năm 2017 khi chúng ta không còn được vay vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới nữa. Cùng thời điểm này, có tin cho biết Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có thể cũng sẽ ngừng cung cấp các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam. Các quốc gia châu Âu bao gồm Anh, Phần Lan và Na Uy cũng thông báo sẽ dừng cấp vốn hay cắt giảm dần vốn ODA cho Việt Nam đến năm 2020.
Trước tình hình bế tắc về nguồn vốn để đầu tư và phát triển cũng như nợ công ngày càng tăng thì việc đi vay với lãi suất thị trường để chi tiêu không phải là giải pháp tốt nhất. Chính phủ phải đặt mục tiêu giảm chi ngân sách lên hàng đầu để có thêm tiền chi cho đầu tư, khi đó áp lực đi vay và trả nợ sẽ vơi bớt phần nào. Đây là một thách thức lớn khi chủ trương tiết kiệm không mang lại hiệu quả vì bị xem thường, các công trình đầu tư kém hiệu quả đang là gánh nặng cho ngân sách.
Tại một cuộc hội thảo quốc tế được tổ chức ở Hà Nội vào cuối tháng 9 vừa qua, có thông tin cho biết chúng ta được Ngân hàng Thế giới hứa giúp đẩy mạnh tiến độ giải quyết nợ xấu, các khoản vay không hoạt động trong hệ thống ngân hàng để đảm bảo việc phân phối vốn hiệu quả cho phát triển kinh tế.
Thế nhưng kinh nghiệm quốc tế cho chúng ta bài học rằng những tổ chức này chỉ đưa ra các giải pháp, còn để thực hiện được hoàn toàn tùy thuộc khả năng quản lý vốn vay và sức khỏe của nền kinh tế có hấp thu đồng vốn hay không.
Đó là chưa kể các định chế tài chính quốc tế mỗi khi ra tay cứu giúp đều kèm theo rất nhiều điều kiện mà không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đáp ứng, chẳng hạn họ đòi hỏi phải cắt ngân sách nhà nước, phải giảm chi tiêu, phải tăng thuế… Nghĩa là đòi hỏi rất chính đáng và còn đưa ra điều kiện hằng năm phải xem xét sổ sách để biết việc thực hiện có nghiêm túc hay không.
Gần một tháng trước đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ngân hàng Thế giới giúp chúng ta tìm các nguồn tài trợ với những khoản vay không hoàn lại cho giai đoạn phát triển quốc gia đến năm 2035 trong bối cảnh nợ công chạm đỉnh ở ngưỡng 65% GDP. Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá trong bối cảnh khó khăn chung của các quốc gia trên thế giới hiện nay thì khả năng tiếp cận nguồn vốn vay không hoàn lại là không cao.
Giới chuyên gia cho rằng không chừng vào lúc ấy chúng ta phải dựa vào nguồn vốn vay của Trung Quốc và đương nhiên nước này cũng sẽ kèm theo những yêu sách nhạy cảm có khi còn khó khăn hơn những điều kiện thông thường của các định chế tài chính quốc tế.
- Trần Đại Lộc