Vương quốc Vùng Vịnh này sẽ lần đầu tiên mở cửa cho khách nước ngoài đến du lịch, trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ.
Theo Guardian, lần đầu tiên trong lịch sử, Saudi Arabia sẽ phát hành visa cho khách du lịch không đến đây vì mục đích tôn giáo, từ ngày 28-9. Đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào dầu mỏ.
Chương trình visa này sẽ dành cho công dân của 49 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Vương quốc Hồi giáo này vốn rất bảo thủ và đã đóng cửa biên giới của họ trong nhiều thập kỷ, nhưng trong những năm gần đây Saudi Arabia bắt đầu nới lỏng các quy tắc xã hội nghiêm ngặt. Phụ nữ không còn bị cách ly khỏi nam giới ở nơi công cộng, và họ được phép lái xe, không phải mặc áo choàng toàn đen.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Du lịch và Di sản Quốc gia Saudi Arabia, ông Ahmed al-Khateed khẳng định đồ uống có cồn vẫn sẽ bị cấm, và du khách được khuyến khích đến Saudi Arabia để “tận hưởng những thứ khác”.
“Mở cửa Saudi Arabia cho du khách quốc tế là thời khắc lịch sử đối với đất nước chúng tôi”, ông Ahmed al-Khateeb cho biết. “Du khách sẽ ngạc nhiên với những kho báu mà chúng tôi sẽ chia sẻ – 5 di sản thế giới được UNESCO công nhận, nền văn hoá đặc sắc và vẻ đẹp thiên nhiên ngoạn mục”.
Ông al-Khateeb cho biết chính sách mới cũng sẽ nới lỏng quy định về trang phục với du khách nữ, cho phép họ không phải mặc Abaya – áo choàng đen dài toàn thân bắt buộc tại nơi công cộng đối với nữ giới Saudi Arabia. Tuy nhiên, du khách nữ được yêu cầu phải mặc “trang phục khiêm tốn”.
Những điểm tham quan hấp dẫn tại Saudi Arabia gồm có tàn tích của người Nabata ở Madâin Sâlih, tổ hợp cung điện theo phong cách kiến trúc Najdi ở Ad-Diriyah, kinh đô của triều đại Saudi Arabia đầu tiên, và bờ biển Đỏ.
Cho đến nay, người nước ngoài chỉ được phép nhập cảnh vào Saudi Arabia theo dạng nhân công thường trú và người phụ thuộc, khách đến làm ăn và khách hành hương Hồi giáo được cấp thị thực đặc biệt để đến thăm các thành phố linh thiêng Mecca và Medina.
Động thái này cũng là một phần trong nỗ lực cải cách của Thái tử Mohammed bin Salman, người có tham vọng phát triển các ngành công nghiệp mới cho quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Chính phủ Saudi Arabia kỳ vọng du lịch sẽ đóng góp tới 10% GDP vào năm 2030, so với mức 3% hiện tại. Nước này đặt mục tiêu thu hút 100 triệu lượt khách gồm cả trong nước và quốc tế vào năm 2030, từ mức 40 triệu hiện nay.
Năm 2017, Saudi Arabia công bố dự án tỷ USD nhằm biến 50 hòn đảo và các vùng hoang sơ khác khu vực biển Đỏ trở thành các khu nghỉ dưỡng xa xỉ.
Việc phát triển ngành du lịch được cho là sẽ tạo ra hơn một triệu việc làm ở Saudi Arabia. Thái tử Mohammed bin Salman đang gặp khó khăn trong việc làm giảm tỷ lệ thất nghiệp ở vương quốc này, vốn đang ở mức trên 12%.