Sau bao nhiêu đổi mới và cải cách, chúng ta vẫn chưa thoát khỏi tình trạng các cấp quản lý giáo dục đẽo cày giữa đường; mà người học, gia đình và thầy cô đều không tránh khỏi cảm giác là nạn nhân bất lực, trong khi, phân tích thêm một chút, ai cũng có dự phần ít nhiều là thủ phạm của vô số điều không như ý. Phải chăng chúng ta cần tự cứu thay vì chờ trời cứu?
Tự chủ, tự cường, làm được hay không?
Tự chủ ư? Trẻ em không làm được, không đủ sức khi chúng còn quá nhỏ. Bậc học đáng quan tâm nhất do vậy vẫn là nhà trẻ, mẫu giáo, ở giai đoạn đầu đời khi những yếu tố cơ bản của nhân cách được định hình, cũng là lúc trẻ dễ bị áp đặt, “ức hiếp” từ người lớn, với lý cớ trẻ “còn nhỏ”. Đó cũng là bậc học nhận được sự đầu tư ít nhất từ Nhà nước. Bất bình đẳng xã hội sẽ không tránh khỏi tái sản xuất rõ rệt và mạnh mẽ nhất ngay từ bậc học quan trọng này, để lại hệ lụy vô cùng lớn lao, lâu dài cho xã hội. Song nạn nhân không chỉ có những người nghèo khó. Ở thành thị, cha mẹ có điều kiện ngày càng lựa chọn trường quốc tế. Nền giáo dục quốc gia trong đó những gia đình có phương tiện nhất lại phải chọn – dù tự nguyện hay miễn cưỡng chẳng đặng đừng – giao con trẻ cho cơ sở giáo dục nước ngoài, chắc chắn không phải là bình thường, lành mạnh; dù động cơ của các gia đình nhiều khi là chính đáng.
Trong buổi thuyết trình của Hiệp hội Montessori quốc tế (AMI) tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, các trường sư phạm mẫu giáo và các cơ sở giáo dục mầm non cũng như những người quan tâm có cơ hội tìm hiểu hay cập nhật kiến thức về tư tưởng và kinh nghiệm của bác sĩ nhi khoa đồng thời là nhà giáo dục lớn người Ý Maria Montessori (1870-1952). Người tham dự đều thấy rõ người Việt Nam bức xúc về những khiếm khuyết, bất cập trong giáo dục và khao khát học hỏi những phương pháp giáo dục hiện đại để chăm sóc tốt cho con trẻ. Con đường thực hiện giáo dục theo tư tưởng Montessori tuy vậy không hề đơn giản, vì người dạy trẻ cần học cách tôn trọng trẻ như một con người độc lập với cha mẹ, thầy cô, xã hội, một nhân cách tự do, một hạt giống đã chứa trong bản thân nó mọi tiềm năng phát triển. Giáo dục là tạo điều kiện tốt nhất có thể để mỗi trẻ thơ trở thành con người mà nó có khả năng trở thành, chứ không phải là con người như người lớn mong muốn, kỳ vọng và thường áp đặt nó phải trở thành. Triết lý giáo dục nhân bản này sẽ chỉ phát huy tác dụng rộng rãi khi nó do người Việt thấm nhuần, áp dụng cho nhiều trẻ em Việt được hưởng thụ. Một bác sĩ nhi đã tự tìm hiểu phương pháp Montessori để trước hết là chữa trị rối nhiễu tâm lý cho cháu mình, rồi từ kinh nghiệm đó mở một trường mầm non Bambini. Sẽ tốt biết bao nếu có nhiều người biết tự cứu và mở rộng hoạt động cứu người như chị.
Thật ra, nỗ lực tự cứu của công chúng từ lâu đã khá tích cực. Người có tiền hoặc bằng mọi cách tự xoay xở được thì đã cho con đi “tị nạn giáo dục”, gởi chúng đến những môi trường học tập làm họ yên tâm hơn cả về chất lượng giáo dục, tính liêm chính trong hiện tại và năng lực cạnh tranh trong tương lai. Nông dân nghèo nhịn ăn nhịn mặc, bán mọi thứ bán được cho con đi học đại học với kỳ vọng “đổi đời”. Nhưng rồi kỳ vọng của người nghèo hay người khá giả có đạt được không, vẫn phụ thuộc phần lớn vào năng lực tự chủ, tự cường của từng bạn trẻ.
Nếu nhận dạng đúng căn bệnh trầm kha đã ăn vào cốt tủy của giáo dục Việt Nam hiện tại là chạy theo thành tích ảo, giá trị ảo, phải chăng phương thuốc cấp cứu trong tầm tay mọi thầy cô giáo có lương tâm, cha mẹ có trách nhiệm và ngay trong bản thân từng người học tuổi thiếu niên và thanh niên là tự thay đổi chính kỳ vọng và não trạng của mình?