Càng gần đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, thị trường hoa tại Lâm Đồng càng sôi động. Cũng như các năm trước, các giống hoa mới nhập từ nước ngoài luôn được ưa chuộng hàng đầu, đem lại doanh thu đáng kể cho nhà vườn. Đời sống ngày càng nâng cao, nhu cầu chơi hoa mới lạ dịp tết cũng ngày càng lớn. Tuy nhiên, các trang trại, nhà vườn không dễ khai thác phân khúc hấp dẫn này vì việc nhập khẩu giống hoa mới còn nhiều khó khăn.
Nhiều giống hoa mới cung không đủ cầu
Suốt ba tháng qua, hoa hạnh phúc – loài hoa mới xuất hiện tại Việt Nam, được trồng tại trang trại Linh Ngọc (thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt) luôn trong tình trạng cháy hàng. Đây là giống hoa do trang trại Linh Ngọc nhập khẩu độc quyền từ Hà Lan. Không ít khách hàng chấp nhận thanh toán trước cả tháng để mua được vài trăm chậu hoa hạnh phúc trong dịp cuối năm.
Chị Phạm Thị Phương Hạnh, phụ trách kỹ thuật trang trại hoa Linh Ngọc cho biết, hơn hai năm qua, sau một thời gian xây dựng mô hình thử nghiệm thành công, trang trại đã sử dụng 1.600m2 để sản xuất các loại hoa lá trang trí nhập khẩu từ châu Âu, trong đó có 500m2 trồng hoa hạnh phúc. Ước tính trong ba tháng cuối năm 2018, mỗi tháng trang trại Linh Ngọc bán ra 500-600 chậu hoa và hàng chục ngàn cành hoa hạnh phúc. Khách hàng mua hoa hạnh phúc tại Linh Ngọc chiếm đến 70% đầu mối phân phối cho thị trường Đà Lạt, 30% còn lại cung cấp cho các khu du lịch lớn và các vựa hoa chất lượng cao ngoài tỉnh Lâm Đồng.
Dự kiến trong năm mới 2019, trang trại Linh Ngọc tiếp tục hợp tác liên kết với nông dân Đà Lạt để mở rộng diện tích trồng hoa hạnh phúc, đáp ứng thêm nhu cầu tiêu thụ còn rất lớn của thị trường trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. Với giá 100.000 đồng/chậu hoa hạnh phúc chất lượng cao vào cuối tháng 12-2018, người nông dân có thể thu lãi trên dưới 50 triệu đồng/1.000m2 trong hai tháng sản xuất.
Không quy mô như trang trại Linh Ngọc nhưng gia đình anh Nguyễn Thế Anh cũng được biết đến ở Đà Lạt do chuyên nhập các loại giống hoa mới ở Nhật về trồng mùa tết. Năm nay, gia đình anh Thế Anh chuẩn bị đưa ra hơn chục loại hoa lạ như trimestris lavatera (hoa cẩm quỳ), platycodon grandiflorum (hoa cát cánh hồng kép), tùng tuyết mai trắng… trồng trong các chậu nhỏ, có thể đặt trên bàn và trang trí trong phòng.
Nguyễn Thế Anh cho biết, đây là các loại hoa giống mới nên việc đưa ra trồng thử nghiệm mất rất nhiều thời gian để cây thích nghi với môi trường và để người trồng nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc. Hiện mỗi gốc hoa giống mới được nhập khẩu từ Nhật Bản về Đà Lạt gieo trồng thành công đang được gia đình anh Nguyễn Thế Anh bán với giá dao động khoảng 150.000 đồng.
Lâu nay, nhiều người trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao vẫn cho rằng để nâng cao giá trị sản phẩm hoa Lâm Đồng, điều cần làm là nhập nội một số giống hoa để khảo nghiệm và sau đó chọn mua bản quyền các loại giống có hiệu quả, năng suất, chất lượng và có khả năng xuất khẩu.
Theo thống kê, sản lượng hoa Đà Lạt hiện đạt khoảng 2,4 tỉ cành mỗi năm, mang lại thu nhập rất lớn cho nông dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Vì vậy, việc khơi thông nhập khẩu giống hoa nhằm giúp các tổ chức, cá nhân trồng thêm những giống hoa mới có chất lượng và sản lượng cao là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, do hạn chế trong tiếp nhận thông tin quốc tế, sự thiếu rõ ràng của một số thông tư, nghị định từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), người nông dân thường gặp khó khăn trong khâu tìm giống.
Thông tin, thủ tục về nhập khẩu giống hoa còn hạn chế
Ông Trương Ðức Phú – Giám đốc Công ty cổ phần cây giống Cao Nguyên (HIVICO), Phó chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết, nhìn chung, đa số các hộ nông dân sản xuất hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, cũng không có bản quyền, chủ yếu là dân tự làm giống hoặc do các cơ sở nuôi cấy mô cung ứng; cây giống rau và hoa bị thoái hóa, nhiễm sâu bệnh, giảm sút về năng suất và chất lượng rau, hoa…
Hiện nay, có đến 90% giống rau, hoa trên địa bàn tỉnh được nhập khẩu từ hơn 20 quốc gia trên thế giới. Vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp nhập khẩu giống của Việt Nam là phải chủ động xin nhập khẩu, đồng thời trồng khảo nghiệm để biết xem tình hình dịch bệnh thế nào mới có thể nhân rộng trồng giống mới theo nhu cầu của thị trường.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc không có kênh thông tin chính thức tầm quốc gia về giống đã khiến nông dân bị “mù” thông tin cây giống có bản quyền quốc tế. Người trồng hoa hoàn toàn phải tự mò mẫm tìm kiếm thông tin về cách nhập, nơi bán, hình thái cây hoa, thời hạn bảo hộ bản quyền, cách thức hoàn trả chi phí bản quyền giống.
Có rất nhiều giống hoa hết hạn bảo hộ bản quyền nhưng nông dân cũng không có thông tin khiến nhiều cơ hội phát triển giống hoa mới bị bỏ lỡ. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu giống đang gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục nhập khẩu giống mới, là những giống chưa có tên trong danh sách những vật thể thực vật được phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo quy định, trong hồ sơ nhập khẩu giống, để một giống rau, hoa nhập vào Việt Nam buộc phải có bản phân tích nguy cơ dịch hại của giống rau, hoa đó (viết tắt tiếng Anh là PRA – Pest Risk Analysis). PRA do nước xuất khẩu giống thực hiện, là hồ sơ do Bộ Nông nghiệp của hai nước xuất khẩu và nhập khẩu quyết định và thực hiện. Các doanh nghiệp xuất và nhập khẩu giống không thể tiếp cận và bị động chờ đợi. Đây là cái khó của người nhập giống.
Theo ông Lại Thế Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, ngoài khó khăn về kiểm dịch PRA thì hiện nay cái khó vẫn là việc tổ chức sản xuất, đánh giá thị trường xuất khẩu và nội tiêu của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cũng đang đề xuất với cơ quan chức năng cho nhập thương mại giống hoa.
Tuy nhiên, khi nhập thương mại về, đầu tiên phải đánh giá về mặt kỹ thuật có phù hợp với điều kiện ở Lâm Đồng; tiếp đến là phải tìm hiểu thị trường hiện đang chuộng loại nào để từ đó có kế hoạch sản xuất. Hiện tại, một số doanh nghiệp tham gia dự án nhập khẩu giống vẫn chưa hiểu về sản phẩm mình nhập, chưa tìm hiểu thị hiếu trong nước và xuất khẩu khiến cho việc nhập thương mại sẽ không bền vững.