Một thầy giáo, tiến sĩ trẻ vừa ở nước ngoài về, dạy ở khoa truyền thông một trường đại học, hôm đầu tiên lên lớp về, nói như… sắp khóc: “Sinh viên giờ… kỳ quá, tôi vừa bước vào lớp là nghe: Ôi, thầy đẹp trai quá, đẹp trai quá!”. Bạn an ủi, xì xào thôi mà, kệ đi. Thấy đẹp thì họ như vậy thôi mà. “Xì xào đâu? La lớn muốn bể lớp, thiệt mắc cỡ”.
Trời, tưởng gì, thế là bình thường. Tuổi trẻ bây giờ nghịch ngợm, tự do bày tỏ. Xem các chương trình trực tiếp trên truyền hình đó, người ta ăn nói còn ghê gớm hơn nhiều, cả giám khảo cũng phải cố làm trò hề. Thế mới gọi là… xôi đậu (xí, lộn, gọi là sôi động). Thế thầy nói sao?
“Còn nói gì được. Để vãn hồi trật tự, tôi nghiêm mặt: Các anh các chị đến đây để học, tôi đến để truyền kiến thức, đây không phải… sở thú!”.
Hôm nay thầy lại về khoa than thở: “Không thể hiểu nổi, sinh viên… ăn trong lớp. Thôi thì nếu đói, lén ăn cái bánh cái kẹo gọn gàng kín đáo không nói làm gì. Đằng này có cô cậu ăn mặc hợp thời trang, bày ra trên bàn rồi hiên ngang kéo những sợi mì dài húp xì xụp, chướng mắt không chịu nổi”.
Các đồng nghiệp cười: “Chuyện thường ngày ở huyện! Bạn mới ở nước ngoài về, chắc bị… sốc văn hóa. Từ từ sẽ quen thôi”.
Hôm nay thì lên đến… đỉnh điểm của sự bức xúc. Thầy kể có làm một điều tra xã hội học nho nhỏ trong hội trường. Câu 1: Nguyện vọng bạn muốn được học như thế nào? Trả lời: Học ít, chơi nhiều. Không bắt đọc tài liệu nhiều. Không được bắt trong lớp phải kỷ luật, vi phạm không được phạt. Câu 2: Bạn kỳ vọng tương lai mình sẽ trở thành người thế nào? Rất nhiều câu trả lời: Em mơ là… Trấn Thành.
Vậy thầy nghĩ sao? Chắc thầy thừa hiểu, trở thành Trấn Thành cũng là đỉnh cao trong kỹ năng nghề truyền thông, làm MC giỏi, đa tài. Quá tốt. Nhưng cả nước này có bao nhiêu người như Trấn Thành, đâu có dễ.
Mà có dịp nào được phỏng vấn anh ấy, nhớ hỏi giúp: Có phải cha mẹ đẻ anh ra một cái là thành siêu sao ngay lập tức hay không? Cuộc đời phấn đấu học hành thế nào? Lao động cực khổ là chắc chắn. Thất bại sai lầm cũng có đầy…
Trời đất. Mong thành sao showbiz tất cả rồi. Ước mơ có gì đáng trách đâu, nhưng nó cũng phản ánh tư duy lấn át của những thứ… ê hề trong đời sống đến mức ám ảnh cả một bộ phận giới trẻ. Thầy sốc cũng có lý.
Nhưng mà cũng mời thầy tiếp tục… sốc dài dài, vì có biết bao chuyện tương tự đang xảy ra. Có người đùa dai, nói bây giờ tuyển sinh khó, phải chiều sinh viên thôi, khách hàng là thượng đế.
Khách hàng ngày nay đưa người nhà đi bệnh viện cấp cứu còn đòi quay video, rượt đánh thầy thuốc. Phụ huynh học sinh bắt cô giáo quỳ. Thầy cô đánh trò không tiếc tay. Giờ còn có khái niệm (có tiếng Tây hẳn hoi) “thầy giáo quyền uy” và “phụ huynh quái vật”. Nghe thật đáng sợ!
- Xem thêm: “Ăn nhau” ở cái gì?
Thầy giáo tiến sĩ trẻ nghe một hồi, nói rằng thầy cũng biết cả chứ có phải từ… sao Hỏa xuống đâu. Đừng kinh doanh giáo dục, hy sinh nguyên tắc giáo dục để hạ thấp vai trò người thầy và chịu thua những khuynh hướng sống sai trái của một bộ phận giới trẻ.
Và thầy cũng chẳng lạ những nghiên cứu tổng kết các “tiến trình” của nhân loại. Thế hệ bùng nổ sau Thế chiến thứ Hai gọi là thế hệ “Baby Boomers” lớn lên những năm 1960, thế hệ được giáo dục tốt nhất, am hiểu, sẵn sàng đương đầu với rủi ro, thế hệ đọc sách.
Giờ họ có thể đã chết hoặc nếu còn thì cũng biến thành các cụ bất lực, nhiều khi còn bị làm vật hy sinh.
Rồi đến thế hệ Thiên niên kỷ 8X, 9X sinh trong giai đoạn 1980-2000, đa số ích kỷ, chỉn chu, ghét bị chỉ trích, tiêu hết sạch tiền, Avocado – những người nõn nà tự cao. Thế hệ Z sinh sau 2000, thành thạo bẩm sinh với nhắn tin và truyền thông xã hội.
Trời đất, nghiên cứu như vậy chẳng hóa ra các ông cụ bà cụ “thất thập cổ lai hy” lại tốt nhất – một thế hệ hay nhất sao? Phi lý quá…
Vì thế, tiếp xúc với thực tế, ông thầy Tây học cứ còn dài dài… mắt chữ O mồm chữ A.