Trong bài thơ vui Thơ cóc nổ, tác giả vô danh trào phúng: “Hận đời không đối thủ. Hận mình quá tài ba…”. Cứ tưởng đó chỉ là khoe khoang thái quá của kẻ “nổ”, ai dè một người cũng cần đối thủ lắm.
Không phải tự dưng mà Raphael điên cuồng phấn đấu để trở thành danh họa. Cũng không phải tự nhiên Newton lại ghét cay ghét đắng Leibniz hay Constable đang yên đang lành tự tay phá hủy kiệt tác mất cả 10 năm mới hoàn thành.
Turner đấu Constable
Ngược dòng thời gian trở về ngày 20.5.1832 tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh, bạn sẽ thấy nơi đây đang rộn ràng buổi triển lãm các kiệt tác hội họa. Từ John Constable (1776-1837), họa sĩ phong cảnh nổi tiếng nhất đương thời cho đến J.M.W.Turner (1775-1851), nhà tiên phong của trường phái Ấn tượng đều có mặt. Khách khứa tham dự đông nườm nườm. Không biết vì chưa kịp hoàn thành hay cố ý để lại một chút để trổ tài trước mặt công chúng, Constable bận rộn chấm chấm, phết phết những nét cuối cùng lên bức The Opening of Waterloo Bridge của mình. Ai nấy túm tụm lại xem.
Ngay bên cạnh The Opening of Waterloo Bridge của Constable và Helvoetsluys của Turner, bức tranh vẽ cảnh những cánh buồm nghiêng ngả trong dông bão trên mặt biển. Để hoàn thành bức họa này, Turner đã phải mất những 10 năm. Thế nhưng mọi người lại cứ cắm mắt vào The Opening of Waterloo Bridge của Constable thay vì bận tâm đến Turner và tác phẩm sẽ đưa hội họa sang một xu hướng mới.
Bức xúc mà không thể công khai nổi cáu được, Turner bèn nghĩ ra một cách lôi kéo sự chú ý của đám đông: vẽ thêm một cái phao màu đỏ chót nổi lềnh bềnh trên mặt nước biển xám xịt. Đến lúc này thì chẳng ai còn “bơ” Helvoetsluys được nữa. Có điều nguyên nhân khiến họ đổi hướng ánh mắt chỉ là vì quá kinh ngạc. Với cái phao ngớ ngẩn, Turner rõ ràng đã tự tay làm hỏng bức tranh. Nhà danh họa không hối hận vì dù gì, ông cũng đã đánh bại được Constable. Vụ “giật khách” này không chỉ là cú “knock out” trực diện, mà còn đồng thời rửa hận năm ngoái. Trong một cuộc triển lãm khác vào năm trước, Constable đã lấy uy ra ép ban triển lãm phải gỡ tranh của Turner xuống, treo tranh của ông lên.
Xét về năm sinh thì cả 2 gần bằng tuổi nhau. Mặc dù Constable có tiếng hơn, nhưng Turner mới là người được xem như thiên tài. Chính nhờ có ông, hội họa Anh mới chuyển tiếp, bước sang thời đại mới. Hành động “lạm quyền” của Constable khiến Turner vừa cay đắng, vừa bất phục. Thế nên khi có cơ hội đối đầu trực tiếp, ông nhất quyết phải thắng cho bằng được.
Thiên tài đối địch
Ngoại trừ cuộc đối đầu giữa Turner và Constable, thế giới vẫn còn nhiều trận đụng độ nảy lửa khác giữa các thiên tài. Lùi lại một chút vào thế kỷ XVII, bạn sẽ thấy cuộc hơn thua toán học kịch liệt giữa Isaac Newton (1643-1727) và Gottfried Leibniz (1646-1716).
Newton của Anh thì có lẽ tất cả chúng ta đều biết. Nhờ có ông, cái gọi là “định luật vạn vật hấp dẫn” được mọi người biết đến. Còn Leibniz là nhà triết học người Đức, tác giả của vi tích phân. Ngay sau khi Leibniz công bố với thế giới nghiên cứu vi tích phân của mình, ông bị Newton kiện tội “ăn cướp”, tuyên bố từ 20 năm về trước, mình đã hoàn thành lý thuyết toán học này. Kể từ lúc ấy trở đi, hai người trở thành kẻ thù. Newton ghét cay ghét đắng Leibniz, đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn không tha thứ. Vì là người dẫn đầu khoa học Anh đương thời nên Newrton còn huy động được lực lượng về phe mình lớn mạnh, dựng tường chắn vô hình ngăn cách giữa cộng đồng nghiên cứu Anh và Đức 10 năm trời liên tiếp.
Kỳ thực thì “thâm thù đại hận” của Newton có phần vô lý. Tuy ông đã nghiên cứu vi tích phân từ 20 năm trước, nhưng lại bí mật chứ không công khai, còn Leibniz mặc dù “dẫm chân” Newton, nhưng chỉ là vô tình. Nghiên cứu vi tích phân của ông là độc lập, chẳng dính dáng gì đến vi tích phân của Newton.
Đến thế kỷ XIX-XX, bùng nổ cuộc đối đầu giữa Thomas Edison (1847-1931) và Nikola Tesla (1856-1943). Nhắc đến Edison (Mỹ), đến cả trẻ con cũng biết ông là “cha đẻ” của điện. Còn Tesla (Mỹ) là kỹ sư điện nổi tiếng tương đương, chủ nhân của phát điện xoay chiều. Nghe đồn Tesla tuy tài giỏi nhưng lại thuộc kiểu “nhà bác học điên”, ít được tin tưởng. Edison thì ngược lại, được cả thế giới tín nhiệm. Vì Tesla nghiên cứu và làm việc dưới trướng Edison nên bao công lao, phát minh mới đều bị cướp hết, thậm chí còn quỵt luôn tiền thưởng. Bất mãn, Tesla bỏ đi, tự lập công ty riêng.
Sang thế kỷ XXI là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Steve Jobs (1955-2011) và Bill Gates (1955), hai thiên tài công nghệ. Suốt 30 năm, hai người đàn ông quyền lực này lúc vui vẻ hợp tác, khi trở mặt thành thù, đối đầu kịch liệt.
Trên tất cả, mọi thiên tài có đối thủ đều nỗ lực vượt mặt lẫn nhau. Họ ganh đua thành tích, dồn toàn bộ thời gian, công sức cho việc chiến thắng đối phương, vô hình trung tự “nâng cấp trình độ”, mỗi ngày một sáng tạo, phát triển hơn. Phát hiện của nhà tâm lý Gavin Kilduff (Mỹ) cũng cho thấy đa phần các “cặp cạnh tranh” nảy lửa này đều cùng tuổi, giới tính, địa vị xã hội. Bởi vì cứ bằng tuổi nhau nên thành ra khó chấp nhận, luôn đố kỵ, muốn vươn lên dẫn trước.
Ruột thịt cũng hơn thua
Chẳng phải đi đâu xa mà ngay trong nhà hay bên cạnh chúng ta cũng đầy các vụ anh em đối chọi. Không phải tự nhiên mà tổ tiên lại truyền câu khuyên can “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
Theo sử gia Frank Sulloway của Mỹ, chuyện anh em đấu đá là hết sức bình thường. Lớn lên trong cùng một môi trường, cạnh tranh là lẽ đương nhiên, bao gồm từ ganh đua tình cảm tài sản vật chất. Sau khi phân tích tiểu sử của 4.000 nhà nghiên cứu và khoa học của thế kỷ XVIII-XIX, Sulloway phát hiện 83 cặp anh chị em ruột. Điều thú vị là thành quả phát hiện lý thuyết mới của các em cao hơn các anh (chị) những 7,3 lần. Còn khi đối đầu trực diện, chiến thắng lại đổi vai: anh (chị) thắng nhiều hơn gấp 3,2 lần.
- Xem thêm: Chuyển đối thủ thành đối tác
Vào năm 2012, Viện Công nghệ Dublin của Ireland tiến hành một cuộc khảo sát về anh chị em ruột và công bố kết quả: 1/3 các anh chị em luôn có đối đầu, 15% còn thù địch đến mức không thèm nói chuyện với nhau. Khoảng cách tuổi tác giữa các anh chị em ruột càng hẹp bao nhiêu, sự ganh ghét lại càng lớn.
Sau đối địch cá nhân là đến đối địch xã hội. Từ các nhóm, làng, thành phố cho đến quốc gia, khu vực, đâu đâu cũng xuất hiện sự đối đầu. Lịch sử nhân loại đi cùng với lịch sử chiến tranh, bao gồm từ chiến tranh dân tộc đến chiến tranh tôn giáo. Hậu quả của nó là thế giới bị chia cắt, nạn diệt chủng, giết chóc, hãm hiếp hoành hành. Chỉ tính riêng cuộc diệt chủng Holocaust (1941-1945), đã có tới 6 triệu người Do Thái bị thảm sát.
Lợi-hại song hành
Đối thủ là “người đương đầu với mình để tranh hơn thua”. Không thể phủ nhận sự ganh đua khiến chúng ta phấn đấu hết mình, ngày càng tiến bộ song ngược lại, lắm lúc cũng nảy sinh hành vi vô đạo đức, ví dụ như gian trá, trộm cắp, vu khống…
Để đánh bại đối thủ thì ngoài việc cố gắng vượt qua họ, còn có cách phá hoại, “dìm hàng”. Giả sử tin đồn Edison “vắt chanh bỏ vỏ” Tesla là thật, thì rõ ràng sự kình định trong thế giới thiên tài cũng đầy rẫy sự xấu xa. Để ý một chút trong thế giới ngày nay, bạn sẽ thấy vô số vụ bê bối. Người ta không ngại dùng các kế sách quỷ quyệt, miễn hạ bệ được đối phương.
Tuy nhiên, “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Giống như đạo diễn điện ảnh Orson Welles (Mỹ) từng phân tích: “Trong suốt 30 năm thời Borgias ở Ý là chiến tranh liên miên, khủng bố, giết chóc và đổ máu, nhưng lại hình hài nên Michelangelo, Leonardo da Vinci và thời kỳ Phục hưng”. Cũng nhờ có cạnh tranh, mọi người mới được trao cơ hội để thể hiện mình. Vả lại không phải tất cả đều cố chấp không nhận thua. Nhiều thiên tài thoải mái công nhận năng lực của các thiên tài khác, hiểu rõ câu “Thiên ngoại hữu thiên”. Ngay cả khi bị Michelangelo (1475 – 1564) vẽ đè lên tác phẩm của mình mà vì nó quá đẹp, thiên tài mới nổi cùng thời Raphael (1483-1520) còn cam chịu “tâm phục khẩu phục”, buông bỏ sự đối địch kéo dài.
Nếu bạn đang sầu tủi giùm Raphael thì không cần đâu. Sau khi từ bỏ đấu tranh với bậc tiền bối tính tình như trẻ con Michelangelo, ông tự mình phát triển một xu hướng điêu khắc, hội họa mới, cuối cùng hoàn toàn đánh bại Michelangelo.
Nên chuyển vào tự đấu
Hiện nay, bạn đang xem ai là đối thủ của mình? Nhà tâm lý học Carl Jung (Thụy Sĩ) bảo rằng, người đó có nhiều điểm giống với bạn. Có điều, cái sự “giống” ấy khó chịu vô cùng, bởi giống toàn những bản tính bạn thậm ghét, cố gắng che giấu, ví dụ như thói tham lam, sự hung hãn, nỗi bất an, tổn thương… Jung gọi tập hợp những thứ đó là “cái bóng”.
- Xem thêm: Tìm hiểu đối thủ cạnh tranh
“Con người luôn phủ nhận khuyết điểm của bản thân và đổ vấy nó lên kẻ khác”, nhà phân học Sigmund Freud của Áo từng khẳng định. Mỗi người đều chứa trong mình một “cái bóng”. Chúng ta cố gắng đè nén, quên đi nó nhưng lại luôn nhận thức được sự tồn tại của nó. Thế nên ngay khi vừa thấy một người cũng mang “cái bóng” giống với “cái bóng” của mình, vô thức lập tức nhận diện được ngay. Khát khao đàn áp cái bóng thức dậy, biến chúng ta thành kẻ truy kích, quyết “diệt” bằng được kẻ trước mặt. Thắng người đó cũng tức là thắng mặt tối của bản thân.
Cuối cùng, kẻ mà ta thù ghét lại chính là bản thân. Giả như bạn đang ghét cay ghét đắng một ai đó, hãy cẩn thận suy xét lại! Cả đời một người bị xoay vần bởi “cái bóng”, liên tục phải đấu tranh, áp chế. Song chỉ một số ít là dám thẳng thắn thừa nhận mình có nó, khởi động cuộc chiến với bản thân.
Sự thật là “cái bóng” không phải chỉ toàn là xấu. Mặc dù nó chính xác là những thứ bạn không muốn bày ra cho mọi người thấy, nhưng lại sẵn sàng làm đối thủ cho bạn đấu cả đời. Chỉ chiến thắng cái bóng, bạn mới vượt lên bản thân và trưởng thành hơn. Cũng như bạn nỗ lực hoàn thiện mình, cái bóng cũng tiến bộ không ngừng để xứng tầm, còn đặt đằng sau một kho “giải thưởng”. Mỗi lần bứt phá giới hạn, bạn lại được tặng vô tận niềm vui, cảm hứng sáng tạo, sự mạnh mẽ…
Đừng cố giấu nhược điểm hay áp đặt nó lên người khác! Khẳng khái đối mặt và chiến đấu, đó mới là cách tốt nhất.