Đầu tuần qua, Úc và New Zealand đón mừng quyết định của tòa án về việc Nhật Bản phải chấm dứt mùa săn bắt cá voi thường niên của mình kể từ 2014, nhưng mối quan ngại mới lại dấy lên khi chính quyền Tokyo vẫn có thể vượt mặt luật pháp và tiếp tục săn bắt cá voi với lý do phục vụ khoa học. Theo những gì công bố từ Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) trực thuộc Liên Hiệp Quốc, chương trình săn bắt cá voi của Nhật là hoàn toàn vì mục đích thương mại đi dưới “lớp ngụy trang” phục vụ khoa học, và do đó LHQ đã tiến hành thu giấy phép săn bắt cá voi hiện tại của quốc gia này. Tỏ ra vô cùng thất vọng với quyết định từ tòa án, phía Tokyo nói rằng họ sẽ tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định từ LHQ nhưng không loại bỏ khả năng sẽ tiến hành các chương trình phục vụ khoa học khác trong tương lai tại khu vực phía nam Thái Bình Dương ở phía nam châu Úc. Theo Ngoại trưởng New Zealand, Murray McCully, quyết định của ICJ đã đặt dấu chấm hết cho chương trình săn bắt của người Nhật nhưng họ có khả năng trở lại bất kỳ lúc nào và do đó nhiệm vụ của hai quốc gia lớn nhất châu Úc chính là đảm bảo mọi tiến trình đối thoại sẽ ngăn cản người Nhật trở về lối đi cũ. Trong khi đó, Bộ trưởng Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản, Yoshimasa Hayashi công bố rằng ngành săn bắt cá voi tại Nhật không chỉ được xem là một việc làm quan trọng mang tính văn hóa mà thịt cá voi cũng là một nguồn thức ăn rất thiết yếu và quan điểm của chính quyền Tokyo về việc sử dụng nó cho công tác khoa học là hoàn toàn không đổi. Hơn thế, ông Yoshimasa kêu gọi quốc tế hãy thôi việc phỏng đoán và theo dõi tỉ mỉ bước hành động tiếp theo của Nhật là gì.
Một tàu Nhật Bản đang đánh bắt cá voi
Từ năm 1986, Tokyo bị quốc tế lên tiếng về việc tận dụng kẽ hở luật pháp để săn bắt cá voi nhằm thu thập dữ liệu khoa học. Theo chính quyền Úc, kể từ năm 1988 đến nay, Nhật Bản đã giết ít nhất 10.000 động vật có vú khổng lồ này để lấy mẫu cho nghiên cứu khoa học. Theo các chuyên gia luật tại Đại học Western Sydney, đơn giản Nhật Bản có thể tái thiết kế chương trình nghiên cứu của mình để lách luật vì họ biết rõ ICJ khẳng định rằng nghiên cứu khoa học có thể bao gồm giết chết cá voi mà không hề xác định rõ số lượng bao nhiêu là được phép. Ngoài ra, ICJ cũng không thể tìm kiếm chứng cứ cho thấy việc nghiên cứu là không cần giết cá voi hay ít ra là giết một số lượng nhỏ hơn, nên sớm muộn gì Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục đưa ra những phương thức để hợp lý hóa số lượng và chương trình săn bắt của họ.
B. Trịnh theo AFP