Có vô số lý do khiến nhân viên đổ bệnh. Có thể họ thực sự bị bệnh, cũng có thể họ không thích công việc, buồn chán, muốn có thứ gì đó thú vị hơn để làm hoặc đang tìm kiếm một công việc khác.
Ban đầu, nhà quản trị có thể thông cảm với vài cuộc gọi điện thoại hoặc nhắn tin cáo bệnh, nhưng sau đó, nếu tình trạng bất ổn đó cứ lặp lại thì rõ ràng đang có vấn đề. Câu chuyện sau đây là để hình dung vấn đề rõ hơn.
Mai là người trực tiếp phụ trách một nhóm nhân viên. Cô được tin một nhân viên tên Dung – người đang làm nhiệm vụ giới thiệu cho khách hàng về dịch vụ mới của công ty – báo về là bị bệnh, xin nghỉ một ngày. Tin ấy đến với Mai rất sớm, ngay đầu buổi sáng, sau đó Dung còn nhắn tin, cho thấy cô không được khỏe.
Lúc đầu, Mai thông cảm và khuyên Dung cố gắng chăm sóc sức khỏe của bản thân. Nhưng một thời gian sau, Mai bắt đầu cảm thấy ngờ vực, chẳng hạn khi ho, Dung làm bộ như đang sắp lâm bệnh nặng.
- Xem thêm: Để nhân viên không làm việc kiểu “lờ đờ”
Mỗi khi rời công ty sớm, Dung luôn than “không cảm thấy khỏe”. Chắc phải nói chuyện với Dung để làm rõ về những dấu hiệu bất thường ấy.
Điều làm Mai hơi ngần ngại trong việc xử lý trường hợp hay nghỉ bệnh này là Dung làm việc có hiệu quả và nói chung mọi người đều có cảm tình tốt với cô.
Có thể vài hướng ứng xử mà Mai có thể lựa chọn là:
- Trực tiếp gặp Dung để nói về nghi ngờ các lý do nghỉ bệnh của cô.
- Tạm chấp nhận tình trạng đó vì Dung luôn làm việc tốt khi cô ấy không thể hiện dấu hiệu không được khỏe.
- Hỏi Dung về suy nghĩ và mong muốn của cô ta đối với công việc được giao, tranh thủ tìm hiểu nguyên nhân thường xuyên cáo bệnh.
- Tập trung đánh giá những đóng góp của Dung để quyết định người này nên tiếp tục làm việc hay cho nghỉ.
Hỏi Dung về suy nghĩ và mong muốn của cô đối với công việc được giao là cách ứng xử mà cuối cùng Mai chọn. Mai nói thẳng một số nghi ngờ của mình về lý do cáo bệnh của Dung.
Cuối cùng, cốt lõi của vấn đề là ở chỗ khối lượng công việc mà Dung cần hoàn thành chỉ mất có bốn ngày một tuần mà thôi, thời gian rảnh rỗi còn lại được cô dùng cho mục đích cá nhân.
Nếu không có sự trao đổi thẳng thắn giữa hai người, tình hình tất nhiên sẽ tệ hơn vì lối biện bạch của Dung sẽ tạo ra một hàng rào lớn dần giữa chính cô và nhà quản trị trực tiếp.
- Xem thêm: Vì sao nhân viên “mất lửa”?
Hơn nữa, nhà quản trị còn có thể nghĩ rằng đang bị chính nhân viên của mình lừa dối. Một giải pháp về thời gian mà hai bên đều thấy thỏa đáng đã được thống nhất và vấn đề vì thế cũng được xử lý xong. Câu chuyện trên gợi ý cho các nhà quản trị một số ý tưởng có thể bổ ích:
- Nếu một nhân viên gọi điện thoại báo bệnh thì có thể người ấy bị bệnh thật và cũng có thể người ấy muốn dùng thời gian cho việc khác.
- Khi một nhân viên dùng nhiều thời gian nghỉ ngoài quy định chung thì nhà quản trị có đủ lý do để sa thải nhân viên đó. Nhưng nếu xem xét vấn đề thấu đáo thì đôi khi sự phát hiện ra nguyên nhân có thể có lợi cho doanh nghiệp.
- Khi nhà quản trị nghi ngờ về lý do nghỉ bệnh của một nhân viên thì nên tìm hiểu rõ lý do chứ không nên chỉ hoài nghi hoặc giả tảng không để ý đến chuyện gì đã xảy ra.
- Có thể bỏ qua sai sót của nhân viên một khi nhân viên đã nhìn nhận rõ khuyết điểm và có thái độ nghiêm túc sửa sai. Không nên vì sai sót đó mà có cái nhìn thiếu thiện cảm và đẩy người đó vào chân tường.