Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ tham gia vào nhóm các đồng tiền dự trữ quốc tế. Hiện tại chỉ có đồng đôla Mỹ, euro, yen Nhật và bảng Anh đóng vai trò này.
Hồi đầu tháng này, Giám đốc IMF Christine Lagarde hậu thuẫn đưa đồng nhân dân tệ vào cùng nhóm này. Nếu quyết định được đưa ra, đồng nhân dân tệ có thể sẽ tham gia vào giỏ tiền tệ này vào năm sau và ban đầu có tính tượng trưng.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ vào năm ngoái đề nghị để đồng tiền của họ trở thành một đồng tiền dự trữ. Các quan ngại về việc Bắc Kinh giữ đồng nhân dân tệ thấp giả tạo để giúp các nhà xuất khẩu là một trong những lý do tại sao trước đây đồng tiền này đã không đáp ứng được các tiêu chí như đồng tiền dự trữ mà IMF đặt ra.
Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc đã nỗ lực giành sựủng hộ để đưa đồng nhân dân tệ tham gia vào nhóm các đồng tiền dự trữ, và một báo cáo gần đây của IMF đã ủng hộ cho động thái này. Theo ông Eswar Prasad, cựu quan chức cấp cao tại Trung Quốc của IMF việc đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền thứ năm trong giỏ tiền tệ sẽ là một “bước ngoặt trong lịch sử tài chính quốc tế và xác nhận những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc khôi phục nền kinh tế Trung Quốc và rất có thể sẽ thúc đẩy chính phủ thực hiện những kế hoạch cải cách lớn hơn”.
Cũng liên quan đến đồng nhân dân tệ, giới phân tích thuộc Bank of America Merrill Lynch (BoA) vừa cảnh báo đầu tuần qua, là đừng vội cho rằng sẽ tăng giá trong bối cảnh hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên xa cách hơn bao giờ hết. Trước thềm hội nghị các lãnh đạo cao cấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong tháng 12, câu hỏi đặt ra không phải là liệu nền kinh tế Mỹ có thể tiếp tục vững vàng trong điều kiện lãi suất tăng và đồng USD tăng giá hay không, mà là liệu Trung Quốc có thể tiếp tục lệ thuộc vào Mỹ nếu lãi suất lẫn tỷ giá so với USD tăng cao. BoA tin rằng mối quan hệ tương hỗ USD/nhân dân tệ vốn là kim chỉ nam cho mô hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu suốt 15 năm qua sẽ đến hồi kết. Rõ ràng việc hạ giá đồng nhân dân tệ gần 2% vào ngày 11-8 cho thấy Bắc Kinh không hề có ý định giúp giới xuất khẩu gia tăng thị phần trên thị trường cung cầu hàng hóa thế giới như đã từng làm trong hơn một thập niên qua, trái lại động thái ấy sẽ cho phép Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa có đủ điều kiện để nới lỏng chính sách tiền tệ trong tương lai nhằm đối mặt với tốc độ tăng trưởng GDP đang ngày càng chậm hơn. Do đó, nhân dân tệ sẽ tiếp tục yếu kém hơn trong tương lai bởi Bắc Kinh không thể đồng thời hạ lãi suất và giữ giá đồng tiền này.
Trong điều kiện FED tăng lãi suất tiền gửi USD trong tháng 12 tới, BoA dự báo rất có khả năng đồng nhân dân tệ sẽ đối diện với bão lớn ngay trong quý I-2016 và có thể sẽ trượt giá đến 9%. Nếu điều ấy diễn ra, thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ đối mặt với tình trạng rút vốn ào ạt ra khỏi đây, khi giới đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp bắt đầu hoang mang về tiềm năng của những đợt giảm giá nhân dân tệ trong tương lai sẽ giảm bớt giá trị tài sản bị định giá bằng nhân dân tệ và gia tăng chi phí nợ định giá bằng USD. Đồng thời, một khi nhân dân tệ bị giảm giá quá nhanh, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có khả năng sẽ loại bỏ việc xem xét đưa đồng tiền này vào rổ tiền tệ quốc tế. Cho dù được chấp nhận chăng nữa, Bắc Kinh vẫn khó lòng thuyết phục người dân thế giới cất giữ đồng nhân dân tệ.
T.V – Kiên Lâm (DNSGCT)