Cuộc tranh cãi về thu bản quyền âm nhạc trên TV trong các khách sạn, sau ba tháng yên ắng tưởng chừng đã “hạ màn” thì tuần qua bỗng nhiên lại rộ lên với nhiệt độ nóng hơn sau khi Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) mà đại diện là nhạc sĩ Phó Đức Phương thông báo họ đã được Cục Bản quyền tác giả cho phép tiếp tục thu. Lời qua tiếng lại qua báo chí lần này gay gắt hơn với lý lẽ không hề thuyết phục như lâu nay của VCPMC cùng với thái độ dứt khoát của phía khách sạn, như phát biểu của bà Phó chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng: “Chưa thông, chúng tôi sẽ không nộp dù là một xu”. Không biết thực hư nội dung thông báo này thế nào vì cho đến nay vẫn chưa thấy văn bản chính thức của Cục Bản quyền tác giả, nơi tổ chức hội nghị lấy ý kiến về vấn đề này. Thế nhưng Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên, quan chức cao nhất có mặt trong buổi họp này nói rõ: “Như cách thu khoán ở quán karaoke, quán cà phê, thu đầu TV trong khách sạn… tôi cho rằng không đúng. Có người vào uống cà phê có thể không có nhu cầu nghe nhạc, hoặc vào khách sạn chỉ để nghỉ không có nhu cầu xem tivi”. Phát biểu của ông thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch rất gần gũi với quan điểm của giới kinh doanh khách sạn và khác với cách nhìn vấn đề của ông nhạc sĩ giám đốc VCPMC.
Để giải quyết thắng – thua trong cuộc tranh cãi này, Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng: “Đây là quan hệ dân sự nên Nhà nước không can thiệp. Chúng ta nên quen dần với những quan hệ dân sự mà các bên không giải quyết được với nhau thì ra tòa”. Quả thật chí lý khi chúng ta đã nhiều cơ chế giải quyết tranh chấp đúng theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Vấn đề là giải thích luật như thế nào, đó là vai trò của các vị luật sư.
Rất may là trong đợt tranh cãi lần này, nhiều luật sư đã lên tiếng với những bài viết và trả lời báo chí đầy thuyết phục, có lẽ các vị đã thấy rõ đúng sai và muốn làm rõ những lý giải có cơ sở pháp lý. Chẳng hạn: VCPMC yêu cầu trả phí là căn cứ vào Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, tức quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng và quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác”. Nhưng luật sư cho rằng: “Khách sạn không thể là đối tượng biểu diễn mà đối tượng biểu diễn là nghệ sĩ trực tiếp biểu diễn trên sân khấu hoặc biểu diễn gián tiếp bởi các bản ghi âm, ghi hình. Khách sạn cũng không là đối tượng truyền đạt vô tuyến mà đối tượng đó là các tổ chức phát sóng. Khách sạn chỉ mua đường truyền phát sóng (không đồng nghĩa với chương trình phát sóng).
Trong cuộc tranh cãi lần này, một vài nhạc sĩ cũng tham gia và thông tin của giới này rõ ràng không thuận lợi cho VCPMC trong đó có yêu cầu minh bạch các khoản thu tác quyền lên đến 100 tỉ đồng mà trung tâm này nói chịu trách nhiệm với 4 triệu tác giả nước ngoài và 4.000 tác giả trong nước (?). Thật ra, làm rõ điều này không khó, đưa nhau ra tòa dân sự cũng như mời một công ty kiểm toán độc lập vào làm việc là xong ngay.
- Ngọc Anh
Xem thêm: