Ngày nay, hệ thống thông tin liên lạc của ta đã quá hiện đại, phong phú. Thế nhưng có mấy ai còn nhớ và biết trong xã hội ta ngày xưa việc thông tin nhau bằng cách nào. Một trong những cách thông tin ngày xưa là rao mõ. Đây là một nghề mà người xưa coi là thấp hèn nhất trong xã hội.
Cho đến ngày nay cũng chưa có một tư liệu nào khẳng định chắc chắn là nghề mõ ra đời từ lúc nào. Nhưng khi đọc một số tác phẩm văn học Trung đại, ta đã thấy xuất hiện hình ảnh thằng mõ. Điều đó cho thấy nghề mõ ra đời từ rất lâu, khoảng thế kỷ 15-16.
Nghề mõ xuất hiện trước khi nó được đưa vào tác phẩm văn học. Vì vậy, nhân vật mõ ở đây không còn quá xa lạ với mọi người mà trở thành hình ảnh quen thuộc, gắn liền với đời sống, sinh hoạt của người dân Việt ngày xưa.
Những người rao mõ hầu hết là dân ngụ cư. Dân ngụ cư phải gánh thân phận thấp hèn, bị dân chính cư khinh miệt. Dân ngụ cư chỉ được dựng nhà ở rìa làng, không được hưởng quyền lợi ruộng công, sống bằng nghề rao mõ, làm thuê, làm mướn.
Người làm nghề mõ bị khinh miệt nhưng lại là một nhân vật không thể thiếu trong tổ chức làng xã xưa. Thằng mõ có vai trò quan trọng trong việc truyền đi những thông tin bằng miệng khi phương tiện thông tin đại chúng chưa phát triển.
Người rao mõ cầm một cái mõ làm bằng gốc tre già gọt đẽo thành hình trăng khuyết dài khoảng 15 – 20cm, ở giữa khoét rỗng, tay cầm chiếc dùi cũng làm bằng tre. Trước khi nói, người rao mõ đánh một hồi mõ gây sự chú ý cho mọi người rồi dõng dạc cất tiếng rao cho cả xóm làng biết về một thông tin, mệnh lệnh nào đó mà các nhà chức trách muốn thông báo xuống cho dân làng.
Thường những thông tin đó được truyền bằng một bài có vần điệu để người nghe dễ nhớ. Như ngày xưa muốn thông báo cho dân làng biết lệnh cấm thả trâu làm hại lúa, lý trưởng sai thằng mõ đi rao như sau:
Lẳng lặng mà nghe
Cấm trâu ăn kẹ
Cấm nghé băng đường
Cầm ruộng cấm nương
Nhược bằng ai cố ý không nghe
Quan viên thì bắt vạ
Dân đinh thì phạt đòn…
Nhờ thằng mõ mà dân làng biết mệnh lệnh của trên đưa xuống. Không chỉ biết tin tức trong làng mà còn trong cả nước. Người rao mõ không của riêng ai mà là của chung cả làng, gánh trách nhiệm mà cả làng giao phó.
Thằng mõ không chỉ phục vụ cho người có chức sắc trong làng mà cho cả người dân. Làng có việc mời dân làng đi họp cũng nhờ mõ, nhà ai có việc báo hỉ, đám ma, đám giỗ thì cả gia đình nhà mõ được huy động đi thông báo mời cả làng. Ca dao xưa đã ghi:
Con cò chết rũ trên cây
Cò con mở lịch xem ngày làm ma
Cà cuống uống rượu la đà
Chim ri rả rít bò ra lấy phần
Chào mào thì đánh trống quân
Chim chích cởi trần vác mõ đi rao
Qua bài ca dao, ta dễ dàng nhận thấy mỗi loại chim đại diện cho một tầng lớp người trong xã hội và chim chích đại diện cho tầng lớp thấp nhất nên phải “cởi trần vác mõ đi rao”.
- Xem thêm: Tục ăn trầu ở châu Á
Trong vở kịch Thị Mầu. Thị Mầu chửa hoang bị dân làng phạt vạ. Thằng mõ đi rao báo tin cho cả làng biết. Nó vừa gõ mõ vừa rao:
Chiềng làng, chiềng chạ
Thượng Hạ, Đông, Tây
Con gái phú ông
Tên là Thị Mầu
Tự tình ngoại ý
Mãn nguyệt có thai
Mời già, trẻ, gái, trai
Ra đình ăn khoán…
Trong làng có tiệc, nhà mõ được dọn cho một cỗ riêng, nếu ăn không hết thì được mang về. Trong xã hội, vị trí chức sắc làng xã dù có thay đổi thế nào cũng không liên quan đến mõ. Người này xuống người khác lên thì cũng cần đến thằng mõ và cũng không vì thế mà thay đổi thằng mõ vì thằng mõ đứng ngoài các cuộc tranh chấp, không theo ai cũng không theo phe phái nào.
Do gần gũi với các chức sắc trong làng nên mõ biết rõ mọi chuyện, mọi cuộc tranh chấp giành quyền lợi của nhau nhưng mõ không ủng hộ ai. Con cái nhà mõ không được đi học, khi lớn lên cũng dựng vợ gã chồng cùng nghề mõ.
Vì vậy mà vô hình trung nghề mõ trở thành nghề cha truyền con nối. Thằng mõ làm việc siêng năng, đáng lẽ phải được đối xử tử tế nhưng không hiểu vì sao mõ bị khinh bỉ, chà đạp, hắt hủi chỉ biết cúi đầu để mọi người sai khiến.
Có lẽ cảm thông và muốn tạo sự công bằng mà trong một số tác phẩm văn học, một số tác giả đã đứng ra bênh vực, tạo tình huống bất ngờ để thằng mõ phát huy sở trường của mình, để mọi người thấy thằng mõ có thể làm được mọi việc kể cả những việc mà người khác không thể làm được để thằng mõ có một vị trí nhất định trong xã hội như thằng mõ của Ngô Tất Tố có tài băm thịt.
Chỉ một con gà mà thằng mõ có thể chặt ra làm 28 cỗ với 83 suất để chia cho cả dân làng. Nếu không nhờ “thiên tài” băm gà của thằng mõ thì làng khó tránh được sự tranh cãi nhiều ít, thậm chí đánh nhau vì tranh giành. Vua Lê Thánh Tôn cũng có một bài thơ Vịnh thằng mõ:
Gớm thay lớn tiếng lại dài hơi
Làng nước ưng bầu chẳng phải chơi
Mộc đạc vang lừng trong bốn cõi
Kim thanh rền rĩ khắp đôi nơi
Đâu đâu, đấy đấy đều nghe lệnh
Xã xã, dân dân phải cứ lời
Trên dưới quyền hành tay cất đặt
Một mình một cõi thỏa lòng xơi.
Qua bài thơ, ta thấy vị vua anh minh này cũng đã thấy được công lao to lớn của thằng mõ.
Truyện xưa tích cũ cũng đề cập đến việc thằng Mõ làm quan trạng với bài Vịnh Chiếc Mõ, thể hiện ước mơ thoát khỏi cuộc sống thấp hèn.
Vì thiên hạ điếc đã lâu ngày
Trời mới sanh ra chiếc mõ thầy
Phép nước vang lừng ran cửa miệng
Lệnh làng thét lẹt khét trong tay
Việc quan thúc bách ba dùi đốp
Lộc thánh gia ban mấy hộc đầy
Lốc cốc tre già măng lại mọc
Đầu đinh chót vót bỗng tầng mây.
Trong truyện Thằng Mõ của Nam Cao. Thằng mõ bị dân làng khinh miệt xa lánh, họ nói kháy, nói cạnh khinh khỉnh, không ai bắt chuyện, ăn cùng bàn với thằng mõ. Lúc đầu, thằng mõ còn buồn, tự ái nhưng về sau nó tặc lưỡi nghĩ: “Muốn nói, ông cho chúng mầy nói chán! Ông cần gì!”.
Thế là nhà ai có đám, hắn đến tự động bê mâm cỗ ung dung ngồi ăn, ăn không hết hắn gói mang về cho vợ con. Thậm chí hắn chọn những mâm cỗ to, rồi xin thêm thịt, xôi, cơm… không ai mang lên hắn tự xông vào bếp mà lấy. Hắn nghĩ: “Ăn không hết, kho nấu lại dành ăn 2, 3 ngày. Hà Hà! Phong lưu thật! Tụi bây cứ cười khỏe đi!…”.
Cách mạng tháng Tám thành công, nghề mõ trở thành quá khứ. Nhà mõ cũng được chia ruộng đất như những người dân bình thường khác, nghề mõ không còn trọng dụng, họ phải chuyển sang nghề khác, hòa mình với cuộc sống chung của mọi người, Từ đó, thành kiến đối với thằng mõ tuy chưa hết hẳn nhưng cũng giảm đi nhiều.
- Xem thêm: Tập tục ở rể của người miền Tây Nam bộ
Trong xã hội hiện nay, với hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, nhìn lại thế kỷ 15-16 thì việc thông tin qua thằng mõ như trên đã là một bước tiến bộ, thể hiện sự thông minh sáng tạo của con người.