Có bao giờ bạn nhận ra người mình đang đối thoại có cách ăn nói giống như mình và bạn thấy hứng khởi, tự nhiên hơn khi nói chuyện với người đó?
Nhiều doanh nhân, giới chủ, các nhân sự cao cấp đã dày công nghiên cứu văn hóa, tập tục các nước, các vùng miền khác nhau.
Ngoài ra, họ còn tìm hiểu tâm lý, tính cách con người để có thể ứng xử tốt với các đối tác, đặc biệt là đối tác ngoại quốc. Điều này giúp họ thành công hơn trong các cuộc thương thảo cũng như thiết lập mối quan hệ mới.
Về mặt đối ngoại, nếu không ít người đầu tư công sức để thích ứng với đủ loại đối tác thì trong đối nội, tức là đối xử với chính những nhân viên của mình, đôi khi khi các doanh nhân, các nhà quản trị lại “quên” tìm hiểu tâm lý và văn hóa của đội ngũ nhân viên để cư xử cho phù hợp đối với từng người.
Thường thì các nhà quản trị có khuynh hướng thiết lập phong cách làm việc để những người xung quanh tuân thủ hơn là chịu ảnh hưởng bởi người khác.
- Xem thêm: Giữ nhân viên lâu dài bằng 5 R
Ngược lại, một số nhà quản trị, đặc biệt nữ doanh nhân, lại tinh tế hơn trong việc nhận biết phong cách, tính tình và những điều mong muốn của nhân viên. Từ đó, họ có những lối ứng xử phù hợp, giúp nhân viên cảm thấy thoải mái và dễ chịu.
Những nhà quản trị biết nhận ra trong đội ngũ nhân viên của mình ai là “bụt”, ai là “ma” để mặc “áo cà sa” hoặc “áo giấy” cho phù hợp bao giờ cũng dễ dàng khiến các nhân viên dưới quyền làm điều mình mong muốn.
Một mẹo nhỏ trong cách cư xử là dùng những từ ngữ trùng với điều mà nhân viên đang mong muốn hướng đến, hoặc những từ ngữ có ý nghĩa theo sở thích của họ, thậm chí những “từ cửa miệng” của họ.
Ví dụ, khi nhận ra được nhân viên mình đang phấn đấu để trở thành một chiến lược gia, nhà quản lý tìm mọi cơ hội để lồng từ “chiến lược” vào trong các cuộc trò chuyện về công việc.
Chẳng hạn, khi yêu cần nhân viên đó lập một kế hoạch nhỏ, nhà quản lý sẽ hỏi những câu như: “Chiến lược hoạt động của anh là gì?”.
Chẻ nhỏ mục tiêu nghề nghiệp của nhân viên để lồng ghép vào những việc cụ thể, đơn giản hằng ngày của họ sẽ giúp họ có thêm động lực trong công việc, thấy công việc hiện tại rất gắn bó với sự phát triển nghề nghiệp của mình.
Qua đó, nhân viên sẽ làm việc tích cực hơn, đem lại hiệu quả cao hơn cho doanh nghiệp, vì họ đã và đang làm việc như cho chính bản thân họ.
Ở một khía cạnh khác, những từ ngữ mà người nghe quen thuộc có tác dụng làm tăng hiệu quả giao tiếp, giúp đối phương cảm thấy thoải mái bộc lộ hơn, tiếp thu vấn đề dễ dàng hơn.
Cụ thể, nếu biết một nhân viên đã nhận được các giải thưởng về Toán khi còn là học sinh thì nhà quản lý tinh tế sẽ dùng những ví dụ, với các thuật ngữ chuyên môn trong môn Toán như tham số, ma trận, biến số… thay cho các từ ngữ tương tự, nhờ đó nhân viên sẽ mau hiểu ra vấn đề hơn.
- Xem thêm: Củng cố lòng tin của nhân viên
Đây cũng là một kỹ năng cơ bản trong nghệ thuật nói chuyện trước công chúng: cố gắng dùng những ví dụ cơ bản, dễ hiểu đối với người nghe để diễn đạt một vấn đề.
Tương tự, nếu biết chọn đúng lúc thì việc dùng những từ ngữ “cửa miệng” của nhân viên thay cho những từ chuẩn mực nhưng trang trọng cũng giúp nhân viên cảm thấy dễ gần với nội dung được truyền đạt hơn. Từ đó, họ cảm thấy dễ thích nghi với môi trường làm việc, thậm chí chịu khó bộc bạch suy nghĩ của mình với cấp trên.
Một hệ quả trái chiều có thể xảy ra khi nhà quản trị chưa đủ “nội công” là đưa nhân viên vào tâm trạng phòng thủ, khó chịu hay buồn cười nếu họ cảm thấy sếp của họ đang “diễn kịch” lộ liễu.
Do đó, nếu cảm thấy gượng ép vì cá tính của mình quá khác biệt so với nhân viên, tốt hơn cả là nhà quản trị chỉ cần tỏ ra thân thiện và luôn là chính mình.
Nếu có tác phong chuẩn mực, nhà quản trị luôn gây được ảnh hưởng đối với người đối diện, khiến họ dần dần bị chuyển hóa theo tác phong đó. Con người thường bị ảnh hưởng tích cực bởi những điều mà họ cho đó là chân, thiện, mỹ.