Phải thừa nhận một thực tế rằng, từ bao đời nay lễ hội là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống người dân, làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng và góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Năm 2012 đánh dấu là năm lượng khách vui xuân, tham dự lễ hội đông nhất từ trước tới nay. Theo thống kê, trong ba tháng đầu năm các lễ hội lớn thực sự hấp dẫn du khách như lễ hội Chùa Hương (Hà Nội) đón 1,4 triệu lượt khách, lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) đón 2,1 triệu lượt, lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ) đón trên 5 triệu lượt khách, Đền bà Chúa Xứ (An Giang) 1,2 triệu lượt khách…
Lễ hội Chùa Hương
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có gần 8.000 lễ hội, trong đó có tới hơn 7.000 lễ hội dân gian. Nói không quá đáng, có tới 88% các lễ hội là loại hình dân gian ra đời từ các cộng đồng trong xã hội, vì vậy mà được xã hội hóa rất cao, đến mức đang phát triển một cách tràn lan, xa dần bản chất tốt đẹp ban đầu đồng thời kéo theo rất nhiều hiện tượng biến tướng như thương mại hóa, lợi dụng hoặc “ăn theo” lễ hội.
Ở nhiều địa phương, việc tổ chức lễ hội chỉ thiên về thu lợi chứ ít quan tâm đến yếu tố văn hóa truyền thống. Đáng lưu ý là có quá nhiều hòm công đức ở các di tích lịch sử, mà theo số liệu thống kê của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2012 số tiền thu công đức tại các lễ hội lên đến 300 tỉ đồng nhưng nhiều nơi không công khai việc thu chi. Một số địa phương cố gắng tổ chức lễ hội dân gian thật lớn để tranh thủ kinh phí Nhà nước và các tổ chức tài trợ, thế nhưng hiệu quả mang lại rất hạn chế nên đã gây lãng phí lớn. Hàng loạt những vấn đề nổi cộm của lễ hội tồn tại từ nhiều năm như việc bắt chẹt du khách, bao thầu lễ hội, các trò chơi không lành mạnh, lãng phí khi đốt vàng mã… Không ít lễ hội nặng phần mê tín dị đoan thay vì phát huy những giá trị truyền thống văn hóa. Tình trạng chèo kéo, ép giá du khách, cảnh ùn tắc giao thông, nạn cờ bạc bịp, móc túi… đã trở thành nỗi ám ảnh của khách hành hương.
Năm 2013, đã có không ít lễ hội sớm tái diễn những méo mó, biến tướng khiến dư luận bức xúc. Mấy tuần qua, các phương tiện truyền thông lại tiếp tục phản ánh các điểm chưa hay chưa đẹp xảy ra ở các lễ hội năm nay. Chen lấn, xô đẩy, tranh giành trong nơi thờ tự; giẫm đạp lên nhau để cướp lộc; xả rác bừa bãi; ép các tượng Phật… nhận tiền; biến cõi thiêng thành nơi buôn bán; rồi nạn xin tiền tại hội Lim, đốt vàng mã nghi ngút ở đền Bà Chúa kho… Cảnh cướp ấn ở Đền Trần (Nam Định), rải tiền trắng mặt trống đồng chùa Bái Đính, hay ném tiền vô tội vạ xuống giếng Tiên ở Đền Hùng… đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự linh thiêng của di tích cũng như nét đẹp văn hóa của lễ hội.
Tất cả vẫn là câu chuyện cũ lặp lại từ năm này qua năm khác, khiến nhiều người tiên đoán ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10-3 tới đây cảnh tượng bát nháo sẽ không thể tránh khỏi.
Đi lễ hội là tập tục đẹp, mang đậm nét tâm linh, đồng thời để được hòa mình vào cộng đồng, trút bỏ những phiền muộn của một năm vật lộn với chuyện cơm áo gạo tiền, thậm chí để cầu xin những điều tốt đẹp, an lành trong năm mới. Điều này giải thích tại sao những ngôi chùa, di tích lịch sử văn hóa, những địa danh mang tính linh thiêng đã trở thành những điểm đến đầu năm của hàng vạn du khách.
Thế nhưng, đi lễ hội giờ đây đâu có được chơi hội, khi mà khách hành hương phải chịu biết bao phiền toái khi họ trở thành mục tiêu chặt chém, sách nhiễu của những kẻ lợi dụng di tích, lợi dụng lễ hội để kinh doanh, là cơ hội để “đập đổ” du khách.
Hiện nay, lễ hội tiếp tục bị lạm dụng và đầy rẫy sự tham lam, tư lợi và sự bất an. Chen chúc, lo bị kẻ gian móc túi, mệt mỏi với cảnh chờ đợi khi tắc đường… Đó là tâm trạng của rất nhiều khách hành hương ở các lễ hội thường xảy ra tình trạng quá tải, như chùa Bái Đính, chùa Hương…
Trước mùa lễ hội 2013, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã cử bảy đoàn đi các địa phương có tổ chức lễ hội để xem xét ban tổ chức được kiện toàn thế nào, quy chế tổ chức ra sao, các biện pháp tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về ý nghĩa của các lễ hội và đặc biệt là pháp luật để bảo vệ di tích, bớt đi những hình ảnh thiếu mỹ quan.
Tuy nhiên, kết quả thanh kiểm tra đầu năm của Bộ và thực tế cho thấy công tác quản lý hoạt động lễ hội vẫn còn nhiều bất cập.
Chẳng hạn hình ảnh phản cảm nhất vừa diễn ra ở Lễ hội Đền Trần – Nam Định hôm 14 tháng Giêng Âm lịch, dù có đến năm vòng kiểm soát của lực lượng bảo vệ cũng không thể ngăn được dòng người ùn ùn xông vào đạp đổ hàng rào bảo vệ để giành giật, tranh cướp đồ lễ trên bàn thờ.
Hay dọc đường dẫn vào đền bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, người già, người khuyết tật nằm bất động hay lê lết xin tiền du khách, đặc biệt nhiều trẻ em bị lạm dụng để kiếm tiền trước sự bất lực của Ban quản lý di tích.
Ở lễ hội Chùa Hương, mặc dù có lệnh cấm nhưng các nhà hàng, quán ăn vẫn công khai bày bán đủ các loại thịt động vật trong đó có cả nai, nhím, hoẵng… làm ô tục cõi Phật.
Còn tại Lễ hội chọi trâu ở Vĩnh Phúc, năm nay có đến 28 ông Cầu (cách gọi trâu chọi nơi đây) bị đưa tới thi đấu và sau đó được làm thịt ngay tại chỗ để du khách thưởng thức. Do số trâu thi đấu đông, lượng người đến tham quan lại quá nhiều, nên khu vực làm thịt trâu chọi rất mất vệ sinh.
Những lộn xộn, tiêu cực tại các lễ hội có một phần nguyên nhân từ việc buông lỏng quản lý mà trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo các địa phương, kế đó là vấn đề ý thức và cách hành xử của người dân. Đặc biệt công tác tuyên truyền ý nghĩa, nội dung lễ hội ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, từ đó dẫn tới tình trạng người đi dự hội thì nhiều, nhưng hiểu biết về các giá trị văn hóa của lễ hội còn hạn chế.
Mặt khác, ngành chức năng cũng cần nghiên cứu lại toàn bộ lễ hội và hoạt động dân gian chung quanh lễ hội, cần “gạn đục khơi trong” để phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, nhưng đồng thời cần chấn chỉnh các lễ hội không còn phù hợp với đời sống văn minh.
Thanh Phương