Siết chặt nhập khẩu các sản phẩm thép mà trong nước đã sản xuất được là cần, song “một hàng rào kỹ thuật” không chuẩn sẽ trở thành giấy phép con làm hạn chế khả năng cạnh tranh, khiến doanh nghiệp (DN) thêm vất vả.
Công ty cổ phần Thép Việt Đức chuyên nhập khẩu thép cuộn cán nóng, sản phẩm trong nước chưa sản xuất được, có thuế suất loại có Bo bằng 0% (Bo là chất Boron gia cố độ cứng của thép). Từ khi áp dụng Thông tư 44-2013 của Liên Bộ Công thương – Khoa học và Công nghệ, ông Lê Phan Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Việt Đức khẳng định “không được lợi gì” từ việc hạn chế dòng nhập khẩu.
Không nên đánh đồng
Kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng, ngành thép gặp nhiều khó khăn do lượng tiêu thụ giảm mạnh, tồn kho tăng cao. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), các nhà máy trong nước đã sản xuất được 100% thép xây dựng, công suất lên trên 10 triệu tấn/năm, do một số địa phương cấp phép không theo quy hoạch.
Năm 2013 tổng lượng thép xây dựng cả nước đạt 5 triệu tấn, nhưng dư thừa lên tới 1,5-2 lần so với nhu cầu 300 tấn/tháng của thị trường.Đến nay, chưa có DN thép nào tuyên bố phá sản, nhưng việc cắt giảm sản xuất diễn ra hầu hết ở các DN thép trong nước. Ông Lại Quang Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Liên doanh sản xuất thép Vinausteel cho hay, tại Hải Phòng, có bốn DN luyện thép công suất 1 triệu tấn và ba DN cán thép công suất 60.000 tấn, ngừng sản xuất, khiến hơn 2.000 lao động không có việc làm.
Thời gian qua, một lượng lớn thép cuộn xây dựng của Trung Quốc nhập khẩu vào VN dưới mác thép hợp kim có Bo (thực tế không cần thiết trong xây dựng) để được hưởng lợi thuế suốt một thời gian dài. Thuế suất đánh vào hai loại thép này hoàn toàn khác nhau, thép cuộn thuế nhập khẩu là 12 – 15% còn thép hợp kim là 0%, nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thép VN và gây hụt thu ngân sách. Năm 2013, nhập siêu thép từ thị trường Trung Quốc tăng cao, khoảng 4,5 đến 5 tỉ USD, tương đương năm 2012. Giá thép phi 6, phi 8 nhập từ Trung Quốc bán tại VN rẻ hơn thép sản xuất trong nước khoảng 1 triệu đồng/tấn.
Thông tư liên tịch 44/2013 của Bộ Công thương và Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-2014 nhằm ngăn chặn các sản phẩm kém chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn cho doanh nghiệp ngành thép nội địa. Theo đó, quy định các nhà nhập khẩu thép trong nước sẽ phải công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm thép trong hợp đồng nhập khẩu.
Tuy nhiên, sau ba tháng áp dụng Thông tư 44, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) và nhiều doanh nghiệp ngành thép VN cho rằng “không cần thiết” áp dụng với sản phẩm thép trong nước chưa sản xuất được như thép tấm lá, cán nóng, cán nguội…, nhưng cần áp dụng với sản phẩm thép chứa Bo dạng thanh, dây và hình dùng làm thép cốt bê tông trong xây dựng.
Với thực tế đó, Chủ tịch VSA Hồ Nghĩa Dũng trong công văn gửi Liên Bộ Công thương – Khoa học và Công nghệ vào giữa tháng 5 đã đề nghị không đưa loại thép tấm cán nóng và thép lá cuộn cán nóng chứa Bo (mã HS 7225, 7226) vào diện phải điều chỉnh theo phụ lục II của thông tư. Điều này theo ông Dũng “tránh được tình trạng các DN phải khai sang dạng thép tấm cán nóng thông thường (mã HS 7208) để được áp mức thuế 0% do trong nước chưa sản xuất được”.
Coi chừng thêm giấy phép con
Rào cản phi thuế quan là một công cụ hữu hiệu, vừa tận dụng những lợi thế do tự do hóa thương mại mang lại, vừa bảo hộ sản xuất trong nước một cách hợp pháp. Nhưng những gì diễn ra trên thực tế ba tháng qua cho thấy Thông tư 44 chưa đủ sức để giúp cho DN thép VN phát triển, thậm chí còn gây bức xúc cho những DN nhập khẩu các sản phẩm thép trong nước chưa sản xuất được.
Lãnh đạo một DN nhập khẩu thép nhận xét việc quy định các nhà nhập khẩu thép trong nước phải công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm thép trong hợp đồng nhập khẩu “đang gây khó cho DN”. Lượng thép nhập khẩu ba tháng qua không giảm đi, DN thép trong nước chưa có dấu hiệu giành thêm thị phần, mà DN lại mất nhiều thời gian, chi phí hơn cho một lần nhập hàng. Riêng việc đăng ký kiểm tra chất lượng sản phẩm, DN đã mất thêm từ 3-20 ngày bởi đến nay, Bộ Công thương mới chỉ định bốn tổ chức kiểm định chất lượng thép trong nước. Ông này cho rằng: “Quá trình kéo dài này đã làm tăng chi phí vay vốn, ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng, giảm cạnh tranh của DN”.
Ngoài ra, Thông tư 44 có những điểm không phù hợp với thực tế, chẳng hạn, quy định DN nhập khẩu phải nộp bản đăng ký mục đích, năng lực sản xuất có xác nhận của Bộ Công thương và Hợp đồng mua bán hoặc ủy quyền của nhà sử dụng đối với thép tấm và thép cuộn cán nóng chứa Bo. Trên thực tế, việc mua với khối lượng lớn (mua buôn) để có giá cạnh tranh sau đó phân phối cho nhiều người (bán lẻ) là hoạt động bình thường của các DN, đôi khi đây cũng là hình thức đầu tư của các DN khi đã nghiên cứu, nắm bắt được thị trường. Những quy định này, theo giám đốc một DN xuất khẩu thép tấm, thực chất là một “giấy phép con”. Không nói rõ mức chi cụ thể cho mỗi lần nhập khẩu thép, song vị này khẳng định “có chi phí” và “nếu chỉ trăm nghìn hay vài triệu đồng thì đã không tính làm gì”.
Việt Nam đang hướng đến mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, hằng năm vẫn nhập khẩu các loại thép đặc biệt và thép hợp kim phục vụ cho các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành cơ khí chế tạo. Hằng năm, ngành thép phải nhập khẩu một khối lượng rất lớn nguyên liệu, thép thành phẩm và các loại vật tư khác, năm 2013 con số này là hơn 12,7 triệu tấn.
Việc kiểm tra, đánh giá sự phù hợp chất lượng thép theo ông Dũng “là một quá trình kéo dài” trong khi Thông tư 44 không quy định thời gian kiểm tra, giám định. Vì vậy, để tránh ùn tắc tại cảng và tránh những phát sinh nhiều chi phí của DN, đề nghị cho phép các nhà nhập khẩu có đủ điều kiện kho bãi được chở hàng về kho của mình và việc kiểm tra, đánh giá sẽ tiến hành sau đó, đồng thời quy định thời gian tối đa để thông quan.
Sau ba tháng triển khai Thông tư liên tịch 44/2013, có 470 DN đăng ký kiểm tra sản phẩm nhập khẩu, đã phát hiện được ba DN lợi dụng danh nghĩa thép hợp kim để nhập khẩu nhằm hưởng mức thuế suất 0%.