Những ngày gần đây, khi người tiêu dùng hoang mang không biết tìm rau sạch ở đâu để đảm bảo bữa cơm gia đình thì ở một khía cạnh khác, nông dân trồng rau đang phải đau đầu với bài toán đầu ra.
Với cách làm ăn tự phát, quy mô nhỏ lẻ, thiếu đầu tư công nghệ… nông sản Việt chưa thể gây dựng được tiếng vang cho sản phẩm trên thị trường, thậm chí, một số trường hợp rau bẩn “đội lốt” rau sạch trà trộn vào các siêu thị uy tín đã khiến người tiêu dùng trong nước mất lòng tin. Bên cạnh các chính sách vĩ mô nhằm quy hoạch sản xuất – bảo quản – thu mua – phân phối rau sạch sao cho phù hợp tình hình hội nhập với những yêu cầu khắt khe hơn về an toàn – chất lượng, sự vào cuộc của những tập đoàn lớn là những điểm sáng góp phần giúp rau sạch Việt tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Rau sạch và bài toán cung – cầu
Mặc dù nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng trong nước là rất lớn, các hệ thống phân phối hiện vẫn chưa đáp ứng được thì có một thực tế đang diễn ra tại hầu hết tại các vùng chuyên canh rau an toàn là người trồng rau vẫn phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tại hội nghị “Tổng kết dự án vùng sản xuất rau an toàn 2008-2015” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp tổ chức tháng 11 vừa qua, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất rau an toàn trên địa bàn cho biết hiện nông dân vẫn phải bán rau an toàn cho thương lái với giá bằng rau thường vì không tìm được đơn vị liên kết. Bên cạnh đó, giá bán các sản phẩm không ổn định, chưa có nhãn mác thương hiệu, chưa có nhà sơ chế đúng quy định, điểm bán tại các chợ còn lẻ tẻ là những yếu tố khiến việc sản xuất rau an toàn ngày càng thu hẹp.
Tại các xã chuyên canh rau an toàn tại huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn (TP.HCM), tình hình tiêu thụ rau an toàn cũng chẳng khá hơn. Hiện nay, việc xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối hỗ trợ đầu ra cho rau sạch đã được nhiều hợp tác xã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai. Tuy nhiên, với quy mô nhỏ lẻ, chưa có sự cam kết bao tiêu sản phẩm với nông dân… nên tình trạng nông dân xé lẻ sản phẩm ra bán vẫn diễn ra, không đảm bảo nguồn cung các doanh nghiệp thu mua khi có nhu cầu khiến các mô hình liên kết này dễ bị phá vỡ.
Bên cạnh bài toán cung – cầu, tình trạng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng trà trộn vào các điểm bán uy tín đã khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào rau sạch. Vụ việc nổi cộm nhất là đầu năm 2015, hàng loạt các siêu thị lớn đã quyết định tạm ngừng nhập và bán mặt hàng rau sạch của Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến rau an toàn Ba Chữ (Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội). Thay vì sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc và đảm bảo an toàn, công ty này đã nhập sản phẩm tại một chợ đầu mối nông sản. Đặc biệt, theo phản ánh trên báo Lao Động, khi đi thực tế tại xã Vân Nội – nơi được kỳ vọng là một trong những vùng sản xuất rau an toàn chuyên canh lớn nhất Hà Nội, một thực trạng đáng buồn là nhiều nông dân lại chẳng dám ăn chính rau mình trồng vì hầu hết đều đã được phun thuốc hóa học. Đầu ra của nhiều doanh nghiệp sản xuất rau an toàn “thật” tại Vân Nội vì thế cũng trở nên bấp bênh hơn.
Sinh khí mới từ sự đầu tư của các tập đoàn lớn
Nông nghiệp là ngành được dự đoán có khả năng cạnh tranh kém nhất khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thực thi. Trong khi nông nghiệp các nước có sự đầu tư bài bản về công nghệ, đảm bảo được các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng để xuất khẩu thì sản xuất nông sản Việt vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, khó quản lý về cả số lượng lẫn chất lượng. Với rau sạch, trước hết, phải thay đổi sản xuất theo quy mô lớn và áp dụng công nghệ tiên tiến mới có thể đảm bảo chất lượng và số lượng phục vụ thị trường trong nước trước khi bàn đến xuất khẩu.
Phát biểu tại hội thảo “Đầu tư vào nông nghiệp thời TPP” diễn ra tại TP.HCM ngày 21-11, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, để phát triển nông nghiệp thời hội nhập, cần xây dựng chương trình nông thôn mới, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trong tất cả các khâu chọn giống, canh tác, bảo quản, chế biến, phân phối và tiêu thụ; đồng thời, cần hình thành vùng sản xuất lớn, tạo mối liên kết, gắn kết chặt chẽ các công đoạn, hướng tới chất lượng… Đây không phải là lần đầu những giải pháp này được nhắc đến, thế nhưng, đây có lẽ là thời điểm cấp thiết nhất để thực hiện khi nông nghiệp nước ta đang cần gia tăng lợi thế cạnh tranh nếu không muốn thua thiệt ngay chính tại sân nhà.
Trong khi các chính sách vĩ mô cần có một thời gian mới đi vào hiện thực, hiện nay, nhiều tập đoàn lớn đang đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp, đặc biệt là rau an toàn. Điều này đang tạo ra niềm tin về những thương hiệu nông sản Việt đủ uy tín phục vụ thị trường và mở ra cơ hội xuất khẩu. Đơn cử, Tập đoàn VinGroup gần đây đã đầu tư vào rau sạch với thương hiệu VinEco. Được biết, với mức đầu tư 91 triệu USD, VinEco đã áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến từ Nhật Bản, Israel để sản xuất rau theo mô hình tập trung khép kín trên 500 hécta tại tỉnh Vĩnh Phúc, giúp rau quả VinEco đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đặc biệt, với thế mạnh chuỗi hệ thống phân phối Vinmart, Vinmart+, rau sạch của VinEco sẽ nhanh chóng phủ sóng khắp cả nước để thâm nhập thị trường. Dự kiến, VinEco sẽ cung cấp 4.000 tấn rau/ngày ra thị trường.
Tập đoàn FPT gần đây cũng vừa cho biết sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để đầu tư vào nông nghiệp với tham vọng biến cao nguyên Mộc Châu (tỉnh Sơn La) thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hiệu suất cao như Đà Lạt (Lâm Đồng). Được biết, FPT cũng khởi xướng hình thành câu lạc bộ doanh nghiệp nông nghiệp số với việc áp dụng internet và các phần mềm nhằm tự động hóa việc tưới, bón phân, cho phép việc sản xuất có chất lượng và hiệu suất cao hơn. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Phúc Sinh, Hùng Vương, TH True Milk… với thế mạnh về vốn và quản trị cũng đã đầu tư nhiều dự án lớn, hứa hẹn sẽ mang lại sinh khí mới cho nông nghiệp Việt.
Bài toán hội nhập đang mở ra nhiều cơ hội lẫn thách thức cho nông nghiệp nước nhà. Sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế là xu thế tất yếu để xây dựng thương hiệu cho rau sạch nói riêng và nông sản Việt nói chung để cạnh trạnh trong nước và quốc tế. Điều này người nông dân không thể đáp ứng được. Sự đầu tư của các tập đoàn lớn đã góp phần giải quyết một phần cho bài toán này, thế nhưng, những chính sách vĩ mô từ nhà nước để thống nhất tiêu chuẩn chất lượng, xóa bỏ những rào cản về đất đai, tiếp cận vốn, minh bạch trong quy hoạch vùng sản xuất, liên kết khâu sản xuất – phân phối… mới có thể tạo động lực để dẫn dắt doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng người nông dân trong quá trình hội nhập.