Chạm đáy chưa? Dưới đáy liệu có còn có đáy sâu hơn?
Câu hỏi không dành riêng cho tình hình kinh tế.
Báo chí và công luận vừa rộ lên vụ Đồi Ngô với những đoạn clip quay bằng thiết bị mang vào phòng thi “trái phép”; nhưng nếu không trái thì có cách nào khác để chứng minh một thực tế mà ai cũng biết, biết rõ nhất lại chính là người trong cuộc? Song, chứng minh để làm gì, có thay đổi được gì không khi kết quả thi vẫn là 98,97% học sinh tốt nghiệp? Sự việc không dừng ở đó. Điểm thi đại học, cao đẳng năm nay được ghi nhận là khá “đẹp” vì “phổ điểm trung bình từ 15 điểm trở lên cao hơn năm ngoái”. Khoa học thống kê cũng như lý trí thông thường đều hiểu trình độ thí sinh trên số lượng lớn không ngẫu nhiên tăng giảm qua từng năm học khi không có yếu tố gây đột biến. Vậy những biến ảo tăng giảm, xấu đẹp kia có nguyên nhân từ đâu? Đề thi? Thang điểm? Người chấm? Áp lực của công luận? Nhu cầu tạo nguồn tuyển cho các trường? Hay nguyên nhân nào khác, chẳng hạn… lỗi hệ thống?
Nét mặt tươi cười của các học sinh trong ngày khai giảng. Ảnh Minh Đức
Vả lại, ai cũng biết – nhưng mọi người đều thản nhiên quên, hay họ đang “lờ”, “vờ” gì đó – rằng học không phải chỉ để thi, đánh giá năng lực học sinh không chỉ qua điểm số. Đổi mới giảng dạy, học tập chăng? Chương trình nhiều lần hô “giảm tải”, gánh nặng vẫn oằn vai cả thầy, trò và phụ huynh. Lâu lâu người ta lại hào hứng – rồi lập tức không khỏi băn khoăn – với những đề thi như “thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”, v.v… Hào hứng vì câu hỏi thiết thực, còn băn khoăn vì ai sẽ trả lời ai, và ai chấm điểm ai, người chấm thi và cả cấp trên của ngành, của đất nước liệu có đủ tự tin nghe câu trả lời và kiến giải của các bạn trẻ? Họ sẽ dựa trên tiêu chí nào để lượng giá, “cho điểm”? Cái gì, ai sẽ đảm bảo đáp án và cách hiểu đề, cách chấm thi là xác đáng, hợp lý và đủ chặt chẽ, công bằng, thuyết phục, giữa thực tế nhiễu nhương, đúng sai phải quấy từ lâu điên đảo ngoài xã hội, tư duy lý tính hay chuẩn mực đạo đức đều từ lâu mất vị thế ở nhà trường? Những câu hỏi này đặt ra khi mới đọc các đề thi được khen “hay”. Thực tế càng phũ phàng hơn, sau khi có kết quả chấm: hàng loạt thí sinh có điểm thi tuyển sinh đại học cao gấp hai, ba lần điểm thi cùng môn của chính mình cách đó không lâu ở kỳ thi tốt nghiệp phổ thông; thầy, trò và mọi người đều biết là rất bất thường.
Trong cuộc thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục 2005, một nhà giáo từng góp ý: dự thảo luật thể hiện quản lý tập trung quá nhiều, dùng quá nhiều từ “phải” (hoạt động giáo dục phải…, phương thức giáo dục phải…, nội dung giáo dục phải…, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải…, hiệu trưởng phải…, nhà giáo phải…). Và cảnh báo: “Hiện nay hệ quả xấu của quy luật “dùi gõ đục, đục gõ săng” khá rõ; thầy cô giáo dùng bạo lực với học sinh ngày càng phổ biến và với hình thức ngày càng khó chấp nhận là một trong những hệ quả của quan niệm sai lầm về giáo dục. Giáo dục không thể là áp đặt, càng không thể đơn thuần áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính hay bằng “mạnh hiếp yếu”. Từ bao lâu rồi, thực tế đã không được nhìn thấy, lời ngay không được lắng nghe, người lương thiện không được bảo vệ, vì thói quen áp đặt một cách nhìn từ trên xuống? Nếu nhà giáo luôn là “cấp dưới” trong thang bậc đó thì học sinh còn “dưới” cỡ nào?