Cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa thu giữ hơn 1.200 chiếc túi giả hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuiton, Chanel, Gucci, Moschino, Dior, YSL và Charles & Keith.
Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và mạng xã hội trong những năm gần đây ở Việt Nam đã phần nào tạo cơ hội cho hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng lan tràn, trở thành một nỗi ám ảnh của những nhà bán hàng có uy tín.
Trên thực tế, cuộc chiến chống hàng giả trong lĩnh vực thương mại điện tử, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu, ngày càng trở nên cam go, đến nỗi nhiều người cho rằng nó là một mặt tiêu cực khó giải quyết triệt để của hoạt động giao thương trực tuyến.
Hàng giả “nở rộ” trong thương mại điện tử
Theo bản báo cáo hàng giả toàn cầu 2018 Global Brand Counterfeiting Report của ResearchAndMarkets.com, hàng chục ngàn sản phẩm giả hiệu đã xuất hiện trên Amazon trong hai năm qua, trong bối cảnh ngành kinh doanh bán lẻ toàn cầu trị giá hàng nghìn tỉ đôla.
Không chỉ Amazon mà Alibaba và các nhà bán lẻ khác đã không theo kịp với việc kinh doanh tăng vọt trong lĩnh vực cung ứng hàng trang điểm, chăm sóc da và các hàng hóa khác với con số đạt đến 1.800 tỉ đôla vào năm 2020, tăng 50% so với mức 1.200 tỉ đôla năm ngoái 2017.
Global Brand Counterfeiting Report cho thấy chỉ riêng trong thương mại điện tử mức thiệt hại do hàng giả hiệu đã lên đến 323 tỉ đôla năm ngoái.
Sự gia tăng của hàng giả trong thương mại điện tử làm trầm trọng thêm sự khủng hoảng về niềm tin đối với những công ty công nghệ có tên tuổi (Big Tech) như Apple, Google, Facebook và Amazon, vốn đã rất tệ vì các vụ tin tức giả mạo và thông tin sai lệch trên nền tảng của họ.
Hàng giả, hàng nhái hiện đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành thời trang toàn cầu, không những khiến doanh số bán hàng giảm sút mà còn làm mờ nhạt đi danh tiếng của những thương hiệu nổi tiếng.
Những năm gần đây, vấn nạn hàng giả, hàng nhái thời trang tràn lan trên các sàn thương mại điện tử là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng.
Riêng tại EU, ngành trang phục, giày dép và phụ kiện hiện đã bị để mất khoảng 26,3 tỉ euro doanh thu, theo số liệu chính thức của EU. Điều đó tương đương với khoảng 10% trên tổng doanh thu bán hàng.
Các mặt hàng này nhiều tới mức các thương hiệu xa xỉ bắt đầu nhắc tới vấn nạn này cả trên sàn catwalk.
Như trong bộ sưu tập Xuân-Hè 2017 của Alessandro Michele, dòng chữ tên thương hiệu GUCCI được xuất hiện to hơn mức bình thường trên chiếc áo bằng vải cotton jersey.
Hay như Dolce & Gabbana in dòng chữ “D&G” và “I was there” lên những chiếc áo T-shirt trắng để ám chỉ những chiếc áo đạo nhái được bán ở các cửa hàng lưu niệm rẻ tiền dành cho khách du lịch ở Ý, hay như chiếc áo tank top cố tình in chữ sai thành “Dolce & Gabbaba” trên ngực.
Đối với ngành thời trang, các trang web lừa đảo chỉ là một phần của vấn đề. Ngày nay, các mặt hàng giả đầy rẫy trên các sàn thương mại điện tử như eBay, Taobao, Amazon…
Alibaba, công ty sở hữu Taobao, bị chính phủ Mỹ đặt trong danh sách đen của những thị trường lừa đảo vì bán hàng giả vào tháng 12 vừa qua.
Công ty đã cố gắng dập tắt vụ việc bằng gửi yêu cầu tháo dỡ các mặt hàng giả và công khai thông báo rằng họ đang kiện hai nhà bán hàng giả đồng hồ Swarovski trên trang web ở Trung Quốc.
Bàn tay thép cho “thiên đường” hàng giả
Hàng giả và hàng nhái như túi, giỏ, mắt kính… đã được bán tràn lan ở Trung Quốc từ lâu. Và đó là một trong các yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch nước ngoài.
Tuy vậy, theo hãng tin Kyodo, Bắc Kinh có thể phải mạnh tay hơn trong việc chấm dứt tình trạng hàng giả tràn lan trước Thế vận hội mùa đông 2022, trước sức ép của Tổng thống Mỹ Donald Trump về “vấn đề sở hữu trí tuệ”.
Quan sát tại một trong những khu mua sắm nổi tiếng nhất ở Bắc Kinh, khu “Con đường tơ lụa” với vô số cửa hàng, du khách liên tục được người bán hàng đon đả mời mua hàng nhái và hàng giả.
Các món hàng giả lại hay nhái thương hiệu nổi tiếng của Trung Quốc lại là mối quan tâm của nhiều du khách.
Veronica – 16 tuổi và bạn bè của mình từ Mỹ đến Trung Quốc theo một chương trình đào tạo, thừa nhận: “Tôi không biết nhiều về Trung Quốc, tôi quan tâm ẩm thực. Tôi chọn đến Trung Quốc vì đồ giả ở đây vô cùng “chất”, chẳng hạn như đồ giả của thương hiệu Supreme”.
Một cái áo thun hay túi Supreme chính hãng có giá khoảng 100-300 đôla (từ 2,3 đến 6,9 triệu đồng). Do nhu cầu cao, nguồn hàng ít và chính sách không sản xuất lại, giá bán lại có thể lên đến cả ngàn đôla.
Trong khi đó, tại khu “Con đường tơ lụa” ở Bắc Kinh, người nước ngoài có thể trả giá 7 đôla (khoảng 165.000 đồng) cho một chiếc áo thun Supreme nhái.
Hàng giả của những thương hiệu nổi tiếng như Supreme, Gucci, Ray-Ban nhan nhản ở Trung Quốc và là yếu tố hấp dẫn du khách.
Việc đồng nhân dân tệ mất giá gần đây khiến việc du lịch đến Trung Quốc dễ dàng hơn. Tháp tùng chồng trong một chuyến công tác, một phụ nữ đến Chicago, Mỹ cùng con nhỏ 4 tuổi của họ đã tranh thủ đặt may áo sơmi, săn kính mát “fake” vì giá ở Trung Quốc quá rẻ so với ở Mỹ. Cô gặp may vì tới đúng lúc đồng nhân dân tệ có giá thấp nhất sau 11 năm vào tháng trước.
Đến nay, Bắc Kinh đã tăng cường xử phạt đối với hành vi xâm phạm nhãn hiệu và áp dụng các hệ thống kiểm tra thông minh để ngăn chặn việc xuất khẩu hàng giả ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, thế khó của Trung Quốc là du khách nước ngoài xem Trung Quốc là thiên đường hàng nhái.
Nhưng càng chống hàng giả, hàng nhái, những du khách như Veronica sẽ càng thất vọng.
Theo báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ, 72% hàng giả tại ba trong số các thị trường lớn nhất thế giới là Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Mỹ đã được xuất khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc này.
Thách thức ở Việt Nam
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, những tháng đầu năm 2019, bộ đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử cả nước rà soát, gỡ bỏ hơn 3.750 sản phẩm vi phạm xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái của gần 600 gian hàng và website.
Còn theo Tổng cục Quản lý thị trường, các phương thức, thủ đoạn của đối tượng vi phạm kinh doanh thương mại điện tử ngày càng tinh vi, người mua khó phân định thật giả như: Không có kho hàng hay cửa hàng mà chỉ tiếp nhận đặt hàng trực tuyến (online); phân tán hàng hóa nhiều nơi, giao hàng với số lượng nhỏ lẻ; bán hàng qua cộng tác viên trung gian; hàng hóa không có hóa đơn chứng từ và yêu cầu khách đặt cọc, thanh toán qua trung gian, thậm chí khéo léo dụ dỗ khách thanh toán hết mới chuyển hàng… Các thủ đoạn này không mới nhưng vẫn dễ khiến khách hàng “sập bẫy” do mất cảnh giác.
Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy, các vụ việc gian lận qua thương mại điện tử ngày càng phức tạp.
Tính đến hết năm 2018, tổng số sản phẩm vi phạm buộc gỡ bỏ trên các sàn thương mại điện tử là 35.943 và hơn 3.126 tài khoản/gian hàng trên các sàn đã bị khóa.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, hiện phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm kinh doanh thương mại điện tử ngày càng tinh vi.
Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online. Các đối tượng cũng phân tán hàng hóa nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ hoặc bán hàng qua cộng tác viên trung gian.
Hoặc nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế, nhiều đối tượng chỉ nhận đơn hàng, rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời… Do đó, các lực lượng chức năng rất khó tìm kiếm và xử lý các vụ việc vi phạm.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) chỉ ra, có ba loại hình thương mại điện tử tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại cao: bán hàng trên mạng xã hội, bán hàng trên các trang web và sàn thương mại điện tử.
Số gian hàng trên các trang web thương mại điện tử là vô hạn, không có ai chịu trách nhiệm. Hiện nay, hầu hết sản phẩm bán ra đều không có hóa đơn chứng từ nên việc xử lý càng khó khăn, không biết ai cung cấp hàng hóa cho các trang web này.
Chung tay chống hàng giả trên toàn cầu
Police Intellectual Property Crime Unit (PIPCU), được thành lập chỉ mới ba năm gần đây, có thể được xem là đơn vị đặc biệt về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chống hàng giả hàng nhái trên thế giới.
PIPCU đang nhắm vào các nguồn cung của mặt hàng này ra thị trường, đặc biệt đối với những tội phạm có tổ chức đang tăng, trục lợi từ việc mua bán.
Tuy nhiên, mức phạt nặng nhất 10 năm không đủ khiến giới tội phạm chùn bước, xu hướng kinh doanh thời trang trực tuyến ngày càng nhiều, càng dễ dàng gia tăng số người làm giả sản phẩm hơn.
Cùng với “Operation Ashiko” – một chiến dịch hợp tác giữa các hãng thời trang, tổ chức nhằm dập tắt các trang web kinh doanh hàng giả, PIPCU đã và đang cho dừng hoạt động của nhiều trang web lừa đảo.
Rất nhiều các trang web bán đồ giả, nhái từ các thương hiệu như Burberry, Longchamp, Prada, Gucci, Tiffany &Co… cùng với các thương hiệu đồ thể thao như adidas, Nike, Reebok đang hoạt động nhan nhản đã bị tiêu diệt bởi PIPCU.
Hàng giả nhiều nhất là giày dép, trong đó giày thể thao và giàu cao gót của các thương hiệu xa xỉ, thứ nhì là hàng phụ kiện như túi xách, trang sức và đồng hồ.
Khách hàng của những trang web này là những người ham hàng hiệu giá rẻ, một chiếc áo khoác giá chính hãng cỡ 15 triệu đồng, có thể chỉ được bán với giá chỉ 2-3 triệu.
Nhiều người mua hàng không thật sự biết rằng họ đang mua hàng giả, họ nghĩ là mình đang mua hàng thật với giá rẻ.
Các trang web giả thường đầy những hình ảnh, logo lấy từ thương hiệu thật, bên cạnh đó còn giảm giá mạnh cho các mặt hàng với ghi chú sản phẩm lấy từ “outlet” hay “last-season stock”.
PIPCU thường bắt đầu một cuộc điều tra khi một thương hiệu hay một nhóm kinh doanh tới báo cáo với cảnh sát về một sai phạm.
Sau đó cảnh sát sẽ vào cuộc, tìm kiếm trang web, chứng cứ, tiếp cận với công ty đăng ký tên miền Nominet tại UK để yêu cầu đóng cửa trang web đó.
Thường thì những thông tin liên quan tới một trang web lừa đảo sẽ dẫn tới nhiều trang web khác. Tính cho tới thời điểm này, PIPCU đã cho đóng cửa lên tới 19.000 trang web giả.
Sự thành công của họ đã tạo sự lạc quan tích cực cho những người đang làm luật trên khắp châu Á và châu Âu, khắp mọi nơi họ đang cân nhắc về việc thành lập những đơn vị cảnh sát giống như PIPCU.
Thomas Sabo, thương hiệu trang sức và đồng hồ thường bị làm giả sử dụng rất nhiều phương pháp bao gồm cả việc thuê công ty bảo vệ thương hiệu như Global Eyez để tìm kiếm danh sách đồ giả trên sàn thương mại điện tử Taobao và các nơi mua bán khác.
Thomas Sabo cho biết: “Hầu hết các khách hàng của chúng tôi đều không muốn mua hàng nhái nhưng họ đang bị lừa bởi các trang web lừa đảo và họ thậm chí không biết rằng họ đang mua hàng giả, hàng nhái trực tiếp từ Trung Quốc”.
Ngoài ra, họ còn làm việc với Google để đảm bảo rằng các trang giả không xuất hiện trên trang kết quả đầu tiên khi tìm kiếm thương hiệu.
Các doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu như Incopro (làm việc với các khách hàng như Richemont) và Markmonitor đều sử dụng công nghệ để ngăn chặn những kẻ làm hàng giả với quy mô rộng lớn, tìm kiếm những người thường xuyên vi phạm và quảng cáo trên Facebook hay bán hàng trên eBay.
Số lượng lớn những vi phạm ở mức độ thấp hơn có thể ngăn chặn bằng việc tháo dỡ các thông tin trên các trang bán hàng hay lấy đi tên miền.
Các thương hiệu có thể nhắm đến các đối tượng bán hàng giả bằng tố tụng dân sự và thậm chí hình sự.
Lệnh khóa các trang web cũng là một cách hiệu quả, đặc biệt nếu trang web nằm ở một đất nước nơi tiến hàng tố tụng trở nên khó khăn.
Trong quá khứ, thủ thuật này đã buộc các nhà cung cấp internet phải khóa những trang bán đồ giả.
Vào tháng 7 năm ngoái, tòa án cấp phúc thẩm Anh đã phán quyết ủng hộ quyết định nhằm buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet như Sky và TalkTalk chặn các trang web bán vòng tay giả mạo của thương hiệu Richemont (tập đoàn sở hữu thương hiệu Catier và Chloe).
“Đó thật sự là một cuộc chiến, và đó là cuộc chiến khốc liệt và trên không gian mạng, những đối tượng vi phạm thậm chí thiết lập nhiều trang web cùng một lúc để giấu đi danh tính của mình” – Julia Dickerson, luật sư cấp cao tại Công ty Luật Baker & McKenzie, giải thích và hy vọng: “Vấn nạn này sẽ không xóa bỏ được trong tương lai gần, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta chấp nhận thất bại”.